Nam giới không còn thống trị sumo
Trên khắp Nhật Bản, các cô gái trong độ tuổi từ 8-12 đang từng bước thay đổi tương lai của môn thể thao vốn do nam giới thống trị.
Với ánh mắt đầy quyết tâm, Senna Kajiwara lao thẳng về phía đối thủ. Hai cô bé chưa đầy 12 tuổi vật lộn hàng chục giây trước khi Kajiwara hất tung đối thủ khỏi võ đài, theo CNN.
Tại giải đấu sumo này, không có người đàn ông đóng khố nào tranh giải vô địch. Thay vào đó, các cô bé trong độ tuổi từ 8-12 đang đối đầu nhau và từng bước thay đổi tương lai của môn thể thao vốn do nam giới thống trị ở Nhật Bản.
“Một số người ngạc nhiên và thậm chí sốc khi biết tôi thi đấu sumo. Họ có xu hưởng nghĩ rằng môn thể thao này chỉ dành cho các cậu bé và đàn ông”, Kajiwara nói với CNN.
“Tôi nghĩ rằng nếu có nhiều bé gái và phụ nữ tham gia sumo, chúng ta có thể tạo ra một sân chơi công bằng cho cả hai giới, đồng thời kiếm sống từ những trận đấu. Tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra”, cô chia sẻ thêm.
Kajiwara (12 tuổi) bắt đầu tập sumo và môn võ judo cách đây 4 năm. Với tư cách là nhà đương kim vô địch của giải đấu quốc gia đầu tiên dành cho trẻ em gái năm 2019, cô quyết tâm giữ danh hiệu của mình và tiến xa nhất có thể trong môn thể thao này.
“Một số người không hiểu tại sao tôi lại thi đấu sumo, nhưng tôi không bận tâm về những gì họ nghĩ. Nếu bạn muốn tập sumo, bạn cứ làm thôi”, cô nói.
Thế nhưng, đối với phụ nữ, điều đó nói dễ hơn làm.
Môn sumo chuyên nghiệp vẫn loại trừ phụ nữ khỏi các cuộc thi đấu và nghi lễ truyền thống. Một số vụ bê bối gần đây cũng làm hoen ố danh tiếng của môn thể thao này.
Năm 2018, các nữ nhân viên y tế bị yêu cầu rời khỏi võ đài sumo, dù họ đang cố gắng giúp đỡ ngài thị trưởng bất tỉnh trong trận thi đấu ở Kyoto. Hành động này của ban tổ chức đã tạo ra làn sóng phẫn nộ.
Nhiều người cho rằng đã sự việc phản ánh thói gia trưởng đối với phụ nữ ở Nhật Bản - quốc gia xếp hạng thứ 120/156 trong danh sách Chỉ số Khoảng cách Giới tính mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Dù còn nhiều thách thức, các chuyên gia cho rằng sự thay đổi thái độ ở Nhật Bản đang mở ra một tương lai mới cho trẻ em gái và phụ nữ trong môn sumo.
Lịch sử lâu đời
Ozumo, hay sumo chuyên nghiệp, là môn tập tục cổ xưa có niên đại hơn 1.500 năm và dành riêng cho nam giới. Theo truyền thống, trận đấu được thực hiện tại các đền thờ để cầu mùa màng bội thu.
Hai đô vật sẽ đối đầu nhau trong dohyo - sàn thi đấu bằng đất sét. Phụ nữ không được tiến vào võ đài này. Theo tín ngưỡng Thần đạo, họ bị coi là không trong sạch do có kinh nguyệt.
Những nghi thức có phần cứng nhắc này hầu như không thay đổi trong nhiều thế kỷ.
Theo Eiko Kaneda, giáo sư tại Đại học Khoa học Thể thao Nippon ở Tokyo, sumo của phụ nữ đã xuất hiện từ những ngày đầu của môn thể thao này, bất chấp những rào cản.
Bà cho biết sumo truyền thống của phụ nữ không chỉ là hình thức giải trí, mà còn nêu bật niềm tin vào phẩm chất siêu phàm của nữ đô vật.
Có những ghi chép lịch sử cho thấy các nữ võ sĩ tham gia nhiều hoạt động, từ cầu mưa cho tỉnh Akita đến tổ chức sự kiện tốt lành như đám cưới ở tỉnh Kyushu.
Sự thay đổi
Trong một phòng tập thể dục địa phương ở ngoại ô Tokyo, các cô cậu bé từ 8-12 tuổi chạm đầu, xô đẩy và vật ngã nhau. Miki Ouike, huấn luyện viên đấu vật sumo, tự hào về việc có rất nhiều nữ sinh trong lớp của mình.
Nikori Hara (12 tuổi) là ngôi sao của câu lạc bộ này. Cô giành chiến thắng trong cuộc thi sumo tại địa phương và đang chuẩn bị tranh tài tại giải Wanpaku toàn quốc dành cho nữ giới lần thứ 2.
Giải đấu này mở cửa cho các bé gái lần đầu tiên vào năm 2019, sau hơn 3 thập kỷ chỉ tổ chức cho các bé trai cùng lứa tuổi.
