Nằm nghe Thu Bồn hát...

Dòng Thu Bồn những ngày mùa xuân, xanh trong và thư thả, bình yên và hiền hòa. Lặng ngắm cái nhịp chảy trôi khoan thai đến bất ngờ ấy, tuyệt không thể tìm thấy bóng dáng của dòng Thu Bồn từng quằn quại trong đau thương và đỏ ngầu giận dữ. Dòng sông của cách đây vài thập kỷ, từng là chứng nhân lịch sử về mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao thế hệ người đã đổ xuống, để hiện thực hóa khát vọng hòa bình...

Sông Thu Bồn nơi thượng nguồn.

Xứ Quảng nơi tuyến đầu chống Mỹ. Nỗi đau, mất mát, hy sinh và sự can trường, quả cảm thì chẳng thể có ngôn từ nào tả xiết. Trong tột cùng đau thương, dường như mỗi ngọn núi, dòng sông cũng bật lên nhân tính, cũng thức dậy nỗi căm hờn, cũng kêu gào đòi quyền sinh tồn trước kẻ thù xâm lược. Để rồi, đáp lại tiếng gọi của dòng sông, cách đó hơn 600 cây số từ sông Mã, ý chí tranh đấu cũng sục sôi và hun đúc nên tinh thần quyết chiến - quyết thắng cho hàng trăm, hàng nghìn chàng trai sông Mã. Họ đã lên đường với quyết tâm “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” và trong tim mỗi người luôn cất cao câu hát “Uống nước Thu Bồn, nhớ nguồn sông Mã/ Điệu hò khoan, hòa với điệu dô ta”. Họ là những chàng trai Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn anh hùng – một biểu tượng chói ngời về tình đoàn kết thủy chung và rất mực nhân ái của con người xứ Thanh – xứ Quảng.

Nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng chi viện cho Quảng Nam kết nghĩa, tháng 8-1967, Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn được thành lập (tại xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành). Sau thời gian huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và được trang bị đầy đủ, tháng 1-1968, tiểu đoàn đã làm lễ ra quân, với 500 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 5 đại đội. Với niềm tin và quyết tâm cao độ, cùng tinh thần vượt lên gian khổ, mưu trí dũng cảm, trong giai đoạn từ năm 1968 - 1975, tiểu đoàn đã chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, Ngụy. Đặc biệt, đã diệt gọn 5 đại đội địch, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Ngụy và một tiểu đoàn Nam Hàn, diệt gọn quân địch ở quận lỵ Đức Dục. Đặc biệt, tiểu đoàn đã luồn sâu, áp sát, giết nhiều tên ác ôn khét tiếng, nhằm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của nhân dân vùng bị địch chiếm đóng.

Tuy vậy, bấy nhiêu chỉ là những nét khái quát nhất về hoạt động và chiến công của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn trên đất Quảng Nam. Bởi, phía sau mỗi con số, mỗi trận đánh, mỗi địa danh, mỗi tên đất, tên làng và tên người, đều gắn liền với biết mấy câu chuyện, vừa đậm tinh thần anh hùng ca, vừa thấm đẫm máu. Trên hành trình tìm lại dấu vết đoàn quân Nam tiến thưở nào, chúng tôi may mắn còn được gặp gỡ, trò chuyện cùng những nhân chứng sống bước ra từ chảo lửa Quảng – Đà. Họ, những cựu binh của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn ngày ấy, có người quê Thanh Hóa, có người quê Quảng Nam, Đà Nẵng... Và dù đã qua cái thời tráng niên, minh mẫn từ lâu, nhưng những đoạn ký ức về chiến tranh và chiến đấu, thì dường như vẫn luôn thường trực trong tâm trí mỗi người.

Đại tá Nguyễn Xuân Ngọc, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn (hiện sống tại TP Đà Nẵng), đã kể lại một trận đánh chớp nhoáng và táo bạo của tiểu đoàn. Đó là trận đánh diễn ra vào lúc 4h sáng của một ngày đầu tháng 2-1972. Quân ta chỉ vẻn vẹn 50 người, đã lặng lẽ vượt sông Thu Bồn và áp sát đồn địch. Trận đánh diễn ra khoảng 15 phút, quân ta đã diệt gọn 2 đại đội địch mà chỉ bị thương duy nhất 1 đồng chí. Trận đánh này là một ví dụ mẫu mực cho cách đánh đặc trưng của lính đặc công. Đó là bí mật, luồn sâu, ép sát, lấy ít đánh nhiều và đánh kiểu “nở hoa trong lòng địch” (đánh từ trung tâm của địch đánh ra ngoài).

Nhưng chiến tranh vốn là “bạn đường” của máu và nước mắt. Cho nên, sự hy sinh của người lính trên chiến trường là khó tránh. Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đã nhắc lại điều đó trong một bài viết của mình. Đó là trận Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn đánh quận lỵ Duy Xuyên năm 1970. Nhưng do đánh không gọn, dẫn đến thương vong lớn. Quân địch đã đào hố và chôn tất cả chiến sĩ hy sinh vào đó. Nấm mộ tập thể này mãi đến năm 1991 mới được phát hiện, khai quật và quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Sự ác liệt của chiến trường Quảng Nam, còn được ông Nguyễn Xuân Na (một người con xứ Thanh đã xung phong đi B và được cử vào Quảng Nam công tác tại Ban sản xuất của tỉnh từ năm 1969), kể lại trong một bài viết của mình: “Hằng ngày đi công tác ở đồng bằng, gặp những mả mới chôn, những xác chết do bom đạn địch của cán bộ, bộ đội, của nhân dân nằm phơi trên đường, không ai dám chôn cất. Quân thù vô cùng dã man tàn ác, chúng phục kích có khi đến 4 - 5 ngày, nếu ai ra lấy xác và chôn cất là bị chúng bắn tiếp”.

