Năm mới và chuyện rượu bia

Chỉ còn vài ngày nữa là bữa tiệc tiễn năm cũ, đón Năm mới 2020 sẽ bắt đầu trên khắp thế giới. Tiệc nào thường cũng có rượu và bia, nhưng làm thế nào để khi tàn tiệc ai cũng an toàn trở về nhà là điều mà giới chức nhiều nước quan tâm.

Bắt đầu từ ngày 25/12, một chiến dịch vận động Năm mới không rượu bia đã khởi động tại ngã tư chính ở khu vực Đài kỷ niệm Chiến thắng, thủ đô Bangkok, Thái Lan. Các tổ chức dân sự, sinh viên, nạn nhân tai nạn lái xe sau uống rượu bia đã tập trung tuần hành tại đây để khuyến khích người dân không sử dụng rượu bia hoặc tặng nhau rượu bia làm quà Năm mới.

Chiến dịch mang tên “Tặng quà an toàn-Bữa tiệc không rượu bia”. Chính những người từng bị phạt hoặc gặp tai nạn vì uống rượu rồi lái xe đã tham gia sự kiện để chia sẻ kinh nghiệm bản thân.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đích thân kêu gọi người dân không uống rượu rồi lái xe trong dịp tiệc tùng cuối năm. Ông coi ba trụ cột hạnh phúc là “yêu bản thân, yêu gia đình và yêu người khác” và nếu khi tai nạn xảy ra thì cả ba trụ cột đều đổ vỡ. Do đó, ông tha thiết mong muốn mọi người an toàn trong dịp nghỉ lễ. Ông còn tình nguyện thử nồng độ cồn trong máu để chứng minh mình gương mẫu thực hiện không uống rượu bia.

Trong kỳ nghỉ lễ Năm mới năm ngoái, lái xe sau khi uống rượu bia là nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn đường bộ ở Thái Lan khi chiếm 43,66% với 463 người chết.

Tại Mỹ, Văn phòng An toàn Giao thông bang California đã kêu gọi người dân không uống rượu và lái xe trong dịp đón chào Năm mới, nếu không sẽ phải trải qua vài ngày đầu năm 2020 trong tù hoặc còn tệ hơn thế. Lời khuyên của giới chức bang là thuê lái xe tỉnh táo, gọi xe hoặc đi phương tiện công cộng để về nhà nếu đã uống rượu bia trong bữa tiệc Năm mới. Nếu bạn là chủ bữa tiệc, lời khuyên của các quan chức bang là phục vụ đồ uống không có cồn, giám sát người uống rượu bia và giúp đảm bảo họ về nhà an toàn. Tại bang Texas, người ta còn bị cấm mua, bán hay giao rượu vào các ngày như Giáng sinh, Năm mới, Lễ Tạ ơn, các ngày chủ nhật.

Còn tại Việt Nam, từ ngày đầu tiên của Năm mới 2020, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực với nhiều điều khoản đáng quan tâm. Theo đó, cứ điều khiển một phương tiện giao thông, kể cả ô tô hay xe đạp, thậm chí cả xe lăn hay xe súc vật kéo thì người điều khiển không được phép có nồng độ cồn trong máu, dù chỉ một ít. Có thể hiểu chỉ người đi bộ hoặc ngồi phương tiện giao thông công cộng mới không bị kiểm tra nồng độ cồn trong máu.

Một điểm đáng chú ý khác là cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Hiện chưa rõ điều này được thực hiện, giám sát và có chế tài xử phạt ra sao, nhưng ít nhất sẽ có tác động tới suy nghĩ của cả người ép và người bị ép. Dù có vẻ khó mà tố cáo, chỉ trích người ép rượu vì họ thường là “sếp”, người có vai vế hơn, người lớn tuổi hơn, đối tác quan trọng…, nhưng đây là điểm mới khi coi hành vi ép rượu là phạm pháp. Xét về mặt xã hội học, Giáo sư Kumito Nemoto tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto (Nhật Bản) cho rằng ép người khác uống rượu có thể bị coi là hành vi quấy rối, lạm dụng quyền lực.

Năm mới, dù là tết âm hay tết dương, là thời điểm mà rượu bia gần như không thể thiếu trong các bữa nhậu, bữa tiệc của người Việt, đặc biệt là giữa cánh đàn ông với nhau. Đó là nơi mà người ta thường quá chén, thường thi nhau uống, thường ép nhau uống cho bằng được.

Không rõ từ bao giờ, cái văn hóa uống rượu, thưởng rượu thanh nhã đã trở thành thứ văn hóa vô văn hóa khi người ta uống (cả tự nguyện và bị ép) vô độ, say không biết trời đất để rồi lái xe gây tai nạn chết người cho những người vô tội trên đường. Nhiều cái chết thương tâm, đau lòng đã xảy ra chỉ vì ngồi đằng sau tay lái là một người nồng nặc mùi rượu.

Cái văn hóa vô văn hóa đó đang trở thành một điểm xấu trong xã hội Việt Nam, gây ra nhiều điều tiêu cực trong quan hệ xã hội, trong an toàn giao thông mà Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 ra đời nhằm xóa bỏ nó.

Khi Quốc hội thảo luận dự luật nói trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng bình luận: “Uống bia, rượu cũng ép nhau bằng được là thứ văn hóa khác lạ chỉ thấy ở Việt Nam”. Theo Chủ tịch Quốc hội, chống tác hại của rượu bia phải bằng cách thay đổi văn hóa người tiêu dùng. Đúng vậy! Điều cần thay đổi chính là cái văn hóa uống rượu vô văn hóa của nhiều người.

Nếu họ không thể thay đổi, luật sẽ buộc họ phải thay đổi. Điều đó chỉ xảy ra nếu luật mới nghiêm minh và có tính răn đe ngay từ ngày đầu Năm mới. Dù không dễ thực thi luật nhưng bản thân luật là một điều cần thiết. Có vậy, dần dần xã hội mới có thể trở nên an toàn hơn, văn minh hơn, văn hóa uống rượu mới không bị biến tướng, xấu xí, lệch lạc.

Mong rằng mỗi ly rượu đầu Năm mới sẽ là một ly rượu ấm áp, vui vẻ, trách nhiệm và an toàn với tất cả mọi người.

Thùy Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/nam-moi-va-chuyen-ruou-bia-20191228133240290.htm