Năm học 2020-2021: BHYT học sinh - sinh viên có gì mới?
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến nay đã có hàng chục triệu lượt học sinh - sinh viên được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế...
BHXH Việt Nam cho biết thời gian qua, tỉ lệ bao phủ BHYT học sinh - sinh viên (HS-SV) có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Nếu như năm học 2016-2017 có hơn 16 triệu em tham gia (chiếm hơn 93%) thì đến năm học 2019-2020, có hơn 17 triệu em (chiếm 95,3%) HS-SV tham gia BHYT.
Hơn 95% HS-SV tham gia BHYT
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc phát triển BHYT HS-SV những năm qua có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HS-SV là cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh… được nâng cao.
Thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu tỉnh ủy, UBND tỉnh và tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác BHYT HS-SV đem lại kết quả tích cực.
Đối với HS-SV, công tác giáo dục tại nhà trường cũng nâng cao tầm hiểu biết của các em. Học sinh ngay từ bậc học phổ thông đã có ý thức thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng.
Quỹ BHYT cũng góp phần giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HS-SV trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục triệu lượt HS-SV được quỹ BHYT chi trả kinh phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán hàng tỉ đồng.
"Qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỉ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS-SV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn, hoặc ốm đau..." - ông Liệu khẳng định. Theo Nghị định 105/2014 của Chính phủ, HS-SV khi tham gia BHYT sẽ được nhà nước hỗ trợ 30% chi phí mua BHYT...
Mức đóng BHYT vẫn giữ nguyên
Tháng 6-2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã đồng ý chưa thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020.
Cụ thể, mức lương cơ sở vẫn áp dụng theo quy định hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9-5-2019 của Chính phủ. Như vậy, mức đóng BHYT HS-SV cho năm học 2020-2021, tính trên mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng, cũng không tăng.
Để triển khai tốt chính sách BHYT HS-SV, các địa phương cần tập trung tuyên truyền ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và BHYT HS-SV nói riêng. Trong đó, chú trọng lợi ích của HS-SV khi tham gia BHYT.
Cũng cần nhấn mạnh thực hiện BHYT là tuân thủ pháp luật, là trách nhiệm công dân của mỗi HS-SV. Giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trong thời điểm hiện nay, cần chú trọng truyền thông việc quỹ BHYT thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 đối với người có thẻ BHYT, trong đó cũng gồm có đối tượng HS-SV.
BHXH Việt Nam lưu ý căn cứ diễn biến tình hình thực tiễn về dịch Covid-19 tại địa phương, BHXH các tỉnh lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và địa phương.
Năm học mới 2020-2021 đang tới gần, mục tiêu cần hướng tới là 100% HS-SV tham gia BHYT trên phạm vi cả nước, để các em được thụ hưởng đầy đủ quyền được chăm sóc sức khỏe. Sự thành công của chính sách này cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, nhất là ngành giáo dục và đào tạo.