Nam giới bị bạo hành gia tăng
Theo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, trong hơn 3.200 vụ bạo lực gia đình, có 565 nạn nhân là nam giới. So với năm 2022, tỷ lệ nạn nhân là nam giới gia tăng.Nhiều nam giới bị trầm cảm Gia tăng bạo hành tinh thầnÝ THUTIN, BÀI LIÊN QUAN:
Gần 1 năm qua, anh H.N (42 tuổi), ở TP.Quảng Ngãi phải tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý để chia sẻ, giải tỏa những bất ổn về tâm lý. Anh N chia sẻ, nguyên nhân là do từ nhiều năm qua anh phải sống trong tình cảnh bị vợ chê bai vì không "bằng bạn, bằng bè". Anh N cũng thổ lộ rằng, dù anh phải tìm đến chuyên gia tư vấn để điều trị tâm lý, nhưng vợ anh lại không hề hay biết.
"Tôi cảm thấy lòng tự trọng bản thân bị vợ xúc phạm. Tôi luôn nỗ lực làm việc, không hề lười biếng, cũng không cờ bạc, rượu chè. Cuộc sống hai vợ chồng nhìn chung cũng tạm ổn, tuy không giàu có, nhưng đủ để lo cho các con học hành. Song, vợ tôi không hài lòng và luôn so sánh, mơ ước về cuộc sống của những người bạn và đồng nghiệp. Tôi đau khổ, phải tìm đến chuyên gia tâm lý để điều trị, song vợ tôi vẫn không hề nhận ra. Cô ấy luôn cho rằng, người khổ sở nhất trong cuộc hôn nhân này là cô ấy và các con, khi tôi không thể lo được cho vợ con cuộc sống đầy đủ như những gia đình khác", anh N bộc bạch.
Cũng phải đi điều trị tâm lý vì bị vợ thường xuyên nhắc đi nhắc lại một lỗi lầm trong quá khứ, anh T.K (40 tuổi) chia sẻ, ly hôn thì anh không nỡ, nhưng nếu tiếp tục sống chung thì sẽ không chịu nỗi cảnh này. Từng có một mối quan hệ "ngoài luồng" và bị vợ phát hiện, anh K sau đó đã tìm mọi cách hàn gắn cuộc hôn nhân của mình. Anh K cho biết, dù vợ nói tha thứ và bỏ qua lỗi lầm, nhưng hằng ngày, vợ anh luôn nói "bóng gió" nhắc lại chuyện cũ.
"Ngay cả khi xem phim, có cảnh diễn viên ngoại tình, vợ tôi cũng lập tức liên tưởng và lôi chuyện cũ ra nói. Khi tôi đi làm và có việc đột xuất phải về trễ, vợ tôi cũng căn vặn đủ điều. Thậm chí, cô ấy còn gieo vào đầu các con tôi là người cha không tốt, không yêu thương vợ con nên mới có người phụ nữ khác. Có lúc, tôi đi công tác, điện thoại nói chuyện với con, nhưng cô ấy bực dọc không cho phép. Rồi điện thoại của tôi, cô ấy luôn tự ý kiểm tra tin nhắn, nhật ký cuộc gọi. Tôi đau khổ khi sai lầm của mình đã là chuyện quá khứ, nhưng với vợ tôi, chuyện đó như vẫn đang xảy ra", anh K thở dài.
Theo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, có hơn 3.100 hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình, với hơn 3.200 vụ. Trong đó, có 565 nạn nhân là nam giới. So với năm 2022, tỷ lệ nạn nhân là nam giới gia tăng. Trong đó, có 1.520 vụ bạo lực thân thể, 1.400 vụ bạo lực tinh thần, 230 vụ bạo lực kinh tế và 110 vụ bạo lực tình dục. Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, bạo lực gia đình không chỉ giới hạn ở việc tấn công thân thể mà còn ở hành động lăng mạ, chì chiết, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối phương. Thậm chí, việc ngăn cản thành viên trong gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh; kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới tính, năng lực của thành viên trong gia đình cũng bị xếp vào hành vi bạo lực gia đình.
Điều đáng nói, nhiều phụ nữ có thói quen thích kiểm soát, quản lý toàn bộ thu nhập của chồng, khiến người chồng phải lệ thuộc hoàn toàn vào vợ về mặt vật chất, nhưng các chị em lại không hề hay biết đó cũng là một biểu hiện của bạo lực gia đình, mà cụ thể là bạo lực kinh tế. Hành vi này đã được quy định cụ thể tại Điều 3, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
Nhiều người than phiền rằng, việc bị vợ kiểm soát quá chặt chẽ về chi tiêu, khiến họ cảm thấy ngột ngạt. "Bạn bè rủ đi ăn uống, chơi thể thao... nhưng tôi từ chối không tham gia. Lâu dần, họ không còn rủ tôi nữa. Tôi đâu thể nói là vì vợ kiểm soát toàn bộ tiền bạc, nên tôi không có tiền để tham gia. Tôi tâm sự với vợ, thì vợ cho rằng việc làm của cô ấy là đúng, vì giúp tôi không tụ tập bạn bè để khỏi nhậu nhẹt, rượu chè, ảnh hưởng sức khỏe. Cảm thấy buồn chán, tôi lấy việc câu cá làm thú vui cho mình, thì vợ tôi cũng ngăn cản vì sợ tôi đi câu một mình ở sông, hồ sẽ không an toàn. Tôi cảm thấy bị vợ kiểm soát mọi thứ và ngột ngạt, khó thở trong chính cuộc hôn nhân của mình", ông T.D (55 tuổi) ngao ngán.
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nếu phụ nữ thường bị bạo hành cả tinh thần và thể chất, thì nam giới bị bạo hành tinh thần nhiều hơn.
"Đàn ông thường có cái tôi lớn, nên khi bị bạo hành gia đình, họ khó lòng chấp nhận được. Và cũng vì cái tôi đó, nên họ ít khi giải tỏa tâm trạng bằng cách tâm sự cùng bạn bè, người thân như phụ nữ. Họ chọn cách giấu giếm, im lặng và tự mình tìm cách vượt qua. Điều này khiến họ dễ rơi vào u uất, trầm cảm. Vì vậy, người vợ cần thấu hiểu, lắng nghe, tôn trọng chồng mình. Không nên bạo hành chồng bằng những câu nói khó nghe, vì điều này sẽ tạo nên những tổn thương tâm lý dai dẳng, thậm chí có thể khiến đàn ông rơi vào trầm cảm. Cùng với đó, khi người vợ thường xuyên bạo hành tinh thần chồng, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý bình thường của các con", Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc nhấn mạnh.