Thế nhưng, những người lính đặc công ấy vẫn trụ vững, trong những năm tháng đầy cam go, ác liệt. Bởi may mắn, họ luôn nhận được sự che chở, đùm bọc của nhân dân Quảng Nam. Cựu binh Lê Quang Phúc, một trong số không nhiều lính đặc công Lam Sơn “lứa đầu” còn mạnh khỏe (hiện ông đang sống tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa), bồi hồi nhớ lại: Trước khi vào trận đánh, mỗi người lính đặc công đều xác định có đi mà không có về! Ác liệt là vậy, nhưng điều khiến ông nhớ hơn cả là những ngày đầu mới đặt chân vào chiến trường và được sắp xếp ở tại nhà má Kham (xã Điện Thắng). “Thấy chúng tôi, má hỏi “Quảng Nam khổ quá, ác liệt quá, sao các con lại vào đây?”. “Chúng con vào đây để chiến đấu, để giải phóng đồng bào và Quảng Nam là một tỉnh kết nghĩa với Thanh Hóa”. Nghe vậy, má rưng rưng xúc động. Nhà má nằm sát vùng giáp ranh giữa ta với địch, ác liệt và thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, má vẫn dành phần khoai, phần sắn cho những người lính má xem như ruột thịt”, ông Phúc kể.

Những nhân chứng sống của cuộc chiến như má Kham (Doãn Thị Trọng), hay má Giang Thị Tơ có 4 người con đều theo cách mạng, bản thân má đã nuôi giấu 3 cán bộ Thanh Hóa như con đẻ, bất chấp cái chết luôn rình rập. Rồi những người như cô Năm, em Hợi, anh Tám dám “thi gan” với kẻ thù, để che chở, nuôi giấu và quyết không khai chỗ cán bộ người Thanh Hóa nằm hầm. Và họ còn là hàng nghìn, hàng vạn con người bình thường khác của đất Quảng. Vậy sức mạnh ấy từ đâu mà có? Câu hỏi đã ám ảnh những người lính già, từng trải hơn nửa đời trận mạc, chỉ có thể được trả lời: Đó là bởi niềm tin, là khát vọng yên hàn và tình cảm ruột thịt. Họ tin vào chiến thắng để hiện thực hóa khát vọng yên hàn cho xứ sở mình. Và họ dùng tình cảm ruột thịt để ứng xử với những người con xứ Thanh. Đó là tình cảm thiêng liêng mà chỉ có nó, nhờ nó và vì nó, con người mới có thể hy sinh cho nhau không toan tính. Cũng vì nó mà các chàng trai xứ Thanh đã ra đi “Chẳng nuối tiếc tuổi xanh, gửi vầng trăng ở lại!” và nằm lại xứ Quảng như mảnh đất chôn rau cắt rốn vậy.

Hàng trăm chàng trai vùng sông Mã góp mặt trong Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, có thể coi là một thế hệ “tinh hoa” của xứ Thanh. Bởi phần đa đều ở độ tuổi đôi mươi, trẻ trung, hào sảng, có ý chí, nghị lực, được lựa chọn kỹ càng và nhiều người còn đang ngồi trên giảng đường đại học. “Nếu họ còn sống sẽ nảy sinh biết bao cuộc đời mới. Như con sông Thu Bồn tỏa ra các nhánh, mạch với tên gọi khác nhau, rồi tụ lại nối với Trường Giang dài rộng đổ ra Cửa Đại, Hội An về tận cửa biển Kỳ Hà” (Từ Nguyên Tĩnh, “Truyền thuyết sông Thu Bồn”). Nhưng, có những sự kết thúc là để khởi đầu và có những cái chết để khởi nguồn cho sự sống mới. Vậy nên, máu xương của những người trẻ tuổi đã góp phần làm nên chiến thắng cho xứ Quảng, cũng là chiến thắng của xứ Thanh, chiến thắng của dân tộc Việt Nam.

Nơi các anh nằm lại có “Sông Thu Bồn trăng sáng như gương/ Gợi nhớ những điệu hò sông Mã/ Cánh đồng Triệu Sơn nhớ ruộng đồng Quế Sơn trải lụa/ Điệu hát Thăng Bình giục mùa năm tấn Đông Sơn” (Hữu Ngôn). Nước Thu Bồn từng che chở các anh trước kẻ thù, thì giờ sóng Thu Bồn lại vỗ về các anh trong giấc ngủ dài. Thu Bồn cũng như người xứ Quảng đã bao bọc các anh trong những năm chiến đấu tại thung lũng này. Để rồi, không ai khác, chính những người nằm xuống ấy đã kết nên sợi dây gắn bó máu thịt cho hai vùng đất, xuyên từ quá khứ về hiện tại và sẽ còn nối dài để hướng mãi về tương lai.

Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nam-nghe-thu-bon-hat/115538.htm