Năm học 2023-2024, TPHCM đẩy mạnh chuẩn tin học quốc tế

Sáng 20-7, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị chuẩn tin học quốc tế ICDL trong công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo TPHCM.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cùng hiệu trưởng các trường THCS, THPT triển khai chương trình tin học quốc tế và mô hình tiên tiến, hội nhập trên địa bàn TPHCM.

Phấn đấu mục tiêu số hóa vào năm 2030

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, TPHCM đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với trọng tâm là phát triển công nghệ thông tin và truyền thông số.

Bên cạnh đó, các đề án đã được trung ương và UBND TPHCM giao phó cũng hướng đến mục tiêu phát triển thành phố thành trung tâm giáo dục lớn của khu vực và cả nước, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế, phù hợp định hướng chuyển đổi số toàn cầu.

Do đó, vai trò của ngành giáo dục hết sức quan trọng. Làm sao để giáo viên nhận thức đầy đủ yêu cầu, tạo không gian và điều kiện cho học sinh tiếp cận sớm và kịp thời các chuẩn kỹ năng quốc tế.

Một tiết học ứng dụng công nghệ số tại trường học ở TPHCM.

Một tiết học ứng dụng công nghệ số tại trường học ở TPHCM.

Để thực hiện các mục tiêu đó, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tập trung vào các nhiệm vụ nâng cao kỹ năng số, năng lực số của nguồn nhân lực.

“Tại TPHCM, ngành giáo dục và đào tạo cần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số một cách nhất quán với lộ trình học tập rõ ràng trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông, hướng đến mục tiêu đến năm 2030 TPHCM sẽ đưa tất cả các thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số”, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Trong đó, việc dạy và học tin học trong trường phổ thông theo chuẩn quốc tế, trong đó có chuẩn ICDL từ lớp 1 đến lớp 12 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Việc sử dụng bộ tiêu chí năng lực số quốc tế giúp chuẩn hóa năng lực công nghệ thông tin của người học, mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, từ đó giúp lực lượng lao động tương lai có đủ tự tin cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo TPHCM khẳng định, công tác đào tạo giáo viên cần được nâng cao nhằm có đội ngũ giảng dạy tin học nắm vững nền tảng công nghệ số, hướng dẫn học sinh hiệu quả để thầy và trò cùng trở thành nhân tố thiết yếu cho công cuộc chuyển đổi số.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh chia sẻ, khái niệm năng lực số xuất hiện cách đây hơn 20 năm và thường được sử dụng cùng lúc với các khái niệm kỹ năng số, năng lực thông tin, năng lực truyền thông hay năng lực học thuật.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh phát biểu tại hội nghị

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, hiện nay một khối lượng thông tin khổng lồ đang tồn tại dưới dạng số và người học cần có khả năng phân tích, tư duy phản biện để đánh giá và nắm bắt cách thức sử dụng phục vụ việc học tập và nhu cầu công việc trong tương lai.

Hiện nay, các nước trên thế giới đang sử dụng một số khung năng lực số như khung năng lực số của Hội đồng Châu Âu (DigComp), khung năng lực số UNESCO (Global Digital Literacy Framework)…

“Việc trang bị kỹ năng số giúp học sinh mở rộng cơ hội học tập, tiếp cận các nguồn học liệu, tăng cường khả năng sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.

Hơn 100 trường triển khai chuẩn tin học quốc tế

Trao đổi tại hội nghị, bà Nguyễn Phương Lan, Phó chủ tịch HĐQT, Giám đốc EMG Education - một trong các đơn vị triển khai chuẩn tin học quốc tế cho biết, sau gần 2 năm thực hiện, chuẩn tin học quốc tế ICDL đã được triển khai tại 75 trường tiểu học, THCS và THPT. Dự kiến trong năm học 2023-2024 sẽ có thêm 34 trường triển khai. Kết quả sau năm đầu tiên tổ chức, nhiều trường đã mạnh dạn đăng ký cho học sinh tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ ICDL với kết quả rất khả quan.

“Chuẩn tin học quốc tế không tách rời hay có sự chồng chéo với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà thông qua đó, học sinh có cơ hội tiệm cận với chuẩn quốc tế, rút ngắn khoảng cách giữa kỹ năng công nghệ thông tin với yêu cầu học tập hàng ngày”, bà Phương Lan bày tỏ.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Minh chứng điều này, thầy Nguyễn Vi Tường Thụy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10) chia sẻ, trong kỳ thi lấy chứng chỉ tin học vừa qua, toàn trường có 844/851 học sinh được nhận chứng chỉ. Đây là kết quả rất khả quan, cho thấy sự sẵn sàng và khả năng đáp ứng chuẩn quốc tế của học sinh Việt Nam.

Hiệu trưởng này cho rằng, 3 yếu tố quan trọng khi triển khai chuẩn tin học quốc tế là con người, cơ sở vật chất và sự đồng thuận của phụ huynh. Tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, trong giai đoạn đầu tiên triển khai, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ đáp ứng yêu cầu dạy học tin học 3 tiết/tuần cho tất cả 40 lớp ở các khối 6, 7, 8 - ba khối lớp triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đơn vị đã linh động sử dụng giải pháp xã hội hóa, vận động mạnh thường quân tham gia đầu tư với cam kết học sinh được sử dụng máy móc xuyên suốt từ lớp 6 đến lớp 9. Nhờ nỗ lực đó, việc triển khai thuận lợi, có sự đồng thuận cao của phụ huynh.

Ông Damien O’Sullivan - Tổng Giám đốc toàn cầu tổ chức ICDL Foundation cho biết, ICDL là chuẩn tin học không chỉ sử dụng rộng rãi ở các quốc gia Châu Âu mà còn là đối tác tin cậy của chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới là kết hợp hài hòa, xuyên suốt giữa các chương trình học thuật và chứng chỉ quốc tế. Trong đó, 5 kỹ năng số được đặc biệt chú trọng gồm công nghệ hợp tác, kỹ năng hành chính trên môi trường số, kỹ năng số hóa và an ninh mạng, giao thương trên mạng trực tuyến, kỹ năng công nghệ dự án.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nam-hoc-2023-2024-tphcm-day-manh-chuan-tin-hoc-quoc-te-post698214.html