Nam giới có vấn đề này ở 'cậu nhỏ', 90% nguy cơ ung thư
Hẹp bao quy đầu là tình trạng da bao quy đầu không thể tuột khỏi quy đầu của dương vật khiến việc vệ sinh dương vật khó khăn, dễ dẫn đến các viêm nhiễm ảnh hưởng da bao quay đầu (tạo sẹo).
Biến chứng bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu còn gây ra tình trạng nghẹt da quy đầu, thường xảy ra sau khi kéo ngược da bao quy đầu ra sau nhưng không kéo trở lại được. Cần lưu ý khi tuột da bao quy đầu ở trẻ em vì da bao quy đầu phải được tuột ra một cách từ từ.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, chứng hẹp da bao quy đầu thường không phải là vấn đề trầm trọng. Tuy nhiên, nếu không tuột được da bao quy đầu trong một thời gian dài sẽ dễ gây ra viêm nhiễm, ảnh hưởng cả dương vật và cho sức khỏe chung của người bệnh (ví dụ nghẹt da bao quy đầu có thể cản trở sự tuần hoàn máu đến đầu dương vật).
Hẹp bao quy đầu có thể là bẩm sinh. Do đó, các bác sĩ khuyên: khi tắm, bố mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho con. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại thì nên đi khám để được xử trí. Việc xử trí hẹp da bao quy đầu dương vật ở trẻ thường đơn giản.
PGS Quang cho biết khi không được vệ sinh sạch sẽ, ở nếp da quy đầu sẽ có sự tích tụ các “cặn” trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng, lâu dần thành viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này và dẫn tới ung thư dương vật.
Theo số liệu thống kê tại Việt Nam cho thấy, ung thư dương vật khá phổ biến, có nhiều nguyên nhân gây ung thư dương vật, trong đó, phần lớn là do chít hẹp bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu không trực tiếp gây ung thư nhưng tạo điều kiện viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Tổn thương viêm kéo dài nhiều năm làm biến dị tế bào niêm mạc, biến hóa dần thành ung thư.
Trên thực tế, 90% bệnh nhân ung thư dương vật có tật hẹp bao quy đầu, với viêm quy đầu thường xuyên, đời sống nghèo, vệ sinh cá nhân kém. Số còn lại là do bệnh sùi mào gà đường sinh dục, có nguyên nhân từ bệnh lây qua đường tình dục…
Trong số các bệnh nhân ung thư dương vật, 80% bệnh nhân phải cắt bỏ toàn bộ dương vật, thậm chí nạo vét hạch do người bệnh đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Lý do đến muộn vì khi dương vật, bao quy đầu có dấu hiệu viêm loét, người bệnh chỉ nghĩ đơn giản là bệnh hoa liễu thông thường nên chủ quan không đi khám sớm. Nhiều bệnh nhân đi khám da liễu nhằm mục đích điều trị hoa liễu thông thường, PGS. TS Nguyễn Quang cho biết thêm.
Xử lý như thế nào?
Theo PGS Quang khi bị hẹp bao quy đầu tốt nhất cần xử trí hẹp bao quy đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ, từ 1-2 tuổi. Ở giai đoạn này, việc xử trí thường đơn giản, có thể chỉ cần bôi thuốc và tập lộn da bao quy đầu. Nếu bệnh nhân để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, chưa kể những trường hợp đã có biến chứng xơ chai hoặc ung thư do quá lâu ngày.
Các bác sĩ niệu khoa tại Cleveland Clinic, Ohio, Hoa Kỳ (2008) đã dùng các phác đồ 21- ngày (ba lần/ngày) và 30- ngày (hai lần/ngày) kết hợp với kéo da bao quy đầu bằng tay cho các trường hợp hẹp da bao quy đầu không thể kéo vào được, không thể đánh giá miệng sáo. Kết quả cho thấy:
Các trẻ trai bị hẹp bao quy đầu đáp ứng tốt với betamethasone bôi ngoài da, các tác dụng phụ hiếm và nhẹ. Bao quy đầu có thể dễ dàng kéo vào sau 21 ngày điều trị trong đại đa số trường hợp.
Các phác đồ đều có hiệu quả như nhau và có thể hướng dẫn cho bố mẹ trẻ phối hợp điều trị hẹp bao quy đầu không cần phẫu thuật.
Các dị tật niệu đạo kèm theo dễ dàng phát hiện được khi lộn da bao quy đầu dương vật.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng can thiệp ngoại khoa. Việc xử lý bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt (khi trẻ 1-2 tuổi) và muộn nhất là trước tuổi dậy thì. Nếu để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, dễ có biến chứng xơ chai, dương vật viêm mạn tính lâu ngày dễ biến chứng thành tiền ung thư hoặc ung thư.
Tất cả các trường hợp hẹp bao quy đầu hoàn toàn đều cần phẫu thuật để cắt da bao quy đầu. Nếu chưa cắt mà bị viêm, bệnh nhân cần phải điều trị bằng kháng sinh.
Các trường hợp hẹp da bao quy đầu dạng nhẹ hoặc da bao quy đầu dài nên tiến hành tập lộn, giữ vệ sinh, có thể phối hợp với dùng thuốc. Chỉ tiến hành điều trị ngoại khoa khi bệnh nhân thấy khó chịu, không giữ được vệ sinh hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Khi trưởng thành, hẹp da bao quy đầu làm bệnh nhân đau khi dương vật cương cứng hoặc dương vật không cương được. Do đó bệnh nhân nên điều trị hẹp da bao quy đầu trước khi tiếp tục quan hệ tình dục tránh các biến chứng và gây cảm giác đau khi quan hệ, đặc biệt là có thể làm cho người bạn tình dễ mắc ung thư tử cung hơn.
Cắt da quy đầu là một phẫu thuật đơn giản, chỉ cần gây tê tại chỗ đối với người lớn (với trẻ em thì phải gây mê). Sau mổ 3-4 ngày vết thương sẽ lành nhưng phải kiêng giao hợp trong 10-15 ngày mới đảm bảo không bung vết mổ. Tai biến hay gặp nhất của cắt da quy đầu là nhiễm trùng vết mổ, gây sẹo xấu.