Nam Định tổ chức phiên giải trình đối với các lĩnh vực đất đai, tài chính

Sáng nay (7.4), Thường trực HĐND tỉnh Nam Định đã tổ chức phiên giải trình các nội dung thuộc lĩnh vực đất đai và tài chính.

Toàn cảnh phiên giải trình

Toàn cảnh phiên giải trình

Dự và chủ trì Phiên giải trình có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh. Cùng dự có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan, Mai Thanh Long; Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh; Chủ tịch HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Sơn báo cáo tại phiên giải trình

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Sơn báo cáo tại phiên giải trình

Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa chậm

Báo cáo về vấn đề Tài nguyên và Môi trường tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Sơn cho biết: Sau khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh người dân làm thủ tục hành chính về đất đai thì địa chỉ thửa đất và địa chỉ của chủ sử dụng đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sẽ có sự thay đổi. Để thực hiện sự thay đổi địa chỉ thửa đất, địa chỉ người sử dụng đất vào giấy chứng nhận (GCN), người sử dụng đất cần kê khai tại mục 3 nội dung biến động (nội dung trên Giấy chứng nhận trước khi biến động và sau khi biến động) của đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất).

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố đối chiếu với kết quả sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2022 để xác nhận biến động vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận trong trường hợp người dân có nhu cầu. Như vậy, sau khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, người dân làm thủ tục hành chính về đất đai chỉ phải kê khai tại đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, mẫu số 09/ĐK mà không phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào khác…

Liên quan đến việc dồn điền đổi thửa, trong những năm vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có rất nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, lập phương án xử lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất ở cho hộ gia đình, cá nhân và đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện cấp GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh giao chỉ tiêu cấp đổi GCNQSD đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa cho các địa phương trên cơ sở đăng ký của các huyện. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Tài nguyên Môi trường tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận tiến độ thực hiện hàng năm chậm so với kế hoạch được giao.

Giám đốc Sở Tài Chính Phạm Thành Trung báo cáo tại phiên giải trình

Giám đốc Sở Tài Chính Phạm Thành Trung báo cáo tại phiên giải trình

Đối với việc triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh và kế hoạch số 108/KH-UBND về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Sở Tài Chính đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc Tổ công tác của tỉnh để thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng thực hiện: xây dựng biểu mẫu báo cáo kê khai, biên bản kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý theo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra hiện trạng; lập Biên bản kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất; tổng hợp, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trịnh Minh Đức nêu ý kiến tại phiên giải trình

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trịnh Minh Đức nêu ý kiến tại phiên giải trình

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng cơ sở nhà đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý 3.550 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi tỉnh quản lý và 500 cơ sở nhà đất của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn phải thực hiện kê khai, sắp xếp lại.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lê Văn Lợi phát biểu ý kiến

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lê Văn Lợi phát biểu ý kiến

Đề nghị có giải pháp cụ thể, giải quyết dứt điểm những tồn tại

Tại phiên giải trình, các đại biểu đã tập trung làm rõ nguyên nhân chủ quan nguyên nhân khách quan đối với việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc nâng cấp bản đồ hồ sơ địa chính các xã trên địa bàn; việc đăng ký biến động đất đai, việc hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm có kịp thời đồng bộ; đáp ứng yêu cầu cơ sở dữ liệu đất đai và công dân...

Về lĩnh vực đất đai, các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến các nội dung: Sự chênh lệch lớn về tỷ lệ ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ký, nguyên nhân do vướng ở khâu nào?; Những vấn đề phát sinh xoay quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch cũ, nay đã xóa quy hoạch, khó khăn ở đâu?; hiện nay, lực lượng Công an tỉnh đã làm tốt việc cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu dân cư nhưng việc chia sẻ thông tin này với các sở, ngành như thế nào để tạo sự đồng bộ?; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa ở các huyện có sự chênh lệch, có huyện làm rất tốt như Hải Hậu đạt 85%, có những huyện lại mới đạt 23%, nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai?....

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan phát biểu tại phiên giải trình

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan phát biểu tại phiên giải trình

Đối với lĩnh vực tài chính, đại biểu HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài chính làm rõ những khâu công việc để hoàn thiện phương án xử lý nhà đất bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Trung ương và của tỉnh. Đề nghị đưa ra giải pháp cụ thể khắc phục khó khăn trong công tác sắp xếp, xử lý nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đề nghị Sở Tài chính làm rõ trách nhiệm của các cơ quan sử dụng nhà đất trong việc phát sinh các vấn đề như bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc,… nhưng chưa chủ động lập, đề xuất phương án xử lý hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh phát biểu tại phiên giải trình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh phát biểu tại phiên giải trình

Tại phiên giải trình, đại diện lãnh đạo Sở TN và MT, Sở Tài chính cùng với một số lãnh đạo UBND huyện, thành phố đã giải trình, làm rõ các nội dung mà đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tọa phiên giải trình đặt ra, tạo không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh phát biểu kết luận tại phiên giải trình

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh phát biểu kết luận tại phiên giải trình

Phát biểu kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn là Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính. Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND tỉnh việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố chỉ làm biến động về địa chỉ thửa đất và địa chỉ của chủ sử dụng đất tại GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nếu không thực hiện đăng ký biến động đất đai, người dân cũng sẽ không phải nộp phạt nên người dân thiếu chủ động trong việc thực hiện đăng ký biến động đất đai; việc cấp GCNQSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa còn chậm, nguyên nhân chính là do bản đồ và hồ sơ địa chính tại nhiều địa phương không đầy đủ, đồng bộ, thiếu chính xác hoặc đã quá cũ nát gây khó khăn cho việc chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Sự vào cuộc của UBND cấp huyện và UBND cấp xã chưa tích cực, kinh phí giành cho việc đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: sự chồng chéo trong các văn bản hướng dẫn của Trung ương; bị phụ thuộc vào chuyên môn của các đơn vị khác; thực trạng quản lý, sử dụng nhà, đất hiện nay còn phức tạp và khó xử lý; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc; sự thiếu trách nhiệm trong xử lý sai phạm về đất đai của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao...

Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc đặt ra, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện, thành phố triển khai cho UBND cấp xã tiến hành chỉnh lý biến động đất đai đảm bảo đồng bộ và kịp thời. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã chủ động thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ mọi người dân làm thủ tục đăng ký kê khai biến động đất đai ngay khi hoàn thành việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về đất đai của địa phương.

Đối với việc cấp GCNQSDĐ sau dồn điền đổi thửa, UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hồ sơ địa chính, bố trí đủ kinh phí, nhân lực để sớm hoàn thành việc cấp GCN QSDĐ sau dồn điền đổi thửa. Giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng huyện, thành phố thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện nếu không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch cấp GCN QSDĐ sau dồn điền đổi thửa.

Liên quan việc triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với Bộ, cơ quan trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất có ý kiến về phương án xử lý nhà, đất. Các thành viên Tổ công tác và Tổ giúp việc Tổ công tác của tỉnh tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc khối các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, bảo đảm việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đúng quy định của pháp luật, kịp thời đưa nhà, đất vào sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh để lãng phí, sai phạm

KHÁNH DUY - ĐÀO CẢNH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/nam-dinh-to-chuc-phien-giai-trinh-doi-voi-cac-linh-vuc-dat-dai-tai-chinh-i322447/