Nam Định: 'Đến hẹn' lại bất an với tình trạng đốt rơm rạ, phơi thóc trên đường
Để chấn chỉnh, UBND tỉnh Nam Định vừa có văn bản hối thúc các sở ngành liên quan, chính quyền cấp huyện trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng hành, hỗ trợ các hộ dân và xử lý các vi phạm.
Ngày 8/5, UBND tỉnh Nam Định có văn bản gửi các sở, ngành TN-MT, NN và PTNT, GT-VT, KH-CN, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, về việc tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu và xử lý việc đốt rơm rạ, rác thải không đúng quy định.
Chỉ đạo của chính quyền tỉnh Nam Định đưa ra trong bối cảnh thời điểm thu hoạch lúa xuân đang đến gần và tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa vẫn diễn ra phổ biến trong nhiều năm qua.
Chuyển cơ quan công an nếu gây hậu quả nghiêm trọng
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định cho biết “những năm qua, mặc dù UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các huyện, thành phố chấp hành quy định về việc đốt rơm rạ, đốt rác thải, xả rác thải vào kênh mương và phơi thóc không đúng quy định. Tuy nhiên, ở một số địa phương hiện tượng trên vẫn còn diễn ra và phổ biến vào vụ thu hoạch lúa gây ô nhiễm môi trường, làm cản trở dòng chảy, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng chất lượng công trình giao thông, gây bức xúc”.
Để chấn chỉnh, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan về những tác hại của đốt rơm rạ, đốt rác thải và phơi thóc không đúng quy định; hướng dẫn phổ biến các giải pháp xử lý rơm rạ phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tích lũy rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn cho trâu bò, phủ đất trồng rau, màu, ủ làm phân bón hữu cơ,…; thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, vệ sinh môi trường chuồng trại, khu chăn nuôi; không xả rác, đốt rác bừa bãi; thường xuyên vệ sinh khu dân cư và nơi công cộng.
Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát các điểm đổ rác tạm, các điểm tập kết rác có hiện tượng đốt rác; nghiêm cấm việc đốt rác thải công nghiệp tại các khu vực xử lý rác thải sinh hoạt; yêu cầu các cơ sở phát sinh rác thải công nghiệp có biện pháp thu gom, hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi, nhất là xả rác xuống kênh, mương gây ách tắc dòng chảy, hành vi đốt rác không đúng quy định, hành vi tập kết đốt rơm rạ và phơi thóc trên đường giao thông, nếu gây hậu quả nghiêm trọng chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra truy tố trước pháp luật.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chỉnh trang, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây ven đường đảm bảo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thường xuyên tuyên truyền về việc này.
“Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hành vi liên quan đến việc đốt rơm rạ, phơi thóc trên các trục đường giao thông, xả và đốt rác không đúng quy định thuộc địa bàn quản lý”, văn bản nêu.
Đối với các sở NN và PTNT, TN-MT, KH-CN, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, phổ biến cho người dân các giải pháp xử lý rơm rạ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xử lý theo đúng quy định.
Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành TN-MT, GT-VT, Công an tỉnh, các cơ quan thông tin của tỉnh phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động; thay đổi hành vi, nhận thức của nhân dân, không xả rác thải, đốt rác thải bừa bãi, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; hướng dẫn vận hành hiệu quả các công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của địa phương; tổ chức kiểm tra giám sát xử lý kịp thời, kiên quyết việc vi phạm.
UBND tỉnh Nam Định cũng đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội nông dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các hội viên, đoàn viên, các hộ gia đình thực hiện nghiêm túc các yêu cầu.
Khó khăn, bất cập
Liên quan vấn đề hỗ trợ các hộ nông dân trong việc xử lý rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa, giúp người dân không phải xử dụng biện pháp đốt, chiều cùng ngày, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nam Định nhìn nhận việc này ở địa phương đang gặp khó khăn, bất cập.
“Công nghệ xử lý rơm rạ hiện không thiếu nhưng không được người dân áp dụng. Đơn cử, hiện có sản phẩm máy cắt, nghiền rơm rạ để tái sử dụng nhưng bà con không đầu tư sử dụng. Nguyên nhân là sản xuất lúa của các hộ dân ở Nam Định rất nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ có vài sào, một năm cũng chỉ sản xuất 2 vụ nên các hộ không đầu tư, sử dụng. Máy chỉ phù hợp với quy mô sản xuất lớn”, ông Trần Huy Quang phân tích.
Tương tự, với biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Nam Định nêu bất cập, đó là tập quán canh tác của nông dân địa phương là sau khi thu hoạch lúa 10-15 ngày là giải phóng đồng ruộng để chuyển sang sản xuất rau màu. Trong khi để rơm rạ ủ chế phẩm sinh học phát huy hiệu quả phải cần nhiều thời gian hơn.
Mặt khác, theo ghi nhận của PV, tuy ở địa bàn nông thôn, có tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng ở nhiều địa phương ở Nam Định nhà dân giờ đây được thiết kế theo kiểu nhà ống, giống ở thành thị, không còn không gian để tập kết rơm rạ như xưa. Việc đun nấu của hầu hết các gia đình đều bằng bếp ga, bếp từ, không còn nhu cầu về rơm rạ cho việc này.
Đó là các nguyên nhân khiến trong nhiều năm qua, cứ đến mùa thu hoạch lúa tình trạng nông dân đốt rơm rạ trên đồng, mang thóc ra đường giao thông, cả quốc lộ, tỉnh lộ phơi, gây nhiều hệ lụy về môi trường, mất an toàn giao thông như chính quyền tỉnh cảnh báo.