Năm Nhâm Dần 2022 nói chuyện hổ trong văn hóa dân gian

Năm 2021 Tân Sửu đã hết, chúng ta sẽ bước qua một năm mới - Xuân 2022 Nhâm Dần (năm con hổ). Con hổ được mệnh danh là chúa sơn lâm, hình tượng lẫm liệt, oai phong này cũng đi vào văn hóa dân gian với nhiều gam màu, sắc thái và trở thành nguồn cảm hứng để mọi người cùng sáng tạo và thưởng thức.

Hình tượng con hổ đã gắn bó hàng nghìn năm nay trong văn hóa Việt với cả sự trân trọng. Riêng hổ trong những bức tranh Đông Hồ từ xa xưa đã trở thành mẫu mực trong tranh dân gian Việt Nam. Người Việt Nam thường gọi con hổ với cách rất trân trọng, là: ông hổ, ông ba mươi, ông cọp, ông hùm… con hổ trong âm lịch được gọi là dần.

Chính vì thế nên hình tượng con hổ có mặt trên khắp các phù điêu bằng gỗ, đá, đồng, ở các đền đài, chùa chiền hay lăng miếu. Thường là “Hổ vồ mồi,” hay “Hổ ngắm trăng”… để diễn tả sức mạnh, ý chí và khai thác chất thơ trong cái oai của chúa sơn lâm. Đây là những tác phẩm điêu khắc đẹp trong nền nghệ thuật cổ Việt Nam. Hình tượng con hổ trong các đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác đồ phong thủy, trang trí, trang sức cũng được coi trọng.

Một họa phẩm về hổ trong tranh. Ảnh: KGT

Một họa phẩm về hổ trong tranh. Ảnh: KGT

Tất cả góp phần khẳng định vị trí hình tượng con hổ trong văn hóa Việt - khi được tôn thờ và là hình tượng phổ biến đầy ấn tượng trong đời sống dân gian của người Việt với tục thờ hổ hay thờ thần hổ ở nhiều vùng miền. Các đình, chùa người Việt hầu như đều có một khoảng không gian riêng thờ tự “Ông hổ” thường gọi là thờ “Bạch hổ sơn quân”.

Đặc biệt ở vùng sông nước Tây Nam Bộ ở thế kỷ XVI, XVII, khi lưu dân đến khai phá đất Nam Bộ, một vùng hoang dã “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”, tạo nên tâm lý sợ hãi và tôn kính con hổ, bởi vì thế nên người dân lập đình, miếu thờ ông hổ như một nhu cầu thiết thực đối với đời sống tâm linh, người ta lại khói hương nghi ngút, khấn vái thành kính, làm heo cống nạp loài vật được cho là thú dữ. Chính vì thế mà vùng đất Nam Bộ có nhiều giai thoại về ông hổ và tên địa danh từ hổ như: Rạch Gầm (Tiền Giang) là nơi trước có nhiều cọp và chúng gầm thét vang động cả một vùng nên có tên Rạch Cọp Gầm, về sau gọi tắt thành Rạch Gầm. Đìa Cứt Cọp (Bến Tre) là nơi có nhiều cọp tụ tập lại săn mồi và phóng uế bừa bãi, Sân Ngự (Bến Tre) là nơi theo truyền thuyết hàng năm vào mùa khô, cọp từ các nơi tụ tập về đây gọi là cọp hội dưới sự đầu lĩnh của chúa cọp bạch ba chân…

Khi nói về sự nghiệp truyền đời, người con giỏi không kém gì người cha, làm vinh hiển gia đình, đất nước thì dân gian ví “Hổ phụ sinh hổ tử”; “Hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con” là nói về tình yêu bao la mà bậc làm cha, làm mẹ dành cho con cái; những nơi nguy hiểm chết người thì được dân gian gọi là “hang hùm”, miệng nói còn trêu vào những thủ lĩnh có quyền sinh, quyền sát mà không sợ thì được ví là dám “vuốt râu hùm’’. Ngược lại những người trước đó rất dũng mãnh nhưng do gặp hoàn cảnh đặc biệt họ bị khuất phục, dân gian có câu “Hùm thiêng khi đã sa cơ cùng hèn”. Hay bàn về sự uy dũng của hổ mà không có một con vật nào sao chép được đó là “Hổ xú hùng tâm tại” tức con hổ về già xấu xí nằm yên một chỗ nhưng hùng tâm của hổ vẫn còn, chẳng một con vật nào dám qua mặt. Đây là ý dân gian muốn ca ngợi những vị anh hùng tuy tuổi đã cao, nhưng khí phách, hào khí vẫn không bị mất đi, vì thế chẳng một ai dám xem thường…

