Nấm Hương Langbiang từ thiên nhiên đến bàn ăn
Nấm Hương Langbiang bản địa là món quà quý giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang. Từ nơi sinh trưởng trong môi trường núi rừng nguyên sinh đến khi được thu thập và thuần hóa nuôi trồng, theo dòng chảy giao thương đến bàn ăn là câu chuyện thú vị về loại nấm này...
Từ thuần hóa nấm rừng…
Theo PGS.Tiến sĩ Lê Xuân Thám - nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và vùng rộng lớn Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang là vùng sinh thái lý tưởng cho việc bảo tồn, phát triển tài nguyên nấm của Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây thực sự là vốn quí bởi có khoảng trên 120-200 loài nấm tự nhiên vừa làm thực phẩm quí, vừa làm dược liệu. Bởi vậy phải được chú trọng giữ gìn và đưa dần vào nuôi trồng, sản xuất, chế biến công nghiệp. Việc hợp tác khoa học công nghệ trong lĩnh vực nấm học tại Lâm Đồng khá sớm, bắt đầu từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các nhà khoa học nấm quốc tế đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đài Loan, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã khảo sát tài nguyên nấm vùng Langbiang và có những phát hiện giá trị.
Và thật tình cờ, trong một chuyến thu mẫu vào mùa mưa năm 2008, trên con đường dẫn lên đỉnh Langbiang, đỉnh núi cao thứ hai trong Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt và các cộng sự đã phát hiện ra món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Lạc Dương là loại nấm Hương bản địa.
Tiến sĩ Nguyên chia sẻ, hơn 40 quả thể của một loài nấm trên một khúc gỗ mục nhỏ của cây lá rộng được phát hiện tại núi Langbiang, ở độ cao khoảng 1.700 m trong chuyến đi này, khiến ông và các cộng sự nghi ngờ đó là loài nấm Hương đã phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Lúc ấy, cả nhóm quyết định đem nấm về nghiên cứu. Và kết quả các phân tích hình thái giải phẫu cho thấy mẫu nấm này mang khá nhiều đặc điểm pha trộn của hai loài Lentinula edodes và Lentinula lateritia, loại đã được nhận định có thể tồn tại ở nước ta nhưng chưa được phát hiện.
Các dẫn liệu phân tích đoạn ITS rDNA cho mẫu nấm Hương trên lại cho thấy, đây là loài Lentinula edodes có mặt khá phổ biến trên thế giới vì chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều hoạt chất có khả năng phòng chống ung thư mạnh, nên rất được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày của người dân các nước phát triển. Thông qua một loạt các nghiên cứu, các nhà khoa học đã định danh loại, các đặc điểm và nhân giống thành công giống nấm Hương bản địa.
PGS.Tiến sĩ Thám cho biết thêm: Với loài nấm Hương này có nguồn gốc tự nhiên của núi rừng Langbiang, được nuôi trồng tại địa phương có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với nguồn gốc bản địa, nấm Hương Langbiang đã được lựa chọn là sản phẩm đặc trưng để phát triển sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng và đấy cũng chính là mục tiêu của Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững của JICA.
… đến nấm Hương Langbiang vươn xa
Nhu cầu thị trường về nấm Hương bắt đầu từ năm 2010, do trong nước chưa có đơn vị nào sản xuất nên người tiêu dùng chỉ biết đến các sản phẩm được nhập từ Trung Quốc.
Từ những phát hiện ban đầu, Tiến sĩ Trương Bình Nguyên đã tiến hành sản xuất phôi để thực hiện sản phẩm theo hướng hàng hóa và Công ty Cổ phần Nguyên Long do ông làm giám đốc cũng chính là đơn vị tiên phong sản xuất. Qua đó, áp dụng quy trình sản xuất khắt khe, không sử dụng thuốc trừ sâu hoặc bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình sản xuất để gìn giữ được chất lượng và giá trị của sản phẩm. Với sự hỗ trợ từ Dự án JICA SNRM, công ty đã chuyển giao cho đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, đồng thời thiết lập hệ thống thu mua, cung cấp cho khách hàng.
