Năm học mới, tiền ăn bán trú tại TP.HCM được thu như thế nào?

Năm học 2024-2025, tiền ăn bán trú của học sinh sẽ do trường thỏa thuận với phụ huynh theo thực tế, thay vì khống chế mức trần như năm ngoái.

Trao đổi với PLO vào chiều 2-8, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết năm học 2024-2025, các trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, thỏa thuận với phụ huynh để xây dựng mức thu tiền ăn bán trú.

 Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Năm ngoái, HĐND TP ban hành Nghị quyết 04 quy định mức thu các dịch vụ trong trường học. Trong đó, tiền ăn bán trú đối với các trường nội thành là 35.000 đồng/suất, các trường ngoại thành, mức này là 32.000 đồng/suất.

Trong quá trình triển khai, nhiều trường ở trung tâm TP cho rằng mức thu tiền ăn bán trú như trên không còn phù hợp tình hình vật giá leo thang hiện nay. Vì thế, chất lượng bữa ăn chỉ duy trì ở mức tương đối, khó nâng cao chất lượng. Ý kiến này đã được UBND ghi nhận và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Giữa tháng 7, HĐND đã thông qua Nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP từ năm học 2024-2025.

Nghị quyết này thay cho nghị quyết 04 về các khoản thu và mức áp dụng ở năm học trước.

 Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong nghị quyết mới, tiền ăn bán trú và 14 khoản thu khác không còn được đề cập như: tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, câu lạc bộ, STEM, bơi lội; dạy học theo đề án; thực hiện chương trình kích cầu đầu tư; tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú, đồng phục, học liệu, trông giữ xe.

Theo ông Minh, đối với các khoản thu trên, trường học căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu của phụ huynh để xây dựng dự toán.

Nguyên tắc của việc tính toán mức thu là đảm bảo thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế của năm học, tăng không cao hơn 15% so với mức thu của năm học 2023-2024.

Các khoản thu, mức thu trên phải được các cơ sở giáo dục thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh, có ý kiến của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý.

“Sau khi nghị quyết có hiệu lực, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng quy định” – ông Minh nói.

Nghị quyết mới quy định danh mục các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động trong trường công lập gồm 9 khoản thu.

Nghị quyết mới giảm bớt một số khoản thu nhằm phù hợp với quy định hiện hành, trong danh mục các khoản thu này có bổ sung khoản thu thuê máy lạnh; điều chỉnh khoản thu “Tiền tổ chức nuôi dạy trẻ mầm non trong hè” thành khoản thu “Dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ” (bao gồm dịch vụ trông giữ trong các ngày nghỉ, không bao gồm các ngày lễ, Tết, không bao gồm tiền ăn). Tên các khoản thu cũng được điều chỉnh bắt đầu bằng “Dịch vụ” để phù hợp với quy định, thẩm quyền ban hành.

Các mức thu quy định tại nghị quyết này là mức thu tối đa. Tùy tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, cơ sở giáo dục thống nhất với phụ huynh học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết này và không được cao hơn 15% so với năm học liền kề trước đó.

Các cơ sở giáo dục công lập căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 9 khoản thu được quy định tại nghị quyết vừa được HĐND TP.HCM thông qua.

9 khoản thu được quy định tại nghị quyết vừa được HĐND TP.HCM thông qua.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-hoc-moi-tien-an-ban-tru-tai-tphcm-duoc-thu-nhu-the-nao-post803375.html