Năm mới, người Đà Nẵng hoang mang vì nước sinh hoạt 'cặn đen'
Nguồn nước có vị lợ, đóng cặn đen... đã khiến người dân TP Đà Nẵng âu lo. Hiện, các sông cung cấp nước cho địa phương này đang có hiện tượng nhiễm mặn.
Những ngày đầu năm mới 2019, dư luận TP Đà Nẵng bất an vì những thông tin xôn xao về nguồn nước có vị lợ, đóng cặn đen. Thậm chí nhiều người dân còn quay phim, chụp hình nước sinh hoạt "có vấn đề" để đăng tải lên trang Facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh – sạch – Đẹp” (đây là trang Facebook chính thống do lãnh đạo các sở, ngành TP Đà Nẵng quản lý - PV) để phản ánh sự việc.
Trong đó, đáng chú ý nhất là phản ánh của anh Lưu Công L. (trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) kèm theo hình ảnh miếng khăn ướt màu trắng biến thành màu đen khi anh dùng khăn bịt đầu vòi để lóng nước trong một tuần sử dụng, điều này khiến anh vô cùng hoang mang.
"Dawaco bán nước sạch cho khách hàng đây ạ! Gia đình mình ở quận Cẩm Lệ dùng khăn ướt gấp 2 lần bị đầu vòi sử dụng trong một tuần nó đen như thế này đây. Sao hoang mang quá vậy mọi người ơi!”, anh L. chia sẻ.
Những phản ánh của anh L. đã ngay lập tức nhận được hàng ngàn lượt quan tâm, chia sẻ. Cùng với đó, nhiều người dân khác cũng bày tỏ những âu lo và một số thông tin nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo của gia đình mình.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc công ty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) xác nhận, đúng là có việc thời gian gần đây có khách hàng phản ánh, nước có hiện tượng cặn bẩn, có màu đục và có độ lợ trong nước. Nhóm khách hàng này chủ yếu ở quận Cẩm Lệ, Thanh Khê.
"Dawaco đã liên hệ trực tiếp khách hàng và tiến hành kiểm tra đường ống cấp nước của mạng lưới cấp nước của công ty và đường ống sau đồng hồ của khách hàng để tìm nguyên nhân cụ thể, có hướng tư vấn và xử lý kịp thời cho từng trường hợp. Sau khi kiểm tra tại một số nhà của khách hàng thuộc quận Cẩm Lệ và Thanh Khê thì thông số đầu vào sau đồng hồ đều đạt tiêu chuẩn”, ông Hương nói.
Cũng theo vị này, một số phản ánh khác của khách hàng về nước sinh hoạt cấp cho thành phố có vị lợ trong những ngày qua là có cơ sở, nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn, thấp hơn nhiều so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT) do bộ Y tế ban hành.
Theo vị này, độ mặn trong nước dưới 100mg/l là có vị ngọt, còn cao hơn 100mg/l là có vị lợ. Theo QCVN 01:2009/BYT, độ mặn trong nước ăn uống ở các khu vực bình thường từ 250mg/l trở xuống là an toàn, riêng khu vực ven biển và hải đảo thì dưới 300mg/l là an toàn. Trong những ngày qua, tuy sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn rất nặng nhưng Dawaco đã tăng cường bơm nước ngọt từ thượng lưu đập dâng An Trạch về để sản xuất và khống chế độ mặn trong nước cấp cho thành phố dưới 200mg/l, thấp hơn nhiều so với QCVN 01:2009/BYT.
“Khi nguồn nước bình thường, nước sau xử lý có vị ngọt. Trong những ngày có độ mặn của sông Cầu Đỏ lên cao, trong đó, ngày 13-6-2018, có độ mặn cao nhất tại cửa thu nước thô là 1.695mg/l. Để bảo đảm lưu lượng và chất lượng nước phục vụ các nhu cầu sử dụng của khách hàng, Xí nghiệp sản xuất nước sạch của Dawaco đã khống chế độ mặn nước sau xử lý dưới mức 200mg/l. Chỉ số này nằm trong ngưỡng an toàn theo QCVN 01:2009/BYT. Đây là tình huống bất khả kháng do nguồn nước thô bị nhiễm mặn, xí nghiệp sản xuất nước sạch của Dawaco đã cố gắng hết sức để xử lý nước, không để độ mặn vượt quá quy định cho phép của bộ Y tế. Vì thế, mong khách hàng thông cảm và chia sẻ cùng công ty”, ông Hồ Hương nói.
Được biết, thời gian qua, nắng nóng kéo dài đã khiến sông nhiễm mặn nặng ở TP Đà Nẵng. Cụ thể, nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ đã bị ảnh hưởng. Gần nhất, Dawaco phải đề nghị các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả nước về để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố. Để chuẩn bị cho mùa khô năm 2019, Dawaco đang tiến hành các thủ tục lắp đặt tuyến đường ống mới đoạn qua sông Cầu Đỏ nhằm tăng cường khả năng bơm nguồn nước thô từ Trạm bơm An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ phục vụ nước ngọt cho TP Đà Nẵng. Dự kiến, đến khoảng tháng 5/2019, tuyến đường ống mới này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.