Nằm mộng

Ái chà. Du ngửa cổ, nheo mắt nhìn lên. Tòa nhà này cỡ phải to nhất thành phố. Mới ra trường được nhận ngay vào viện lớn như thế này làm kể cũng bõ công 6 năm đèn sách miệt mài.

Gia đình, người thân thực sự tự hào về Du. Chưa ra trường, cô bác chú dì đã thi nhau gí đầu Du bảo, nhất mày rồi, tương lai sáng láng thế cho người thân có chỗ nhờ vả. Du cười cười đáp, “nhờ” thôi chứ đừng “vả” cháu.

Hôm nay là ngày đầu tiên đến chỗ làm mới, Du thấy trống ngực đập thùm thụp. Chết dở, bác sĩ thế này làm sao làm chủ trước bệnh nhân. Môi trường bệnh viện thì chả lạ gì với Du, thực tập lăn lộn đủ mọi ngóc ngách, Du lại là đứa chịu khó, ai cần hỗ trợ gì Du sẵn sàng xắn tay áo lên làm ngay. Nhưng hôm nay vẫn run, run cực kỳ luôn. Du chọn chuyên ngành ngoại khoa. Bọn bạn đồng môn bảo Du dại, làm bác sĩ ngoại khoa vất vả lắm, còn phải học dài dài mới được đứng mổ chính... Kệ, thích thì cứ nhích. Theo đuổi ước mơ không được ngại gian khó. Thi tuyển vào bệnh viện, Du ghi rõ, nguyện vọng được phân về khoa Ngoại. Đúng lúc khoa Ngoại của bệnh viện này đang thiếu bác sĩ, họ nhận Du luôn.

 Minh họa: Quang Cường.

Minh họa: Quang Cường.

Thầy đeo kính dày cộp, mặt cúi gằm xuống cuốn sổ y bạ, tay hí hoáy ghi. Du đứng ngoài cửa còn nghe rất rõ: “Chị phải nhớ… phải nhớ… nghe chưa!... nghe chưa!”. Giọng bác sĩ phải quyết đoán thế chứ. Mỗi thông điệp phát ra từ miệng bác sĩ nghe phải chắc nịch thì bệnh nhân đến khám mới tin tưởng và răm rắp nghe theo, thầy thường chỉ giáo Du vậy. Cái này ngược ngược thế nào ấy nhỉ, Du nghĩ bác sĩ phải khẽ khàng thì mới cho bệnh nhân cảm giác thân thiện, dễ dàng chia sẻ bệnh tình. Du nhớ mỗi lần đi thực tập, Du lại gần giường bệnh thủ thỉ, hỏi han bệnh nhân, không biết vì cái mặt non choẹt hay vì giọng nói thỏ thẻ ấy mà bệnh nhân quắc mắt lên, nhìn Du ra điều khó chịu. Ừ, kể ra thầy nói cũng có lý.

“Em chào thầy ạ!”. Du rụt rè cúi chào thầy từ cửa.

Thầy kéo trễ kính xuống nhìn ra cửa, ngờ ngợ. Du là nhân sự mới. Dù đã từng học thầy khi đi thực hành lâm sàng thì thầy cũng chẳng nhớ nổi gương mặt quắt queo của Du trong đám học trò lộm nhộm mỗi ngày. Im lặng ngắm Du giây lát, chắc ánh mắt thầy đã chạm tới cái thẻ đeo lủng lẳng trên ngực Du nên nở nụ cười: “Vào đây, bác sĩ trẻ. Đấy, ngồi xuống ghế bên cạnh”.

Du bẽn lẽn ngồi xuống. Lúc đi học thì sợ thầy trên lớp, lúc đi làm thì sợ thầy hướng dẫn, cái chất phác thật thà của Du toát ra từng cử chỉ hành động.

Cả ngày ngồi phụ thầy khám bệnh, cảm xúc của Du thay đổi trầm bổng du dương còn hơn cả bản nhạc. Chưa biết thầy thế nào, nhưng quá chục bệnh nhân thầy khám, Du kính nể thầy lắm.

“Nào, đưa ví đây cho em”. Người đàn bà bất ngờ xuất hiện, đứng trước mặt hai thầy trò, chu môi đỏ chót ra lệnh cho thầy.