Anh Liêng Hot Ha Ban (Thôn 1, xã Đạ Sar) đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng nhà trồng nấm Hương dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long. Anh cho biết đã đầu tư vốn ban đầu được cấp 5.000 phôi giống, với sự đồng hành, hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật công ty và Dự án JICA, đến nay, số phôi giống này cho thu hoạch rất đạt. Trồng nấm Hương không quá khó nhưng phải theo dõi, kiểm soát cẩn thận những chỉ số quan trọng gồm nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, điều này quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm.
Từ một nhà nấm ban đầu, anh quyết định đầu tư tiền để xây dựng thêm một nhà nấm nữa. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu về 10 triệu đồng/nhà nấm.
Tương tự như anh Liêng Hot Ha Ban, trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện có 25 hộ tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất nấm Hương với Công ty Cổ phần Nguyên Long, với quy mô 47 nhà trồng nấm, tập trung ở các xã Đưng K’Nớ, Đa Nhim, Đa Sar và thị trấn Lạc Dương, trong đó hơn 70% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Công ty Cổ phần Nguyên Long nghiên cứu khá sâu các chủng nấm Hương (Shiitake) Lentinula edodes và các loài tương tự, chọn tạo các nguồn giống lai phong phú và hoàn toàn cạnh tranh được với giống ngoại nhập. Trình độ công nghệ thích ứng và cải tiến tại Lâm Đồng cũng liên tục được nâng lên.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm Hương Langbiang ở Công ty Nguyên Long đã đưa một chủng nấm vốn chỉ thu hái ngẫu nhiên trong tự nhiên thành một mặt hàng có chất lượng cao trở thành một đặc sản của địa phương như nấm Hương Langbiang tươi, nấm Hương Langbiang khô, nấm Hương Langbiang ăn liền và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ thiên nhiên núi rừng Langbiang.
Cho tới nay, Công ty Nguyên Long vẫn là đơn vị duy nhất trên toàn quốc tổ chức sản xuất loại nấm Hương có nguồn gốc bản địa này.
Nấm của công ty tuy nhìn không bắt mắt như những chủng giống nhập từ nước ngoài nhưng có vị ngọt, vị béo vượt trội so với các sản phẩm cùng loại khác đang có mặt trên thị trường. Để phát triển thêm sản phẩm, ông Nguyên đặt ra mục tiêu sẽ xây dựng một khu phức hợp gồm nhiều nhà xưởng chế biến, nhằm tận dụng và khai thác mọi giá trị có trong chuỗi sản xuất nấm, đồng thời đa dạng các sản phẩm từ nấm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Việc công ty liên kết với Công ty Organic Bình Minh hướng ra một thị trường lớn hơn là xuất khẩu được nấm Hương bản địa này.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, huyện Lạc Dương nằm ngay cạnh thành phố Đà Lạt, là một nơi du lịch nổi tiếng cả trong và ngoài nước sẽ rất thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mang tính chất đặc sản địa phương. Mô hình chuỗi liên kết trồng nấm ở huyện Lạc Dương đã mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả cho người nông dân, bởi rất thích hợp với điều kiện sản xuất của các hộ. Mặt khác, việc trồng nấm trong nhà cũng là một giải pháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh phát triển mạnh. Hiện, UBND huyện Lạc Dương đang tạo mọi điều kiện để công ty hoạt động hiệu quả, đồng thời xúc tiến, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho người dân để liên kết này ngày càng mở rộng hơn.
Còn PGS.Tiến sĩ Thám cho hay: Nếu được chú trọng đầu tư và khai thác lực lượng chuyên gia về công nghệ nấm, và nếu Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà được chọn làm Trung tâm Nấm Tây Nguyên để liên kết các doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân thì công nghệ nấm sẽ trở thành ngành nghề kinh tế nông - lâm rất tiềm năng với doanh thu lên hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn giữ được rừng mãi tươi xanh, giữ được tài nguyên nấm bền vững.