Năm học mới ở những ngôi trường vùng cao tỉnh Nghệ An
Chỉ còn hơn một tuần nữa là năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu. Đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới và chuẩn bị tiền đề cho những năm học đổi mới tiếp theo. Vì vậy, việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đóng vai trò quan trọng tác động đến chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Đến thời điểm hiện tại, dẫu còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực, tận tâm của thầy, cô giáo, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương đã tiếp thêm luồng sinh khí mới trên những ngôi trường vùng cao của tỉnh Nghệ An.
Rộn ràng niềm vui năm học mới
Những ngày giữa tháng 8, không khí đón chào năm học mới đã rộn ràng ở những trường thuộc vùng cao huyện Tương Dương. Từ các bản, làng xa xôi, các phụ huynh học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lưu Kiền đã huy động tre, nứa và ngày công để xây dựng lại nhà ở bán trú cho con em trong bản. Đây đều là những vật liệu được lấy ngay trong vườn nhà. Mỗi người một việc, người làm giường tre, người thưng phên (vách ngăn), lợp mái nhà. Các phụ huynh nam đảm nhiệm dựng khung, đóng sàn; còn các bà, các mẹ chẻ lạt, buộc hàng rào, đan tranh. Dù đặc thù khó khăn, nguồn xã hội hóa huy động từ phụ huynh không nhiều nhưng chính quyền địa phương và bà con dân bản rất vui bởi họ đã giúp được nhà trường bằng việc làm thiết thực và ý nghĩa.
Anh La Đình Thị, Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lưu Kiền cho hay: “Chúng tôi huy động phụ huynh học sinh đóng góp nguyên vật liệu và ngày công tu sửa nhà bán trú cho con em mình. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhờ mô hình bán trú, 2 năm trở lại đây, con em chúng tôi không phải bỏ học giữa chừng và học rất chuyên cần.
Năm học 2020-2021, toàn trường có hơn 260 học sinh là con em đồng bào các dân tộc Mông, Thái theo học. Trong đó, 173 em nhà xa trường trên 10km phải ở bán trú tại trường. Chuẩn bị cho năm học mới, phụ huynh học sinh tiếp tục tu sửa lại và làm mới thêm 4 phòng, giúp nhà trường làm mương thoát nước, trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lưu Kiền cho biết: Đến ngày 1/9, khi học sinh đến trường, nhà trường sẽ bố trí nơi ăn, chốn ở đảm bảo, cơ sở vật chất tương đối tốt phục vụ việc dạy học, đồng thời được tiếp nhận đồ dùng đầy đủ. Với học sinh mồ côi, nhà trường đã xin nguồn tài trợ mua 3 chiếc xe đạp để hỗ trợ việc đi lại. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, trường hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập ngay từ đầu năm học. Từ năm học tới, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lưu Kiền sẽ chuyển về trường mới với dãy phòng học khang trang và 12 phòng ký túc xá hiện đại, đầy đủ đồ dùng.
Vượt qua đoạn đường dốc gian nan, chúng tôi đã đến với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lạng Khê (huyện Con Cuông). Những ngày này, mặc dù chưa đến ngày khai giảng nhưng để chuẩn bị chu đáo năm học mới, các thầy cô tập trung tại trường sớm hơn thường lệ, phối hợp với các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương để triển khai tu sửa cơ sở vật chất trường lớp học, bàn ghế, trang thiết bị dạy học, dọn dẹp vệ sinh. Trước đó, công tác tuyển sinh đầu cấp, huy động trẻ ra lớp được nhà trường triển khai sớm. Ngoài việc tổ chức tuyển sinh, trường chú trọng đến việc vận động phụ huynh đưa con em mình đến trường, đặc biệt là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa nhằm tập trung đủ sĩ số lớp trong những ngày đầu năm học mới, nhằm bảo đảm chương trình đào tạo. Bước vào năm học mới, giáo viên và nhà trường thực sự vui mừng bởi trường lớp, phòng học được tu sửa lại khang trang, sân trường được lát lại gạch mới sạch sẽ, tiến tới năm 2022 trường đạt chuẩn quốc gia.