Du ngẩn tò te nhìn người đàn bà. Thầy vội phân bua: “À, đây là cô nhà, vợ thầy em ạ”. Rồi thầy quay sang người đàn bà: “Em qua đây làm gì vậy, anh đang làm việc mà”. “Em có việc gấp mà không có tiền mặt, anh đưa ví nhanh, em đi”. “Em cần bao nhiêu?”. “Anh cứ đưa cả ví đây, về nhà em trình bày sau, nhanh lên”. Thầy hơi lưỡng lự, chần chừ rút ví đưa vợ. Người đàn bà quay ngoắt và mất hút nhanh chóng sau khi cầm được chiếc ví của thầy.

Thầy Sướng là bác sĩ khoa Ngoại tại bệnh viện này, kiêm giáo viên giảng dạy của trường đại học y. Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, Du đã nghe các anh chị khóa trên xì xào tai nhau, vợ hai của thầy đẹp lắm, lại trẻ trung nữa. Thầy chiều chuộng vợ hai hết mức. Ai cũng nghĩ vì dung nhan ấy nên thầy bỏ vợ cả. Bây giờ Du mới có cơ hội chiêm ngưỡng dung nhan phu nhân của thầy. Quả là lời đồn không sai. Vợ thầy đẹp lộng lẫy, nhìn cái đã hút mắt người khác rồi.

Sau mấy ngày cùng làm việc, hai thầy trò gần gũi hơn. Trong buổi chiều hiếm hoi thưa vắng bệnh nhân, phòng im phăng phắc. Tự dưng thầy có hứng nói chuyện hồi xưa. Thầy kể về quá trình học hành gian truân, bao lần vật vã với những ca mổ khó tưởng rút kiệt sức. Có hôm ra khỏi phòng mổ, người toát hết mồ hôi, hai gối khuỵu xuống, vậy mà sau giấc ngủ, thầy lại hăm hở cầm dao mổ tiếp. Thầy bảo Du phải phấn đấu không ngừng thì mới trở thành bác sĩ ngoại khoa thực thụ và chọn con đường này cũng phải đánh đổi nhiều thứ trong cuộc đời.

Nói đến đó, giọng thầy trầm hơn, mắt thầy vời vợi nỗi buồn. Thầy im lặng một quãng. Du đã ngồi bên thầy đúng lúc thầy muốn bóc ra những tâm tư sâu kín bao lâu cho vơi bớt nỗi lòng. Thầy yêu nghề, say mê cầm dao mổ. Bây giờ có tuổi nên thầy chỉ ngồi phòng khám, chứ trước thầy mổ suốt. Lịch trực bệnh viện phân đã dày, lại hay nể đồng nghiệp nên ai nhờ trực hộ, thầy nhận lời tất. Chăm chỉ làm việc, thầy nhanh chóng trở thành bác sĩ chuyên gia hệ ngoại. Các viện khác mời dồn dập. Trường mời giảng dạy. Lịch làm việc của thầy ngày càng kín, thầy miết mải với công việc của mình quên hết mệt mỏi. Nhưng được cái này thì mất cái khác. Thầy quá bận rộn nên dành rất ít thời gian cho gia đình. Nói như người vợ cũ của thầy: “Anh như khách trọ của ngôi nhà mình”.

Không biết có phải vì thế mà người vợ đầu của thầy có bồ. Thầy sững sờ và buốt lịm tim khi phát hiện ra điều đó. Đột ngột chứng kiến người đàn ông khác ôm vợ của mình, thầy đứng chôn chân ở đó, đau đớn mà chả biết làm gì. Phải mất hai ngày, thầy mới đủ can đảm trở về ngôi nhà mình. Người mắc lỗi là vợ của thầy mà chính thầy lại không dám đối diện với cô ấy. Bỏ vợ là điều thầy chưa từng nghĩ đến. Khi thầy nói cho cô ấy nghe, thầy đã biết mọi chuyện. Cô ấy bình thản. Không ăn năn. Không lời xin lỗi. Cô ấy bảo tốt quá. Trước sau gì thì thầy cũng phải biết. Tờ giấy ly hôn ngay lập tức được đưa ra trước mặt thầy.

