Năm năm day dứt vụ nổ MH17
Ngày 17/7/2019 vừa qua đánh dấu tròn năm năm chiếc máy bay Boeing của hãng hàng không Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị trúng tên lửa và nổ tung trên bầu trời Ukraina, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn bị thiệt mạng. Trong năm năm qua, nguyên nhân vụ nổ đã được làm sáng tỏ, nhưng các bên liên quan vẫn liên tục phủ nhận trách nhiệm, chưa một nghi phạm nào bị đưa ra xét xử.
Chuyện gì xảy ra ngày 17/7/2014?
Chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, khởi hành từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia), khi bay ngang qua miền đông Ukraina, do phe ly khai thân Nga kiểm soát, đã bị trúng tên lửa và nổ tung. Toàn bộ 283 hành khách, trong đó có 196 người Hà Lan, 38 công dân Úc, và 15 thành viên phi hành đoàn bị thiệt mạng.
Những mảnh vỡ của chiếc Boeing bị bắn tung tóe vài km2 trên một khu đất rộng, gần ngôi làng Grabovo, ở Ukraina. Những mảnh thi thể nạn nhân cũng rải rác trên khắp khu vực bị nạn. Trong một đoạn video được một người dân ở làng Grabovo quay lại ngay sau khi máy bay rơi và còn bốc cháy, người ta thấy một cột khói đen nghi ngút, ngay sát một ngôi nhà, người dân nhốn nháo chạy lại, một số người cầm xô chậu mang nước dập lửa.
Cả thế giới sững sỡ vì lúc đó còn chưa hết bàng hoàng về vụ một chiếc Boeing của chuyến bay Kuala Lumpur - Bắc Kinh, cũng của hãng hàng không Malaysia Airlines, mất tích một cách bí ẩn trong đêm 8/3/2014 ở Ấn Độ Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó khẳng định máy bay MH17 bị trúng một tên lửa bắn từ một vùng do phe ly khai kiểm soát. Chỉ vài ngày sau vụ nổ, Liên hiệp châu Âu thông qua hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề với Nga, nhắm vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, quốc phòng và tài chính. Mối quan hệ giữa EU và Nga trở nên xấu hơn.
Vào tháng 5/2018, Hà Lan và Úc, hai nước có nhiều công dân bị thiệt mạng, đã công khai cáo buộc Nga chịu trách nhiệm về thảm họa trên. Khối NATO và EU ủng hộ quyết định của Hà Lan và Úc. Tuy nhiên, Matxcơva vẫn kịch liệt bác bỏ mọi liên quan và đổ lỗi cho Kiev.
Đến tháng 6/2019, 28 nước thành viên EU gia tăng sức ép với Nga. Một mặt, Bruxelles kêu gọi Matxcơva “hợp tác toàn diện” với cuộc điều tra, mặt khác, EU triển hạn hàng loạt biện pháp trừng phạt.
Cuộc điều tra tiến triển đến đâu?
Trong báo cáo đầu tiên, được công bố tháng 9/2014, các nhà điều tra quốc tế, do Sở An ninh Hà Lan (OVV) đứng đầu, khẳng định chiếc Boeing bị các “tên lửa có năng lượng cao” đâm thủng trên không.
Đến tháng 8/2015, các nhà điều tra xác định rằng nhiều chi tiết “có khả năng” vũ khí đó thuộc một hệ thống tên lửa đất đối không BUK, mà cả Nga và Ukraina đều sở hữu. Thông tin trên được tái xác nhận vào tháng 10 cùng năm.
Đến tháng 9/2016, các nhà điều tra khẳng định đã có “những bằng chứng rõ ràng” cho thấy máy bay MH17 bị một tên lửa BUK bắn hạ. Tên lửa này được đưa từ Nga sang miền đông Ukraina. Phải chờ đến tận hai năm sau, vào tháng 5/2018, các nhà điều tra mới đưa ra khẳng định tên lửa bắn hạ máy bay của Malaysia Airlines là đến từ “lữ đoàn phòng không 53 của Nga đóng tại Kursk, phía tây nước Nga”.
Diễn biến mới nhất là vào ngày 19/6/2019, tổ điều tra đã xác định bốn nghi phạm và Viện Công tố Hà Lan sẽ truy tố họ về tội giết người.
Bốn nghi phạm là ai?
Trong số bốn người bị cáo buộc, có ba người Nga Serguei Doubinski, Igor Guirkine, Oleg Poulatov và một người Ukraina Leonid Khartchenko, đều là lãnh đạo cấp cao trong phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina, sẽ là những người đầu tiên bị đưa ra xét xử trong vụ này.
Theo chưởng lý Hà Lan Fred Westerbeke, “cả bốn bị cáo buộc đã áp tải hệ thống tên lửa đối không BUK vào miền đông Ukraina” và “đã gây ra vụ nổ máy bay” MH17.
Phiên xử sẽ diễn ra ngày 9/3/2020 tại tòa án Schiphol, ngoại ô Amsterdam. Năm 2018, các nghị sĩ Hà Lan đã phê chuẩn một thỏa thuận ký với Ukraina để tất cả các phiên xử liên quan đến thủ phạm vụ nổ máy bay MH17 sẽ diễn ra ở Hà Lan.
Dĩ nhiên có rất ít khả năng là bốn người trên trên trình diện tại tòa, vì Nga và Ukraina không dẫn độ công dân bị truy tố ở nước ngoài. Cả bốn người này có thể bị xử vắng mặt.
Ngay khi cảnh sát Hà Lan công bố danh tính của bốn nghi phạm, Igor Guirkine, được mệnh danh là “Strelkov” (lính bắn tỉa), đã phủ nhận trách nhiệm của phe ly khai thân Nga, khi tuyên bố “chiếc Boeing không bị phe ly khai bắn hạ”.
Trong thông cáo ngày 19/6/2019, Bộ Ngoại giao Nga lên án “những cáo buộc vô căn cứ nhằm giảm uy tín Liên bang Nga trước cộng đồng quốc tế”. Phía Bộ Ngoại giao Ukraina thì kêu gọi Nga “thừa nhận trách nhiệm và hợp tác với cuộc điều tra quốc tế”.
Cuối tháng 6/2019, cơ quan an ninh Ukraina đã bắt Volodymyr Tsemakh ở Snizhne, một thành phố nhỏ cách Donetsk khoảng 80km. Mùa hè 2014, khi xảy ra vụ máy bay rơi, Volodymyr Tsemakh chỉ huy một lữ đoàn phòng không địa phương.
Để đưa nhân vật này ra khỏi miền đông và đến khu vực do Kiev quản lý, một người tham gia bắt phải đóng giả là một người tàn tật ngồi trên xe lăn và dường như đã chuốc thuốc mê viên sĩ quan ly khai này. Ukraina hy vọng vụ bắt giữ và xét xử Volodymyr Tsemakh sẽ mang lại những tiết lộ mới về vụ máy bay MH17 bị bắn rơi.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Các nhà điều tra không loại trừ khả năng đưa ra pháp luật những nghi phạm khác trong tương lai. Hiện họ đang truy tìm tung tích các thành viên của đội điều khiển hệ thống tên lửa BUK lúc đó và “những người có thể đóng vai trò mắt xích”.
Hồng Nga
Loading...
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/nam-nam-day-dut-vu-no-mh17-463973.html