Nam Định: Từ bài học '4 tại chỗ' và đoàn kết
Bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) đã đi qua. Qua công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão đã có nhiều bài học kinh nghiệm tích cực, cần được đúc kết, phổ biến để phát huy trong công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai sau này cũng như cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Siêu bão nhưng không để xảy ra thiệt hại lớn
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt, có cường độ tăng cấp nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Bão hình thành ở phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc vừa bị tổn thương rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Nam Định là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong thời gian bão đổ bộ (khoảng từ 13h đến 19h30 ngày 7/9), trên vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội; trên đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 kèm theo mưa. Mực nước trên các sông tỉnh Nam Định biến đổi theo xu thế thủy triều, chịu ảnh hưởng của bão số 3 kết hợp điều tiết của các hồ chứa phía thượng lưu, có những vị trí vượt báo động cấp I (có khả năng xảy ra lũ) như mực nước trên sông Đào tại Trạm thủy văn Phú Lễ: 2,10m (lớn hơn báo động I 0,10m); thậm chí có vị trí vượt báo động II (tình trạng lũ nguy hiểm) như mực nước trên sông Ninh Cơ tại Trạm thủy văn Trực Phương là 2,40m (lớn hơn báo động II 0,10m). Lượng mưa trung bình trên địa bàn tỉnh Nam Định trong thời gian bão là 83,1mm, cao nhất 160mm tại huyện Trực Ninh. Có rất nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của siêu bão số 3, nhất là đối với vùng ven biển. Các hình ảnh của siêu bão YAGI khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) cho thấy sức tàn phá nặng nề ở những nơi bão đi qua, và không hề giảm cấp.
Theo thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 trên toàn tỉnh cho thấy đã được giảm thiểu, không gây thiệt hại về người; khoảng 5.000ha lúa, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu, 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. 2 nhà văn hóa bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt… Mức thiệt hại được đánh giá là giảm thiểu tối đa so với các tỉnh, thành phố ven biển cùng phải hứng chịu tác động tiêu cực của cơn bão số 3 trên toàn quốc.
"Bốn tại chỗ" và bài học đoàn kết
Nhờ quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp hữu hiệu từ sớm, từ xa, nên dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 với lượng mưa lớn, cây xanh đổ nhiều; có nhiều nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm phải di dân với số lượng người lớn nhưng Nam Định đã ứng phó, xử lý rất linh hoạt các hậu quả do bão gây ra nên mức độ thiệt hại được giảm tối đa ở mức thấp nhất, theo đánh giá tại hội nghị trực tuyến sáng 8/9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với các bộ, ngành và 26 địa phương chịu ảnh hưởng và tại buổi làm việc vào chiều 8/9 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại tỉnh đều đánh giá: Trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Nam Định có nhiều cách làm tích cực đáng phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác ứng phó với các cơn bão sau này.
Mặc dù thành phố Nam Định có tới 1.060 hộ với 2.226 người sinh sống trong nhà thuộc diện nguy hiểm, nhà tạm, nhà yếu và các khu tập thể cũ cần phải di dời, sơ tán để đề phòng nguy cơ sập đổ nhà khi bão lớn, mưa to kéo dài. Tại các vị trí đến sơ tán, bà con nhân dân đều được chính quyền địa phương quan tâm chu đáo, chuẩn bị chăn màn, vật tư y tế, cung cấp đầy đủ lương thực cho nhân dân tránh trú bão an toàn; cử lực lượng trông coi để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản giúp các hộ dân yên tâm đi tránh trú bão. Trong quá trình kiểm tra thực địa tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của Nam Định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình được người dân phải đi sơ tán ở thành phố Nam Định chia sẻ tâm tư phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cả về điều kiện vật chất và tinh thần. Tại các huyện ven biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy) đã di dời gần 1.000 lao động tại các lều chòi nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào đất liền tránh trú; có 1.714 tàu thuyền với 5.287 lao động phải dời biển vào nơi tránh trú an toàn.
Một "thành công" nữa của thành phố Nam Định trong ứng phó bão số 3 lần này là dù lượng mưa trong bão đạt đỉnh 135mm (cao nhất từ trước đến nay) nhưng thành phố đã làm tốt công tác tiêu thoát nước mưa, không còn tình trạng ngập úng phức tạp như mọi khi. Các địa phương trong tỉnh cũng làm tốt công tác xử lý giờ đầu; các lực lượng xung kích thường trực đã khắc phục nhanh các sự cố như chặt hạ cây xanh gẫy đổ để bảo đảm lưu thông thông suốt phục vụ việc di chuyển phòng chống bão và bảo đảm an toàn cho người dân đi lại. Ngay khi bão tan các địa phương đồng loạt tập trung khắc phục hậu quả với tinh thần khẩn trương, thời gian ngắn nhất có thể. Đến chiều 8/9 mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân đã cơ bản trở lại bình thường. Đối với nhóm các hộ dân sinh sống tại các khu nhà yếu, nguy hiểm chờ cơ quan chức năng tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng đến chất lượng của các ngôi nhà sau mưa lớn kéo dài, nếu đảm bảo an toàn mới cho người dân trở về nhà.
Theo đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh: Để có thể giảm đến mức tối đa thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra, bên cạnh các giải pháp, kinh nghiệm như nhiều tỉnh, thành khác thì ở Nam Định phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của tỉnh. Xác định đây là cơn bão rất mạnh, có sức tàn phá lớn nên cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, từ các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành; Bí thư, Chủ tịch các huyện, thành phố; lực lượng vũ trang, xung kích phòng, chống thiên tai và toàn thể người dân trong tỉnh đã rất quyết liệt, trách nhiệm vào cuộc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh điều hành linh hoạt công tác triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Riêng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh đều đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát tình hình, quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm duy trì xuyên suốt quan điểm đặc biệt quan tâm ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước trước nguy cơ gây thiệt hại của bão số 3. Các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo công tác phòng chống bão. Các huyện có biển (Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng) đã rất cương quyết, phối hợp thực hiện hiệu quả việc kêu gọi ngư dân trên biển, lao động ở các khu đầm bãi nuôi trồng thủy hải sản vào bờ tránh trú bão an toàn. Các cơ quan truyền thông của tỉnh như Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và hệ thống đài phát thanh cấp huyện đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền giúp toàn thể nhân dân nắm bắt sớm các thông tin, nâng cao ý thức phòng chống bão, chấp hành nghiêm chỉ đạo về ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của các cấp chính quyền. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá cao một thành công cần phát huy của tỉnh là tinh thần đoàn kết, chung sức cùng vào cuộc ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của toàn thể chính quyền và nhân dân. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đây cũng là điểm mạnh Nam Định cần tiếp tục phát huy để có thể thực hiện thắng lợi, hiệu quả các hoạt động ứng phó thiên tai, bão lũ cũng như trong các nhiệm vụ khác để giúp Nam Định bứt tốc, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.