Người vợ thứ hai của thầy cũng đã một lần hôn nhân dang dở. Mắt cô ấy ngân ngấn nước khi kể thầy nghe phận mình buồn tủi. Thầy mở rộng vòng tay đón cả cô ấy và hai con riêng của cô ấy về nhà nuôi. Có thầy bao bọc, vợ hai thầy ngày càng xinh đẹp hơn. Vợ hai thầy chỉ ở nhà với bếp núc, nồi niêu. Nhưng hình như nhàn quá thì buồn chân, buồn tay, buồn miệng. Cô ấy đi quanh xóm khoe khoang làm bác sĩ là number one, làm nhiều tiền không có thời gian mà tiêu ấy. Họ rủ cô, nhiều tiền thì đầu tư bất động sản đi, để tiền tĩnh nó phí. Ờ, nghĩ cũng phải. Cô lao vào buôn đất. Lãi một lần, thua lỗ đâu hai ba lần.

Cửa phòng khám bỗng xuất hiện cụ già bước vào. Lưng cụ lòng khòng, dáng đi lụ khụ. Thầy mời cụ ngồi xuống ghế. Hai thầy trò nhìn qua bảng đăng ký biết cụ đã hơn tám mươi. Hỏi han A B C, thăm khám X Y Z xong, thầy kê cho cụ đơn thuốc, tỉ mẩn hướng dẫn cách uống từng loại. “Thế con cháu đâu không đưa cụ đi khám?”. Bà cụ sụt sịt kêu bị con cháu bỏ rơi, không có tiền nhưng vẫn phải đi khám vì đau lắm không chịu được. Thầy vừa lầm rầm “Ai rồi cũng đến lúc tuổi già”, vừa lục tìm trong túi áo, rút ra tờ hai trăm nghìn giúi vào tay bà cụ. “Đây, cụ cầm lấy, tôi biếu cụ, cụ ra thuê người ta chở về nhé”. Cụ bà vừa run run nói lời cảm ơn bác sĩ, vừa lật khật cầm vạt áo chấm chấm nước mắt. Dáng cụ lùi xa héo hắt như bóng chiều buông. Du phát hiện ra, ngược với giọng nói sang sảng, trái tim thầy thật dịu dàng, bao dung.

Thầy quay sang Du cười khì khì: “Sư tử nhà thầy còn lâu mới đấu lại bác sĩ. Lấy ví cũng không lột được hết tiền của thầy, túi áo bờ lu cất tiền khó kiểm soát lắm nhé”.

Du cười hùa theo với câu nói hóm hỉnh của thầy.

Điện thoại reng reng: “Du hả? Bác đang ngoài cửa bệnh viện, ra nhanh nhé, bác muốn khám cái này, hướng dẫn bác”. Du chưa kịp phản ứng, điện thoại đã cúp phụt. Du xin phép rời vị trí một lúc, rồi lao nhanh xuống sảnh. Chưa hiểu bác bị bệnh sao, nhưng nói chuyện cứ rôm rả ầm ầm bên tai, có vẻ bác hơi vui quá đà khi có cháu trai “chống chèo” ở đây. Bác đến khám sức khỏe định kỳ, chứ không triệu chứng ốm đau gì. Đang trong giờ làm việc, Du rời vị trí đi làm việc riêng cũng ngại thầy, nhưng không đi cùng bác sẽ mang tiếng có thằng cháu làm ở viện mà bác đến khám lại mất mặt. Du vội vàng đăng ký nhanh cho bác vào phòng khám. Định bụng dẫn bác lên đó rồi về vị trí làm việc. “Cậu Du, cậu đi đâu đấy?”, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nhìn Du chăm chăm. Du lí nhí, thật thà: “Em dẫn người nhà vào phòng khám”. “Thế à, về nhà đọc thêm nội quy làm việc ở đây nhé”. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ nói ngắn gọn rồi đi. Mặt Du đỏ bừng.

Tối về phòng trọ ngồi kể chuyện, thằng bạn bảo Du ngu. Đây là việc tư, làm gì cũng tham chiếu trên quy định. Tưởng bác sĩ là number one à, cũng chỉ là đứa làm thuê thôi, léng phéng phạt hết lương tháng, đói nhăn răng ra chứ chả đùa. Du trợn tròn mắt.

Đêm ấy, giấc mơ liên miên, lộn xộn đến với Du. Từ chuyện thầy Sướng bị vợ móc sạch ví, đến chuyện Du bị Trưởng phòng Tổ chức cán bộ phạt, cả tháng lương nhận về không còn một nửa. Hai thầy trò đầm đìa mồ hôi, loay hoay mãi không khâu nổi vết mổ kín miệng… Thằng bạn thấy Du ú ớ, tát bốp cái Du mới choàng tỉnh. Du thở phào. Hóa ra là mơ.

Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nam-mong-576546