Năm mới và định hướng giáo dục con trẻ
Theo các chuyên gia, ngày đầu năm là thời điểm của một khởi đầu mới. Và, trẻ em từ 7 - 12 tuổi là những người ở giai đoạn lý tưởng để học cách lập kế hoạch.
Tiến sĩ Christine Carter - tác giả của cuốn sách “Nuôi dạy hạnh phúc: 10 bước đơn giản để trẻ vui hơn và cha mẹ hạnh phúc hơn”, giáo viên của một lớp học trực tuyến về cách giúp trẻ hạnh phúc, cho biết: “Chúng đủ lớn để suy nghĩ về những quyết tâm trong năm mới. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể giúp trẻ”.
Jennifer Kolari - nhà trị liệu cha mẹ và trẻ em, tác giả của “Nuôi dạy con kết nối”, cho rằng, ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu chú ý và hiểu quan điểm của người khác. Trẻ cũng làm việc độc lập hơn và bắt đầu có những mục tiêu lớn.
Cùng con đưa ra các quyết định có thể là việc làm thú vị. Đó là thời điểm để trẻ trưởng thành và thay đổi, cũng như là cơ hội gắn kết gia đình. Các chuyên gia gợi ý những cách cha mẹ có thể làm để biến quyết tâm trong năm mới trở thành trải nghiệm tích cực với trẻ:
Làm gương
Là cha mẹ, điều quan trọng là phải biến lời nói thành hành động.
“Bạn có tin vào việc thực hiện và đưa ra quyết định? Bạn phải khiến cuộc nói chuyện mang lại hiệu quả cao nhất có thể”, Tiến sĩ Robin Goodman - nhà tâm lý học lâm sàng, chia sẻ.
Chuyên gia gợi ý, phụ huynh có thể chia sẻ những quyết tâm của bản thân vào giờ ăn.
“Đây là một điều tuyệt vời để làm với cả gia đình. Đó là cách chúng tôi làm với ba đứa con của mình. Bọn trẻ trông đợi vào cha mẹ để học cách tiếp cận nhiệm vụ này”, chuyên gia Kolari cho biết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Carter cho rằng, nếu muốn con tự lập hơn, phụ huynh cần nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là, cha mẹ không nên yêu cầu con làm nhiều hơn những gì phụ huynh sẵn sàng.
Tiếp cận tích cực
Phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách điểm qua những điều tích cực mà con đã đạt được trong năm ngoái.
“Thay vì chỉ ra thiếu sót, hãy là người nói về những thành công trước đây của trẻ. Chỉ ra điểm sáng khi con làm tốt điều gì đó”, Tiến sĩ Carter khuyến khích.
Sau đó, cha mẹ hãy cùng con nghĩ về những điều trẻ có thể làm hiện tại, nhưng chưa thực hiện trong năm ngoái. Phụ huynh có thể hỏi trẻ như: “Một số điều tuyệt vời con muốn làm trong năm nay là gì? Con muốn cải thiện điều gì? Điều gì sẽ giúp cuộc sống của con tốt hơn và hạnh phúc hơn?”.
Đề xuất mục tiêu
Câu hỏi lớn mà các phụ huynh thường đặt ra là: Có nên đưa ra mục tiêu cho con không? Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia cho rằng, đó là điều không nên. Thay vào đó, cha mẹ có thể hướng dẫn và đề xuất các danh mục chung cần thay đổi. Đồng thời, giúp con làm rõ mục tiêu và bảo đảm chúng phù hợp với lứa tuổi. Song, trẻ nên tự đưa ra các giải pháp. Bởi, đây là cách trẻ làm chủ mục tiêu và lập kế hoạch.
Theo chuyên gia Kolari, bước đầu tiên cha mẹ cần làm là lắng nghe. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em cần một chút hướng dẫn. Phụ huynh nên đưa ra 3 hoặc 4 danh mục như mục tiêu về: Cá nhân, tình bạn, giúp đỡ và ở trường. Sau đó, hãy để con điền vào chỗ trống một cách chi tiết.
Ngoài ra, bà Kolari cho rằng, trẻ cũng có thể đưa ra “mục tiêu vật chất”.
“Hãy cởi mở trước những gì quan trọng với trẻ. Đó là một cách tuyệt vời để có cuộc trò chuyện ý nghĩa với con”, chuyên gia này gợi ý.
Thu hẹp danh sách
Theo bà Kolari, điều quan trọng là không nên đề ra quá nhiều mục tiêu. Thay vào đó, 2 - 3 mục tiêu là hợp lý.
“Chúng tôi không muốn dạy con mình về việc lập một danh sách khổng lồ mục tiêu nhưng không tuân theo. Vì vậy, hãy giúp con chú trọng tới một vài điều”, Tiến sĩ Carter khuyến khích.
Phụ huynh có thể lấy một tờ giấy và yêu cầu con viết 3 mục tiêu hàng đầu. Sau đó, hãy giúp trẻ biến chúng thành thực tế và phù hợp với lứa tuổi. Một số giải pháp thực tế đối với trẻ em có thể là: “Tôi sẽ giữ phòng của mình gọn gàng hơn”, “Tôi sẽ trở thành một người bạn tốt hơn”, “Tôi sẽ đọc nhiều hơn” hoặc “Tôi sẽ làm tốt hơn trong môn quần vợt”. Thậm chí, trẻ cần chia nhỏ kế hoạch thành các phần có thể thực hiện từng bước một.
Hướng tới quyết tâm lớn
Tiến sĩ Carter chia sẻ: “Biến ý định tốt thành thói quen là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà chúng ta có thể dạy cho con. Đó là chìa khóa của hạnh phúc trong cuộc sống”.
Do đó, chuyên gia này gợi ý, cha mẹ hãy giúp con chia nhỏ quyết tâm thành những bước dễ dàng. Theo Tiến sĩ Carter, cần 6 tuần để tạo thói quen. Ví dụ, nếu cách giải quyết của con là giữ phòng gọn gàng hơn, trẻ nên viết ra 6 bước nhỏ. Sau đó, hãy thực hành một bước mỗi tuần. Phụ huynh nên kiểm tra trẻ mỗi tuần và đánh giá liệu con đã thực hiện tốt chưa. Tuy nhiên, Tiến sĩ Carter cho rằng, cha mẹ không nên thưởng quà “vật chất”.
Theo dõi quá trình
“Đừng lo lắng về việc sai sót. Hãy mong đợi chúng. Một lỗi sai không phải là thất bại. Đó chỉ là cố gắng. Không có thay đổi lớn nào được thực hiện một cách hoàn hảo”, Tiến sĩ Carter nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Kolari cho rằng, dù con mắc lỗi trong việc thực hiện mục tiêu, cha mẹ cũng không nên mắng trẻ. Thay vào đó, hãy khẳng định mục tiêu đó khó như thế nào và hỏi về thứ cản trở trẻ. Đặc biệt, trong trường hợp kế hoạch không hoạt động, phụ huynh luôn có thể cùng trẻ điều chỉnh.
Cùng nhau thực hiện mục tiêu
Các mục tiêu luôn khiến thành viên trong gia đình gần nhau hơn, đặc biệt là khi mọi người lập kế hoạch cùng nhau. Cả gia đình có thể đặt ra hai quyết tâm cho năm mới của cá nhân, hai quyết tâm tập thể, như: “Hãy về thăm bà thường xuyên hơn”. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh đề nghị cả gia đình cùng thực hiện những hành động thiện nguyện như một phần của quyết tâm trong năm mới.