Bên cạnh đó, trong ngôn ngữ, nghệ thuật, nhất là văn chương, thơ, phú, thành ngữ, tục ngữ người ta vẫn dùng đến hình ảnh con hổ với nhiều tác phẩm nổi tiếng có sự hiện diện của loài hổ như: Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời, Thỏ rừng và hùm xám… Hổ được nhắc đến trong các tác phẩm văn học thời cổ như: Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Mãnh hổ hành của nhà thơ Nguyễn Hành... Cũng như những tác phẩm thời kỳ cận đại và hiện đại như: Đường rừng của Lan Khai, Tây Tiến của Quang Dũng, Như những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp… Đặc biệt là bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ khi tác giả mô tả chân thực cảnh một con hổ trong vườn bách thú và hình dung ra hình ảnh của nó khi tự do trong rừng, thông qua hình ảnh con hổ, Thế Lữ dùng để biểu tượng về hình ảnh của một đất nước, dân tộc Việt Nam đang thời kỳ Pháp thuộc, trong đó câu than thở “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu” đã trở nên trứ danh, câu nói cửa miệng của nhiều người.

Thạc sĩ Võ Thành Hùng - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn, “Long Hổ hội” là điệu múa được nhiều thế hệ nghệ nhân cung đình Huế sáng tạo dựa trên cơ sở điệu múa tứ linh, là điệu múa được sáng tạo nhằm biểu hiện những sinh hoạt của hai loài vật hổ và long (rồng). Long và hổ vờn nhau thể hiện cuộc sống thanh bình, đất trời hòa hợp và cái đẹp chân thật của bản năng, điệu múa này được biểu diễn trong các ngày Gia Long khai quốc, Hưng quốc khánh niệm và những ngày khánh hỷ trong cung để cầu mong đất trời hòa thuận, người dân được hưởng thái bình an lạc”.

Ở lĩnh vực quân sự thời phong kiến, con hổ biểu tượng cho các vị võ tướng (hổ tướng) và thường được thêu trên áo các võ quan hàng tứ phẩm. Nơi ở và làm việc của quan võ, doanh trại của tướng quân chỉ huy quân sự cổ được gọi là hổ doanh hay hổ quân doanh, cánh cổng vào doanh trại được gọi là hổ môn, cửa ra vào dinh của các tướng soái hay khu vực làm việc có treo bức trướng thêu hình hổ gọi là Hổ trướng. Trong võ cổ truyền Việt Nam, võ hổ xuất hiện khá nhiều như Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền, Hổ trảo…

Tiến sĩ Huỳnh Vũ Lam - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Con hổ là con vật có thật, sống trong môi trường tự nhiên hoang dã và có khả năng uy hiếp đến an toàn tính mạng của con người nếu gặp phải. Trong lịch sử khai khẩn của người Việt, không ít lần con người chinh phục hổ và cũng không ít lần con hổ hại người. Có thể nói, trên thực tế, hổ là con vật đáng sợ đối với người vì sức mạnh và thói quen ăn thịt. Tuy nhiên, con người cũng thuần phục được hổ và nhốt trong các vườn thú hay làm xiếc. Khi đi vào văn hóa, người Việt Nam đã biểu trưng hóa hình tượng hổ (giống như nhiều đối tượng có sức mạnh khác) thành một thế lực có khả năng bảo trợ cho xóm làng (thần hổ thờ ở đình miếu). Thậm chí thành những vị gia thần, bảo trợ cho các thành viên trong gia đình (dán hình hổ trên đầu giường đứa trẻ). Hổ còn được đưa lên tranh thờ của gia đình với ý nghĩa sức mạnh bảo trợ cho dòng họ. Đây là nét suy nghĩ độc đáo của người Việt trong văn hóa ứng xử với tự nhiên”.

H.P

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nam-nham-dan-2022-noi-chuyen-ho-trong-van-hoa-dan-gian-53418.html