Nam Định: Tập trung nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát
Theo Ban Chỉ đạo Triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Nam Định, hiện nay, có 3 huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà tạm, nhà dột nát. Để tỉnh đạt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 1.7, cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn thể các cấp, các ngành, địa phương.
Lan tỏa mạnh mẽ chương trình
Triển khai Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 19.6.2024 ban hành Kế hoạch triển khai phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước năm 2025"; các sở, ban, ngành của tỉnh Nam Định đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai chương trình; tích cực, chủ động, kịp thời thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 5.7.2024 của UBND tỉnh về thực hiện phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh; công tác vận động đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức tham gia vào Quỹ "Vì người nghèo" được tăng cường.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.573 hộ gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg. Dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 62 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm.

Nam Định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Văn Đạt
Năm 2024, Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" Nam Định đã hỗ trợ xây dựng 125 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 6,25 tỷ đồng. Cụ thể, Câu lạc bộ Doanh nhân Nam Định tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 5 căn nhà (250 triệu đồng); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ 100 căn nhà (50 triệu đồng/nhà); Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 20 căn nhà (50 triệu đồng/nhà). Nhiều tổ chức khác vận động xây dựng các ngôi nhà "Mái ấm tình thương", "Mái ấm công đoàn"...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng (Khóa XIII); Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huy động đa dạng nguồn lực theo phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ".
Ngoài ra, kết hợp hiệu quả nguồn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, xã hội hóa và chính các hộ gia đình; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp. Việc huy động hỗ trợ sẽ được thực hiện theo hướng đa dạng hóa, linh hoạt, công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Tiếp tục đẩy mạnh xóa nhà tạm
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra vào ngày 10.3 vừa qua; Thủ tướng Chính phủ đề nghị "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tận dụng các nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, phấn đấu đến 31.10.2025, cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Hưởng ứng tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Phạm Đình Nghị chỉ đạo, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh. Các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa, tính nhân văn của chương trình; vận động các tổ chức, cá nhân tích cực, chủ động tham gia góp công, góp của để thực hiện hiệu quả chương trình.
Các sở, ngành tiếp tục hoàn thành việc tổng hợp danh sách, đề nghị phân bổ kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; phân bổ kinh phí cho địa phương, ban hành hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ; phân bổ kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa, cải tạo nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Các sở, ngành tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhân lực giúp người dân xây dựng, xóa nhà tạm, nhà dột nát theo lộ trình; triển khai thực hiện, giám sát các hộ sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích, bảo đảm nhà ở phải được xây dựng hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng...; quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa toàn bộ 292 nhà tạm, nhà dột nát ở tỉnh trước ngày 1.7.2025.
Theo rà soát, có 6 huyện, thành phố còn lại đã phê duyệt danh sách 292 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát đề nghị hỗ trợ xây mới, cải tạo sửa chữa; trong đó, xây mới 140 hộ, cải tạo 152 hộ. Dự kiến, kinh phí hỗ trợ thực hiện chương trình khoảng 13 tỷ đồng. Tỉnh Nam Định đã cập nhật danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát vào phần mềm của Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo quy định.