Nam Định tạo 'bước đà' phát triển bảo hiểm xã hội
Số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tăng mạnh trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh phát triển. Do vậy, Nam Định cần có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo 'bước đà' cho người tham gia, nhất là với BHXH tự nguyện.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định Trần Văn Dũng, giai đoạn 2020 - 2021, số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh đã tăng vượt bậc so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao, cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra.
Điểm sáng phát triển BHXH trong khu vực hợp tác xã
Năm 2020, toàn tỉnh Nam Định, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt 1.630.196 người tăng 32.423 người (tương ứng với tăng 2,03%) so với năm 2019. Năm 2021 con số này là 1.674.657 người, tăng 44.263 người (tương ứng với tăng 2,7%) so với năm 2020; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94% dân số.
Kết quả phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Nam Định khả quan, trong đó phải kể tới những điểm sáng như đẩy mạnh phát triển BHXH trong khu vực HTX. Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) phi nông nghiệp trong tỉnh Nam Định đã phát huy hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, nhiều HTX đã đảm bảo quyền lợi của người lao động thông qua tuân thủ đóng BHXH.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 475 HTX trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế; trong đó các HTX phi nông nghiệp gồm: 30 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 1 HTX xây dựng, 3 HTX thương mại, 20 HTX vận tải, 13 HTX khác và 42 Quỹ tín dụng nhân dân.
Những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, mạnh dạn đầu tư thiết bị, phương tiện để duy trì mở rộng sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động. Tiêu biểu như HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào thành lập tháng 12/1997, đi vào hoạt động từ tháng 3/1998, cung cấp nước sạch cho gần 4.000 hộ dân của thị trấn Nam Giang và toàn bộ khối cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trung tâm huyện Nam Trực.
HTX Nước sạch và Môi trường Sông Đào ngày càng hoạt động ổn định, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm tăng lên rõ rệt, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đời sống của cán bộ thành viên HTX và người lao động được nâng cao, 100% thành viên được đóng BHXH, đóng góp ngân sách Nhà nước mỗi năm trên 500 triệu đồng.
Đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện
Dù đạt được kết quả tích cực trong thời gian qua, song để phát triển BHXH, BHYT trong thời gian tới vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức. Về tham gia BHXH trên toàn tỉnh hiện nay so với Nghị quyết 28-NQ-TW, qua báo cáo tỷ lệ đạt 25,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, so với tiềm năng thực tế còn khá khiêm tốn, trong khi mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 45% vẫn còn khoảng cách lớn. Để hoàn thành chỉ tiêu này, tính định lượng mỗi năm tỉnh Nam Định phải phát triển tỷ lệ tham gia BHXH được trên 6%, đây là một thách thức không hề nhỏ và nặng nề.
Cũng theo báo cáo toàn tỉnh năm 2021, số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng nhưng vẫn chưa thực sự ấn tượng. Thời gian tới, BHXH tỉnh Nam Định cần đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp tuyên truyền linh hoạt, hiệu quả; đồng thời cần sự quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách, bên cạnh đó, cũng cần xác định các nhóm cần ưu tiên như nông dân, thành viên HTX, người lao động thuộc khu vực phi chính thức để thực hiện tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện, tiếp tục giải pháp từ nhóm cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, tổ dân phố để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng...
Tham gia Đoàn Giám sát của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Nam Định về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT mới đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đánh giá công tác phát triển người tham gia BHXH của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng địa phương, còn rất nhiều dư địa để phát triển hơn nữa.
Do đó, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn mong muốn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định tiếp tục tăng cường chỉ đạo trong công tác này với lộ trình, giải pháp, nhóm đối tượng tiềm năng cụ thể; đặc biệt là có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “bước đà” cho người tham gia, nhất là với BHXH tự nguyện. Về lĩnh vực BHYT, tỉnh cũng cần có những giải pháp căn cơ hơn trong điều kiện mức đóng còn thấp nhưng các dịch vụ kỹ thuật ngày càng phát triển, nhu cầu của người tham gia cũng ngày càng tăng lên.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam Nguyễn Văn Cường phân tích với dân số hơn 1,8 triệu người, với khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ bao phủ BHXH của tỉnh Nam Định vẫn còn thấp. Vì vậy, UBND tỉnh, BHXH tỉnh cần bám sát các kế hoạch của Chính phủ và BHXH Việt Nam, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện địa phương để nâng cao tỷ lệ này, hoàn thành chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Đây là vấn đề cốt lõi để bảo đảm tính bền vững của chính sách.