Huấn luyện viên Ouike cho biết sự tồn tại của các cuộc thi đấu sumo cho nữ giới vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.
“Thật đáng tiếc khi nhiều cô gái không biết rằng họ có cơ hội thử môn đấu vật sumo”, anh nói với CNN.
Đối với những cô gái muốn thử sức với môn thể thao này, họ thường bắt đầu bằng cách tham gia các câu lạc bộ sumo cho cả nam và nữ ở trường học hoặc địa phương.
Hiyori Kon, thành viên của đội tuyển quốc gia Nhật Bản, cho biết nếu các cô gái vẫn muốn theo đuổi sumo, họ sẽ nhập học tại một trong số ít trường đại học ở xứ hoa anh đào chào đón nữ giới tại các câu lạc bộ sumo.
Từ nhỏ, Kon tập luyện tại các câu lạc bộ địa phương ở tỉnh Aichi, sau đó gia nhập câu lạc bộ của ĐH Ritsumeikan (tỉnh Kyoto). Hiện, cô làm việc tại một công ty ở tỉnh Aichi và thi đấu quốc tế với tư cách là nữ đô vật nghiệp dư.
Cô mong nhiều phụ nữ có thể duy trì đam mê với sumo. Mặt khác, cô nhận thấy rằng đôi khi, các huấn luyện viên nam không phải lúc nào cũng biết cách đáp ứng các nữ võ sĩ có nguyện vọng.
Tại giải đấu dành cho nữ sinh tiểu học Wanpaku năm nay, Kon tham dự với tư cách là MC bình luận về kỹ thuật của các đô vật. Võ sĩ nhí tham gia sẽ mặc mawashi (chiếc khố) bên ngoài quần đùi co giãn và áo phông.
“Xã hội Nhật Bản ngày càng ủng hộ sumo của nữ giới. Đây là năm thứ 2 chúng tôi tổ chức ‘Wanpaku Sumo cho Phụ nữ’. Tôi tự hào rằng chúng tôi đã đi từ con số 0, đến 1 và bây giờ là 2 giải đấu”, Kon nói với CNN.
Trước đó, những cô gái giành chiến thắng trong các trận đấu vòng loại khu vực không thể tham gia vòng chung kết quốc gia, vì sự kiện đó được tổ chức tại Ryogoku Kokugikan (Tokyo).
Địa điểm này được biết đến là ngôi nhà tinh thần của môn sumo, là nơi tổ chức các giải đấu sumo chuyên nghiệp các mùa xuân, hè và thu. Tại đây, phụ nữ không được bước vào dohyo.
Tương lai của sumo nữ
Sumo có thể là một ngành nghề hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện chỉ có các võ sĩ chuyên nghiệp ở 2 trên 6 cấp bậc hàng đầu của sumo được trả lương. Yokozuna, đô vật cấp bậc cao nhất, có thể nhận được mức lương cơ bản khoảng 25.000 USD/tháng cùng với tiền thưởng.
John Gunning, cựu đô vật sumo nghiệp dư, cho cơ hội kinh tế vẫn chưa dành cho nữ võ sĩ.
Tương tự, Kon cho biết ước mơ của cô không phải chứng kiến phụ nữ đứng vào hàng ngũ đô vật chuyên nghiệp Ozumo. Thay vào đó, cô muốn họ có quyền kiếm sống từ môn sumo như nam giới.
“Sumo nữ chỉ được coi là môn thể thao thứ yếu, và đội tuyển quốc gia Nhật Bản không thể thành lập khu huấn luyện riêng do thiếu kinh phí. Bởi vậy, vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là làm thế nào để chúng ta có thể thành lập một liên đoàn, và biến sumo từ nghiệp dư thành chuyên nghiệp”, cô nói.
Năm 2018, Ủy ban Olympic Quốc tế đã công nhận sumo là môn thể thao, nhưng nó vẫn chưa xuất hiện trong kỳ Thế vận hội vừa qua. Tuy nhiên, những nữ đô vật nghiệp dư như Kon vẫn hy vọng rằng thế hệ tiếp theo sẽ có sân đấu lớn để cạnh tranh.
Sau gần 2 năm đóng băng vì đại dịch, kỳ Wanpaku lần này có vẻ căng thẳng hơn. Song, Kajiwara, nhà đương kim vô địch, nói rằng cô không hề sợ hãi. Sau vài khó khăn, cô vẫn giành được chiếc cúp vô địch năm 2021 dành cho lứa 12 tuổi.
Năm tới, Kajiwara đã quá tuổi để thi đấu tại Wanpaku. Tuy nhiên, cô đã đặt mục tiêu theo học tại một trường THCS ở ngoài tỉnh Hyogo, quê nhà của cô, để có cơ hội tiếp tục tập luyện môn thể thao cổ xưa.
“Sumo dạy tôi không bao giờ bỏ cuộc và trở nên kiên cường hơn”, Kajiwara chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-gioi-khong-con-thong-tri-sumo-post1288322.html