Nằm ngoài đáp án

Trước kia, tôi dạy ông nội nó học lớp bổ túc văn hóa - sau này gọi là giáo dục thường xuyên, cùng lúc cha mẹ nó là học trò tôi dạy chương trình phổ thông, bây giờ cha nó dẫn nó đến nhờ tôi hướng dẫn để thi vào lớp 10 trường chuyên. Tính ra đến nó như thế là 3 đời.

Nằm ngoài đáp án

Một cách làm bài

Tôi nói sao không nhờ thầy cô dạy ở trường ôn cho cháu, chứ tôi đã nghỉ từ lâu rồi, làm sao kinh nghiệm bằng thầy cô đang đứng lớp. Với lại thời gian thi còn có bao ngày nữa đâu. Cha nó cười hì hì, cứ nghĩ thấy tôi hay viết bài – sáng tác đăng báo, xem đó là cơ sở đáng tin cậy, nói nhờ tôi kiểm tra xem nó có khả năng thi vào lớp 10 chuyên văn được không. Nhờ tôi kiểm tra xem thử, nghe thế cũng không còn cách từ chối, nên tôi lấy giấy bút và ra một đề nghị luận để xem sức viết của cháu đến đâu. Đề bài rất quen thuộc, không có gì mới: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi.” (Quê hương – Đỗ Trung Quân). Dựa vào ý thơ trên, em hãy viết bài nói lên cảm nghĩ của em về quê hương. Tôi bảo nó vào thư phòng của tôi để làm bài, thời gian là 60 phút, còn tôi với cha nó ở bên ngoài nói chuyện ngồi chờ.

Ảnh minh họa: N.Lân

60 phút sau, nó đem bài cho tôi xem. Rõ ràng nó có sức viết, chỉ trong 1 giờ mà nó viết đến 5 trang giấy vở, trình bày ý tứ rõ ràng, nhưng lại là một cách làm bài rất lạ của nó. Sau khi giới thiệu mấy câu thơ trong đề, nó nói, đọc mấy câu thơ gợi cho em nhớ về câu chuyện con cá hồi. Kể rằng: Trong các loài vật có con cáo được đi vào tục ngữ dân gian: “Cáo chết quay đầu về núi”, tức hướng về cái nơi nó sinh ra, lớn lên, nhưng con cá hồi đặc biệt hơn gấp nhiều lần so với con cáo mà chưa thấy dân gian nhắc đến. Đó là loài cá sống được cả hai loại nước: nước mặn và nước ngọt. Nó sinh ra ở đầu nguồn sông, rồi di cư ra biển lớn sinh sống. Cứ theo chu kỳ, hàng năm đến mùa sinh sản, những con cá hồi ở ngoài đại dương nước mặn mênh mông tìm mọi cách để trở về với những dòng sông nước ngọt trong đất liền, chuẩn bị cho việc sinh sôi nòi giống. Cuộc hồi hương của những con cá hồi là một hành trình đi ngược dòng nước vô cùng vất vả, chẳng khác nào cá chép vượt vũ môn. Nhưng con cá hồi trong suốt hành trình hồi hương còn gian lao nguy hiểm gấp mấy lần con cá chép. Những con vượt thác không nổi, rớt lại, hay qua những vùng nước cạn không nhanh chóng di chuyển sẽ bị gấu chực sẵn trên bờ vồ lấy ăn thịt. Những con vượt thác được, sức lực ngày càng yếu, lúc ấy nó còn một kẻ thù nguy hiểm nữa, nếu né tránh không khéo sẽ bị loại ó cá lao xuống nước chụp bắt. Vì thế mà mỗi chuyến hồi hương với hàng vạn con cá hồi đó chỉ còn sống sót được một số ít thôi để về đến quê hương thực hiện nhiệm vụ quan trọng của đời mình, nghĩa là tìm cho được con đực để giao hợp, rồi đẻ trứng. Cuối cùng những con cá mẹ đó chết một cách bình yên chính trên quê hương, xứ sở mà mình sinh ra. Còn những trứng khi nở ra con, đến mùa xuân ấm áp, chúng lại xuôi dòng bơi ra tận bể khơi sinh sống. Rồi đến cuối đời, cũng như mẹ nó, quay về lại quê hương với những cuộc hành trình đầy gian khổ.

Liên hệ đáng trân trọng

Hôm trước, bạn em nói, ông bà nội của nó ở bên Mỹ, năm nay già lắm rồi, muốn những ngày cuối đời được về sống trên quê hương, nhưng do nạn dịch Covid-19 đang hoành hành nguy hiểm, nên chưa về được. Lại gợi cho em nghĩ đến những con cá hồi. Con cá còn thế, huống chi con người, bởi “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi.” Theo em, quê hương là cái gì sâu kín quý lắm và rất thiêng liêng trong tâm hồn, trong cuộc đời của mỗi con người, chỉ biết mượn hình ảnh so sánh thế thôi, chứ khó mà nói hết được lòng người khi thể hiện tình quê.

Tôi đọc xong rồi đưa bài cho cha nó đọc. Cha nó hỏi tôi, viết như thế này thì như thế nào? Tôi nói, theo tôi thì nó có khả năng học lớp chuyên văn tốt đấy, nhưng với đề thế này người làm đáp án sẽ không giống như bài viết của cháu. Cha nó trầm ngâm một lúc rồi nhìn tôi, đúng là môn văn còn nhiều vấn đề nghe phức tạp quá thầy nhỉ! Tôi nói, tuy không sát với đáp án, nhưng biết đâu, có thầy cô chấm bài cũng có cái nhìn như tôi thì có sao đâu.

Võ Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/nam-ngoai-dap-an-138093.html