'Nấm mồ của các đế chế hùng mạnh': Afghanistan và lịch sử chiến tranh dài kỳ
Mỹ và các đồng minh của họ đã phải nhanh chóng sơ tán nhân sự khỏi thủ đô Kabul, và góp tên vào danh sách các siêu cường từng thất bại ở Afghanistan.
Từ thời Alexander Đại đế và Thành Cát Tư Hãn, rất nhiều bên đã có ý định thống trị vùng lãnh thổ mà nay được gọi là Afghanistan. Đất nước này từ lâu đã nổi tiếng với cái tên là “nghĩa địa của các đế chế”, ám chỉ sự nổi tiếng của Afghanistan trong việc vùi dập những tham vọng bành trước của các nước chiếm đóng, từ Đế quốc Anh cho tới Liên Xô cũ.
Mỹ đã chi khoảng 1 nghìn tỉ USD vào Afghanistan kể từ khi họ bắt đầu cuộc chiến ở nước này với cái cớ diệt khủng bố, sau sự kiện ngày 11/9/2001, nhằm lật đổ chế độ Taliban thân với al-Qaeda. Thế nhưng, 2 thập kỷ sau, lực lượng vũ trang Hồi giáo này một lần nữa nắm quyền lực ở Afghanistan khi thực hiện chiến dịch tổng tấn công trong vòng vài tuần lễ, trong lúc Mỹ vội vàng rút binh.
Afghanistan là “một nghĩa trang của các nước thực dân, hay các cường quốc thực dân kiểu mới có mục đích cai trị họ”, theo Romain Malejacq – nhà khoa học chính trị và là tác giả của cuốn “Warlord Survival” nói về xây dựng đất nước ở Afghanistan.
Bàn về lịch sử của Afghanistan vào năm 2010, nhà nhân loại học Thomas Barfield viết rằng “Afghanistan loại bỏ những kẻ xâm chiếm từ bên ngoài bằng cách khiến cho đất nước này không thể nào cai trị nổi đến nỗi họ muốn rời đi”.
Tuy nhiên, Barfield cho rằng chiến lược này đến cuối cùng “sẽ trở lại ám ảnh chính người dân Afghanistan” bởi mỗi cuộc xung đột đều khiến cho các thể chế nhà nước suy yếu hơn, và các tổ chức có uy thế trở nên tàn bạo hơn.
Chiến tranh Anh-Afghanistan (1839-1919)
Đế quốc Anh liên tục thất bại trong việc thêm Afghanistan vào đế chế của họ (Ảnh: Getty)
Đế quốc Anh coi Afghanistan, một đất nước bị vây kín bởi nhiều quốc gia và nằm dọc Con đường Tơ lụa, như một vùng đệm mang ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng giữa thuộc địa Ấn Độ của họ và Nga. Lo sợ người Nga sẽ sử dụng Afghanistan làm bàn đạp tấn công Nam Á, người Anh quyết định đi trước một bước, bắt đầu cuộc xâm lược Afghanistan vào năm 1839 và thiết lập một chế độ cai trị “dễ bảo”. Cuộc xâm lược này kết thúc bằng cái mà nhà sử học William Dalrymple gọi là “thảm họa đế quốc lớn nhất” của Anh.
Các cuộc nổi loạn đã buộc Anh phải rút quân vào năm 1842. Họ di dời một lực lượng gần 20.000 quân khỏi Kabul và rồi bị các lực lượng chiến binh bộ lạc đánh úp dọc đường. Một người Anh duy nhất còn sống trở về được. Nhưng Anh không từ bỏ. Họ tiếp tục khởi động thêm 2 cuộc chiến nữa vào năm 1878 và 1919 trước khi từ bỏ tham vọng của mình.
Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan (1979-1989)
Liên Xô không thể đánh bại được những kẻ được gọi tên là mujahideen vốn sử dụng chiến thuật du kích rất khó chịu (Ảnh: Getty)
Afghanistan đã trở thành một chiến trường trong Chiến tranh Lạnh, sau khi xảy ra một cuộc đảo chính vào năm 1978. Sự tàn bạo của chế độ mới đã làm dấy lên sự phản kháng dữ dội, với hàng loạt các cuộc nổi dậy, và cuối cùng khiến cho Liên Xô điều binh tới nước này ngay trong năm sau đó. Với sự giúp sức của Mỹ và Pakistan, các phe phái nổi dậy (mujahideen) vốn được tổ chức lỏng lẻo khơi dậy cuộc thánh chiến nhằm vào binh sĩ Liên Xô và chính quyền Cộng sản Afghanistan lúc bấy giờ.
