Năm học 'đặc biệt'

Năm học 2021-2022 được đánh giá là năm học 'đặc biệt' bởi cùng lúc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải thực hiện nhiều mục tiêu: Nâng cao chất lượng GD&ĐT; tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giáo viên, học sinh...

Cô và trò Trường tiểu học thị trấn Cẩm Khê thực hiện sát khuẩn tay trước khi vào lớp học.

(baophutho.vn) - Năm học 2021-2022 được đánh giá là năm học “đặc biệt” bởi cùng lúc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phải thực hiện nhiều mục tiêu: Nâng cao chất lượng GD&ĐT; tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giáo viên, học sinh; triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trong bối cảnh còn diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Vượt qua khó khăn ban đầu, toàn ngành GD& ĐT đang dần ổn định hoạt động, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Hơn hai năm qua, dịch COVID-19 đã tác động tới ngành Giáo dục và tiếp tục gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho năm học 2021-2022, vì vậy, chuyển đổi và thích ứng trở thành phương châm để toàn ngành thực hiện mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.Ngay đầu năm học mới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường sớm xây dựng kế hoạch, phương án linh hoạt ứng phó với dịch theo phương châm: Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ, tăng cường xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy, học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh sẽ chuyển ngay sang học trực tuyến đảm bảo các kiến thức cơ bản, cốt lõi. Thầy giáo Nguyễn Thái Định - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thu Cúc 2, huyện Tân Sơn cho biết: Ngay khi bước vào năm học mới, trường đã tranh thủ “thời gian vàng” dạy trực tiếp các chương trình chính khóa. Trường phân bổ hợp lý về nội dung, thời lượng giữa các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và các hoạt động khác để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình theo hướng mở đúng chỉ đạo của ngành với yêu cầu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Cô giáo Đỗ Thị Hồng Hạnh- Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, thành phố Việt Trì thông tin: Để đảm bảo chương trình dạy học trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường chủ động các phương án đảm bảo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Nhà trường phối hợp với Trạm y tế phường Dữu Lâu tổ chức test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 xác suất cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh theo hướng dẫn của Phòng Y tế thành phố. Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện “mục tiêu kép” nhằm bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh theo phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học” theo bốn cấp độ của dịch bệnh. Hiện tại, 100% trường học đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Học sinh Trường THCS Giấy Phong Châu thi đua học tốt gắn với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ động đổi mới dạy và học
Ngay khi bước vào năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” để phù hợp tình hình dịch bệnh... Tại các cơ sở giáo dục, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học của các môn học và các chủ đề dạy học thích hợp, liên môn… nhằm mang lại hiệu quả trong quản lý, giáo dục học sinh, đồng thời tạo sự chuyển biến về đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bước đầu các trường học đã bắt nhịp được với những thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới. Đến thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn trong những ngày cuối năm đầy bận rộn, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua học tập của học sinh nơi đây. Hiệu trưởng Đinh Thị Bích Thủy phấn khởi chia sẻ: Năm học 2020-2021, Trường đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 62% học sinh đạt học lực khá, giỏi; 100% học sinh tốt nghiệp THCS, trường có 24 giải học sinh năng khiếu cấp huyện... Năm học 2021-2022, nhà trường tập trung đổi mới công tác dạy và học, tiếp tục nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh.Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, khép lại năm học 2020-2021, ngành GD&ĐTđã hoàn thành tốt kế hoạch giáo dục đề ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 THPT năm 2021, toàn tỉnh có 52 em đoạt giải học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành. Năm 2021 có một học sinh đạt Huy chương Bạc và một học sinh đạt Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế và một học sinh đã đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý Châu Âu. Tham gia Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng thế giới năm 2020 có học sinh đạt giải Nhất vòng chung kết Quốc gia, giữ vị trí thứ bẩy thế giới tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới 2021.

Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202201/nam-hoc-%E2%80%9Cdac-biet%E2%80%9D-181941