Thầy giáo Phạm Quốc Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Lạng Khê cho biết: Trường nằm ở vùng khó khăn, nhờ làm tốt công tác vận động xã hội hóa, hiện 50% phòng học đã được lắp đặt ti vi hiện đại. Đây cũng là cơ sở để nhà trường tổ chức dạy học theo hình thức mới và đẩy mạnh việc áp dụng giáo án điện tử trong các bài giảng.
Với Trường Tiểu học Lạng Khê, năm học này, niềm vui đến với nhà trường khi học sinh ở điểm trường lẻ Chôm Lôm sẽ được sáp nhập về điểm trường chính. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để trường nâng cao chất lượng dạy và học, trước tiên là để phổ cập Tin học và tiếng Anh cho học sinh toàn trường.
Năm học 2020 - 2021 sẽ là năm đầu tiên triển khai chương trình phổ thông mới dành cho bậc Tiểu học. Vì thế, ngay từ đầu tháng 8, ngành Giáo dục Nghệ An đã triển khai chương trình tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, giáo viên các trường. Cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, ở các huyện miền núi, sách giáo khoa mới đã được đưa đến tận từng trường học phục vụ cho năm học mới.
Huy động nguồn lực đảm bảo chất lượng hoạt động giáo dục
Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó quan tâm đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo năm học mới và chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An luôn quan tâm đầu tư bổ sung, cải tạo, nâng cấp các công trình đảm bảo phục vụ năm học mới chủ yếu từ nguồn lực địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã phối hợp với Đài VOH Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch xóa hết nhà học tạm tại các điểm trường lẻ của huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2019-2025. Đến nay đã triển khai và hoàn thành các điểm trường Mầm non Nậm Càn, Tiểu học Na Ngoi 1, Tiểu học Na Ngoi 2 với tổng kinh phí trên 3,1 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, năm 2019, tỉnh Nghệ An mua sắm bổ sung trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường công lập có học sinh phổ thông dân tộc bán trú (26 trường được bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu; 58 nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú được bổ sung trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho học sinh bán trú; 12 nhà ăn, nhà bếp, khu nội trú được sửa chữa, cải tạo).
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông Phan Trọng Trung cho biết: huyện miền núi Con Cuông ưu tiên nguồn vốn sửa sang cơ sở vật chất trường lớp học ở các Trường Tiểu học Bình Chuẩn, Mầm non Bình Chuẩn, Trung học cơ sở Thạch Ngàn, Tiểu học Lạng Khê…. Cùng với đó, để chuẩn bị xây dựng trường Tiểu học bán trú trên địa bàn, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho các trường.
Huyện Tương Dương hiện còn 7 phòng học chưa được kiên cố hóa. Năm học mới này, nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng như công trình bán trú, công trình phụ trợ bán trú Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Yên Na, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường Mầm non Hòa Bình, Mầm non Xá Lượng và công nhận đạt chuẩn quốc gia với hai trường mầm non này.
Ông Kha Văn Lập, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: “Phòng Giáo dục và Đào tạo đã kết hợp với nhà cung ứng thiết bị để cung cấp sách cho tất cả các trường và học sinh”.
Với các huyện miền núi cao của Nghệ An, niềm vui của năm học mới không chỉ là chất lượng mà còn huy động được đủ học sinh đến trường. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, phân luồng học sinh sau bậc học Trung học Cơ sở vùng dân tộc miền núi; chỉ đạo các trường chuyên biệt thực hiện chương trình giảng dạy theo hướng tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội...
“Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện các công trình của hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kế hoạch xây dựng và thành lập các trường Phổ thông dân tộc tiểu học bán trú. Cùng với đó, Sở chú trọng trang bị cơ sở vật chất phục vụ các nhu cầu đưa công nghệ vào quản lý, tổ chức dạy học, giáo dục…, theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp nhu cầu thực chất”, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho giáo viên và học sinh trong ngày tựu trường, các trường học ở Nghệ An đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các em được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe trước khi vào trường.