Cuộc nội chiến xảy ra sau đó gây tổn thát nặng nề cho Afghanistan. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên dồi dào của Liên Xô được cho là không đủ để nghiền nát mujahideen, bởi các chiến thuật du kích của họ rất khó chịu và gây ra tổn thất không hề nhỏ. 1 triệu người dân Afghanistan đã thiệt mạng và khoảng 4 triệu người mất nhà cửa trong cuộc chiến.
“Liên Xô cuối cùng cũng đi tới kết luận giống như người Anh trước đó: việc xâm chiếm Afghanistan gây tổn thất chi phí lớn trong khi mang lại rất ít lợi ích”, Barfield viết.
Sau khi Liên Xô rút khỏi, các phe phái mujahideen quay lại đánh lẫn nhau. Cuối cùng, cuộc hỗn chiến này đã có kẻ chiến thắng hùng mạnh, đó là Taliban – một lực lượng những người thiểu số Pashtun tuyên bố sẽ áp đặt cách hiểu độc đoán của họ về Hồi giáo để cai trị đất nước Afghanistan.
Mỹ và NATO nhập cuộc (2001-2021)
Tổng thống Donald Trump đã ký thỏa thuận hòa bình với Taliban và chấp nhận rút quân khỏi Afghanistan (Ảnh: Getty)
Chế độ Taliban sau khi cầm quyền đã nhanh chóng hứng sự chỉ trích kịch liệt từ cộng đồng quốc tế do sự tàn bạo của họ - như xóa bỏ quyền của phụ nữ và áp dụng những hình thức trừng phạt dã man – trong khi lại che chở cho những kẻ Hồi giáo cực đoan.
Và việc che giấu trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ đứng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, đã vượt ngưỡng chịu đựng của Mỹ.
Chỉ 1 tháng sau các vụ tấn công nhằm vào Tháp Đôi, Mỹ bắt đầu không kích Afghanistan, quy tụ các tay thủ lĩnh chiến binh địa phương nhằm hủy diệt Taliban trên chiến trường, trước khi tiến hành một cuộc chiến toàn diện. Tháng 12/2001, Taliban đã sụp đổ, cùng với bin Laden tháo chạy tới những dãy núi để ẩn náu.
Tổng thống Mỹ George W. Bush sau đó công bố kế hoạch tái thiết đất nước Afghanistan, và đến năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld tuyên bố rằng “cuộc chiến lớn” đã kết thúc.
Thế nhưng, Taliban ngày càng thêm lớn mạnh trong những năm kể từ sau đó, khiến cho chính quyền Tổng thống Barack Obama phải tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ lên hơn 100.000 binh sĩ. Các kế hoạch rút quân bị trì hoãn, Taliban ngày càng lớn mạnh hơn.
Các vụ bạo lực, tấn công do Taliban thực hiện ngày càng trở nên gay gắt dưới thời Tổng thong Mỹ Donald Trump. Ông quyết định đàm phán và ký một thỏa thuận hòa bình với Taliban vào tháng 2/2020, và nhất trí rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan.
Đến thời của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận ra rằng người dân Mỹ đã quá mệt mỏi với cái gọi là “cuộc chiến không hồi kết” ở Afghanistan, liền tuyên bố rằng Mỹ sẽ hoàn tất kế hoạch rút quân vào cuối tháng 8/2021. Mỹ thậm chí còn chưa rút quân xong thì Taliban đã giành kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài.
Giới sử gia và khoa học chính trị từ lâu đã tranh luận về việc Mỹ đã sai lầm ở chỗ nào trong cuộc chiến ở Afghanistan. Malejacq cho rằng, cũng giống như các cường quốc trước kia, Mỹ đã sai lầm khi tin rằng họ có thể cải tạo một đất nước bằng vũ lực. “Toàn bộ ý nghĩa của cuộc can thiệp quân sự này không phải là xây dựng một đất nước, một nền dân chủ…mà chỉ là để chống khủng bố mà thôi”, ông nói.