Năm nay sẽ không có đợt nắng nóng kéo dài
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa hè năm nay sẽ không có các đợt nắng nóng kỷ lục như năm 2020. Các hình thế thời tiết cực đoan, thiên tai như năm 2020 cũng ít có khả năng xảy ra.
Cảnh báo nguy cơ cao dông, lốc sét
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho hay, cuối tháng 3, đầu tháng 4, miền Bắc đón đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè 2021.
Tuy nhiên, khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Đông chịu tác động của một hình thế khác nên nhiều mây và ngăn cản đà tăng nhiệt. Sau đó, hình thế này sẽ trôi về phía biển Đông, nền nhiệt khu vực Bắc Bộ sẽ tăng nhanh. Nền nhiệt của Hà Nội sẽ ở mức 34 - 35 độ C hoặc cao hơn.
Trong tháng 4/2021 vẫn còn những đợt không khí lạnh yếu. Hai hình thái thời tiết này có khả năng gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, mưa đá rất mạnh. Đây là cảnh báo khẩn thiết đến người dân, mức độ cảnh báo còn cao hơn cả nắng nóng. Người dân cần có các biện pháp phòng tránh.
“Không khí lạnh trong các đợt giao mùa cộng với tác động của hình thái thời tiết rãnh thấp phía Tây sẽ tạo nên các đợt mưa đá mạnh. Khoảng từ ngày 4 - 6/4 sẽ có một đợt không khí lạnh tác động yếu, cùng lúc hình thái thời tiết rãnh thấp phía Tây sang, không khí lạnh tầm thấp kết hợp với gió lạnh phía Tây sẽ gây ra đợt mưa rào và dông diện rộng ở Bắc Bộ.
Khả năng rất cao ở khu vực Tây Bắc, vùng núi Bắc Bộ sẽ có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, mưa đá, sấm sét mạnh”, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết thêm, trong tháng 4, nắng nóng có thể xuất hiện ở Tây Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là giai đoạn xuất hiện nắng nóng đầu tiên của mùa.
Phía Đông Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng muộn hơn, sang cuối tháng 5, đầu tháng 6 và tháng 7 mới xuất hiện cao điểm nắng nóng. Từ tháng 8 thì nắng nóng ở Bắc Bộ sẽ giảm dần, Trung Bộ kéo dài hơn. Khu vực Hà Nội sang đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới xuất hiện nắng nóng cao điểm.
“Năm 2021, nhiều khả năng khí hậu sẽ ôn hòa hơn so với năm 2020. Cụ thể thiên tai vẫn có thể xảy ra trong các tháng cao điểm như tháng 10, tháng 11, tuy nhiên mức độ không khủng khiếp và dồn dập như năm 2020”, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.
La Nina khiến nền nhiệt mùa hè thấp
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, một trong những chỉ số thời tiết mùa hè quan trọng nhất chính là chỉ số tia UV. Đây cũng là một trong những sản phẩm mới mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thực hiện dự báo từ năm 2020. Khoảng thời gian có tia UV cao nhất là từ 9 – 17 giờ. Trong những ngày trời quang mây và có nắng, tia UV sẽ rất cao. Khi thấy chỉ số tia UV từ 6 - 7 có thể coi là mức cao, đặc biệt là có những ngày sẽ trên 10 là mức ảnh hưởng rất cao. Trong những ngày này, khi ra ngoài đường, cần có các biện pháp bảo vệ mắt, da. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tránh tác hại của tia UV.
Năm 2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương) gây nắng nóng kéo dài và gay gắt tại khu vực Trung Bộ.
Sang năm 2021, chúng ta chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina (La Nina hay còn gọi là “bé Hài Đồng nữ” là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nó đi qua lạnh đi dị thường), nên xu hướng nhiệt trong các tháng chính hè (từ tháng 5 - 8/2021) ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và có một vài thời điểm thấp hơn.
Với xu hướng như vậy, nắng nóng mùa hè năm 2021 tại Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ không gay gắt như nắng nóng năm 2020.
Nắng nóng ở Nam Bộ đã xuất hiện ở nửa đầu tháng 3/2021 nhưng chưa xảy ra nắng nóng diện rộng (trong thời gian cuối tháng 4/2021 mới xảy ra nắng nóng diện rộng).
Dự báo, nắng nóng ở Nam Bộ sẽ kéo dài đến khoảng giữa tháng 4/2021, từ giữa tháng 4/2021 trở đi bắt đầu chuyển mùa ở khu vực này, do vậy Nam Bộ sẽ xuất hiện những cơn mưa dông điều này cũng đồng nghĩa với nắng nóng giảm dần
Với xu hướng nắng nóng không còn kéo dài, không gay gắt thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ trong tháng 4/2021 sẽ giảm dần. Sang tháng 5/2021 là tháng mưa tại Nam Bộ sẽ làm giảm tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực này.
Tuy nhiên, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ 11 - 14/4, 24 - 30/4; trên sông Cái Lớn tăng cao trong các đợt từ 30/3 - 7/4, 15 - 24/4. Từ tháng 5/2021, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm dần.
Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ nay đến tháng 6/2021 xâm nhập mặn giảm dần, dòng chảy phần lớn trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 - 50%, một số sông thấp hơn 60%.
Trong tháng 4/2021 và tháng 5/2021, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Tình trạng khô hạn cục bộ xảy ra gay gắt hơn tại những nơi ở xa vùng cấp nước của công trình thủy lợi.
Ông Hoàng Phúc Lâm cho hay, theo dự báo, mức độ hạn hán năm nay sẽ không gay gắt như mùa khô năm ngoái. Các tác động với sản xuất nông nghiệp không nghiêm trọng song vẫn phải lưu ý ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt sản xuất hàng ngày của người dân.