Năm học mới, có bắt buộc mua bộ đồ dùng học tập kèm theo danh mục SGK?
Mua sắm SGK, đồ dùng học tập là nhu cầu lớn của phụ huynh, học sinh trước thềm năm học mới. Bên cạnh việc thiếu sách, giá thành SGK mới, đặc biệt là bộ đồ dùng học tập kèm theo cũng khiến nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng rối loạn.
Giá bộ đồ dùng học tập gần bằng giá bộ SGK
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 do Bộ GDĐT ban hành mới đây, thời gian tựu trường sớm nhất của học sinh trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Các trường tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.
Như vậy, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, cũng như 2 năm học trước, thời điểm này, tình trạng thiếu SGK vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là với học sinh lớp 10.
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên chương trình GDPT mới được áp dụng ở cả 3 cấp học với các lớp 3, 7 và 10. Trong đó, cấp THPT lần đầu áp dụng ở lớp 10 với 3 bộ SGK đã được phê duyệt gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số nhà sách trên địa bàn TP Hà Nội, trong khu vực SGK lớp 10, nhiều đầu sách bị thiếu, thậm chí là hoàn toàn vắng bóng.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc tới thời điểm này, học sinh lớp 10 vẫn chưa có SGK là do năm học này chương trình GDPT mới bắt đầu được triển khai ở bậc THPT với lớp 10 và có một số điều chỉnh môn học tự chọn vào phút chót. Dựa vào phiếu đăng ký lựa chọn môn học của học sinh, các trường mới thống kê, chia lớp theo các nhóm tổ hợp môn sau đó học sinh mới đăng ký mua SGK và gửi số lượng tới đơn vị cung ứng.
Theo thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam, đối với sách giáo khoa phục vụ học sinh theo chương trình hiện hành, đơn vị đã hoàn thành việc in, nhập kho 55 triệu bản, bảo đảm cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên, không để xảy ra tình trạng thiếu sách.
Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng cho biết, do đặc thù của sách giáo khoa lớp 10 năm nay nên các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ có thể sẽ hạn chế nhập hoặc không nhập đủ các tên sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng, nên có thể xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số tên sách cụ thể.
Bên cạnh tình trạng thiếu SGK, nhiều phụ huynh phản ánh có một số trường yêu cầu mua bộ đồ dùng học tập đính kèm theo danh mục SGK. Đáng nói, giá thành của các bộ đồ dùng học tập này không nhỏ.
Trong danh mục SGK, thiết bị học tập tối thiểu lớp 3 gửi phụ huynh của Trường Tiểu học Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có giá 717.000 đồng, trong đó bộ đồ dùng học tập, đồ dùng học sinh có giá 191.000 đồng.
Đăng ký mua SGK tại trường cho con, chị Nguyễn Thị Huyền Thanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khá bất ngờ khi trong danh mục SGK có kèm bộ đồ dùng học tập tối thiểu có giá gần 200.000 đồng. Trong khi đó, giá bộ SGK là 208.000 đồng, chưa có sách Tiếng Anh và các loại sách bài tập.
Không riêng trường con của chị Thanh, nhiều phụ huynh khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra, tình trạng bán kèm các loại sách khác ngoài SGK vẫn tồn tại ở một số cơ sở giáo dục. Không ít người bày tỏ băn khoăn: Liệu những bộ đồ dùng học tập này có bắt buộc phải mua?
Chấn chỉnh tình trạng bán kèm đồ dùng học tập
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thị trường hiện nay, các bộ đồ dùng học tập có giá khác nhau. Có thể nhắc đến như: Bộ đồ dùng học tập cho học sinh lớp 1 có giá giao động từ 145.000 đồng đến 240.000 đồng tùy theo các đơn vị cung ứng. Hay như bộ thực hành môn Toán lớp 2 có giá từ 150.000 đồng đến 237.000 đồng; lớp 3 là 140.000 đồng đến 194.000 đồng.
Trước ma trận đồ dùng học tập, không ít phụ huynh bày tỏ băn khoăn: Liệu những bộ đồ dùng học tập này có bắt buộc phải mua?
Đề cập tới vấn đề này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất, Bộ GDĐT cho biết, đồ dùng học tập là vật dụng hỗ trợ học sinh thuận tiện hơn trong quá trình học tập, giúp cho việc ghi chép, tiếp thu kiến thức trở nên hiệu quả hơn. Đồ dùng này do phụ huynh mua theo khả năng kinh tế của gia đình và nhu cầu học tập của học sinh. Đây là những vật dụng không có quy định bán kèm SGK.
Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, Bộ GDĐT nghiêm cấm việc các trường bán kèm các nội dung dạy học trên với SGK và đề nghị các địa phương nắm thông tin này để có những chấn chỉnh với các nhà trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Cơ sở vật chất cũng cho biết, Cục sẽ có những nghiên cứu, đề xuất việc giảm giá, sao cho vẫn tuân theo quy luật của thị trường, nhưng nhà sản xuất cũng thể hiện trách nhiệm xã hội, chung tay vì sự phát triển giáo dục nước nhà.