Năm học mới nơi cực Bắc Tổ quốc - Hà Giang
Ngày 5/9, hơn 245.000 học sinh của Hà Giang, tỉnh cực Bắc của Việt Nam thuộc khu vực miền núi Đông Bắc, tưng bừng bước vào năm học mới.
Điểm cực Bắc của Hà Giang cũng là điểm cực Bắc của Việt Nam nằm tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Cột cờ Lũng Cú - đỉnh cao nơi địa đầu Tổ quốc, từ lâu trở thành cột mốc thiêng liêng của mỗi người Việt chúng ta.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Mầm non và Tiểu học Lũng Táo (xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn) ngay từ sáng sớm, với tiết trời se lạnh của vùng cao núi đá, các em học sinh vùng cao Hà Giang với những bộ trang phục nhiều sắc màu cùng nắm tay nhau đến dự lễ khai giảng.
Nhiều em nhỏ ngày đầu tiên đến trường, được "mẹ dắt tay từng bước" trong cảnh sắc nên thơ "hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì" như trong bài hát Đi Học (nhạc của tác giả Bùi Đình Thảo, lời của nhà thơ Hoàng Minh Chính).
Chương trình lễ khai giảng được tổ chức ngắn ngọn nhưng thật đáng nhớ với các thầy cô giáo và hơn 800 em học sinh ở cả 2 cấp tiểu học và trung học cơ sở, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Giang và huyện Đồng Văn, phụ huynh học sinh cùng tham dự.
Trong năm học 2020-2021, huyện Đồng Văn có 25 nghìn học sinh ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông.
Huyện Đồng Văn có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 52 km, cách thành phố Hà Giang 150 km về phía Bắc, có diện tích 480,3 km² và dân số gần 80 nghìn người.
Huyện Đồng Văn hiện nay có 17 dân tộc anh em sinh sống, gồm: Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giáy, La Chí, Hoa, Pà Thẻn, Cơ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo, Mường, Sán Chay, Thái. Trong đó dân tộc Mông chiếm phần lớn.
Còn tại huyện Hoàng Su Phì, trong năm học 2020 – 2021 có 65 trường học, trong đó 25 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở, 12 trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở; 2 trường trung học phổ thông và trường giáo dục thường xuyên huyện với gần 800 nhóm lớp và xấp xỉ 20.000 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục là trên 1.700 người.
Với diện tích 633,42 km², huyện có gần 72.000 người. Một phần ba dân số của huyện sống trên vùng cao nên cuộc sống rất khó khăn. Huyện có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Nùng chiếm hơn 38%, tiếp đó là dân tộc Dao 22%, Mông 13%, còn lại là các dân tộc khác.
Tuy là huyện nghèo của tỉnh nghèo Hà Giang nhưng Hoàng Su Phì là nơi tập trung nhiều lễ hội của các dân tộc như; lễ hội Khu cù tê của dân tộc La Chí; Cấp sắc, Nhảy lửa, Cầu mùa của dân tộc Dao đỏ; Lồng Tồng của dân tộc Tày, Cúng rừng của dân tộc Nùng...
Tại các trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc, sáng nay thầy và trò của 56 đơn vị trường học trên địa bàn cũng đã có buổi lễ khai giảng năm học mới ngắn ngọn, trang nghiêm, vui vẻ và an toàn.
Trong năm qua thầy và trò các trường trên đại bàn huyện Mèo Vạc đã đạt được nhiều thành tích đáng biểu dương, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục năm học, chất lượng giáo dục tăng so với năm học trước cả về số lượng và chất lượng. Công tác xã hội hóa giáo dục đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục.
Trong năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh toàn huyện Mèo Vạc đạt hạnh kiểm tốt chiếm trên 95%, học lực khá giỏi chiếm trên 40%, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đạt gần 94%; nhiều em đỗ vào các trường đại học top đầu của cả nước.
Huyện Mèo Vạc ở phía Đông và phía Bắc giáp với Trung Quốc, ở phía Tây giáp với hai huyện Đồng Văn và Yên Minh, ở phía Nam giáp huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng). Diện tích của huyện là 584,73 km² với dân số trên 82.000 người.
Huyện Mèo Vạc có nền văn hóa lâu đời, có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội như: Chợ tình Khâu Vai, một số làn điệu dân ca, múa hát truyền thống đặc sắc của người Lô Lô, người Mông… Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên độc đáo với những dãy núi đá tai mèo, đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ…/.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-hoc-moi-noi-cuc-bac-to-quoc-ha-giang/168694.html