Nậm Lầu phát triển nghề nuôi ong rừng
Đầu tháng 3, chúng tôi có chuyến công tác về xã Nậm Lầu (Thuận Châu), được những người dân địa phương giới thiệu về loại đặc sản 'mật ong rừng', cùng với đó là câu chuyện về sự sáng tạo của người dân nơi đây trong việc khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên rừng để phát triển nghề nuôi ong mật, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Nuôi ong lấy mật ở Nậm Lầu đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là tự phát ở các gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, nuôi ong lấy mật ở Nậm Lầu chủ yếu là ong rừng được bà con thuần hóa mang về nuôi và nhân đàn. Nhận thấy nuôi ong rừng lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, nên hàng chục năm nay, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tăng số lượng đàn, nghề nuôi ong rừng lấy mật trở thành một hướng phát triển kinh tế tiềm năng ở Nậm Lầu. Ông Quàng Văn Pâng ở bản Biên đã có gần 30 năm nuôi ong tự nhiên lấy mật. Hiện, gia đình ông Pâng có 150 đàn ong, nhiều nhất ở xã. Ông Pâng chia sẻ: Ban đầu, khi mới đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong theo hướng hàng hóa, do ít kinh nghiệm, nên đàn ong hay bị bệnh, ong non không phát triển, dẫn đến số lượng ong trong đàn giảm nhanh. Không nản chí, tôi quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua đài, báo cũng như tham quan nhiều hộ nuôi ong trong tỉnh, nhờ đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ong. Nuôi ong rừng không phải đầu tư nhiều, thùng ong chủ yếu được làm từ những thân cây gỗ có đường kính khoảng 40 cm, dài 60-70 cm, khoét rỗng và bịt chặt hai đầu, thùng nuôi ong có thể đặt bất cứ chỗ nào, dưới gầm sàn, ngoài vườn và để cả trên rừng, quan trọng là thùng nuôi ong phải để nơi cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, che nắng, mưa. Khi thu hoạch thì mở một đầu, lấy cả mật và sáp rồi vệ sinh sạch sẽ thùng, đàn ong tiếp tục làm lại sáp mới. Hiện, 150 đàn ong của gia đình mỗi năm được thu hoạch 5 lần mật ong, mỗi lần thu được 80 lít mật. Với giá bán 200.000 đồng/lít, mỗi năm trừ chi phí thu được trên 100 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của những hộ gia đình nuôi ong rừng ở Nậm Lầu, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 2 - 3 giờ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong, nhưng phải cẩn thận, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong. Đặc thù của loài ong là tự nhân đàn, bởi ong sinh sản rất nhanh, 2 đến 3 tháng là có thể phát triển thêm một đàn. Vào mùa xuân tiết trời ấm áp, có nhiều hoa vải, hoa nhãn nên đây là vụ mật chính trong năm, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, nếu chăm sóc tốt, sau một năm, 1 đàn có thể tách ra 5 đến 6 đàn.
Hiện tại, xã Nậm Lầu có hơn 400 hộ nuôi ong rừng lấy mật với tổng số hơn 4.300 đàn. Ông Lò Văn Cương, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nậm Lầu có khí hậu mát mẻ, diện tích lớn, những năm gần đây, nhằm giúp người dân duy trì và phát triển nghề nuôi ong theo hướng bền vững, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tách đàn, cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; kỹ thuật thu hoạch, bảo quản mật và sáp ong. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích bà con đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi ong tiêu biểu ở trong và ngoài huyện. Nếu như trước đây, người dân nuôi ong chỉ nuôi nhỏ lẻ, các thùng ong chủ yếu đặt ở nhà, thì bây giờ người dân đã phát triển nuôi ong theo hướng hàng hóa, biết cách tách đàn để nhân rộng và đặt thùng ong ở trong rừng, vách đá, trên nương cà phê. Nhờ đó, số lượng đàn ong ngày càng tăng lên, tập trung ở các bản: Nà Kẹ, Huổi Kép, Xa Hòn, Biên, Lọng Lầu.
Ngoài lợi ích về kinh tế, nghề nuôi ong rừng lấy mật ở xã Nậm Lầu đã góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo thêm việc làm thu nhập cho người dân. Để duy trì, phát triển nghề nuôi ong rừng ở Nậm Lầu, cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền và cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ về kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nam-lau-phat-trien-nghe-nuoi-ong-rung-29540