Nam Phi: Tổng thống đối mặt nguy cơ luận tội
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang đối mặt một cuộc điều tra về cáo buộc ông 'hành vi sai trái nghiệm trọng' sau khi che giấu, không công khai việc bị mất trộm tài sản tại nông trại gia đình cách đây 3 năm. Các đối thủ và phe chống đối ông tận dụng việc này để gây áp lực đòi ông từ chức, tạo nên cuộc đấu đá quyết liệt để giành quyền lãnh đạo đảng cầm quyền Đại hội dân tộc Phi (ANC).
Cuộc đấu tranh quyền lực diễn ra sau khi một ủy ban điều tra độc lập do quốc hội bổ nhiệm cho biết có bằng chứng cho thấy Tổng thống Ramaphosa đã có “hành vi sai trái nghiêm trọng” sau khi hàng triệu USD tiền mặt bị đánh cắp từ trang trại săn bắn tư nhân của ông gần 3 năm trước. Ông bị cáo buộc giữ ngoại tệ không khai báo, trốn thuế, không thông báo cho cảnh sát về vụ trộm và lạm dụng tài nguyên nhà nước.
Theo báo cáo, có khoảng từ 500.000 đến 5 triệu USD đã bị đánh cắp từ trang trại săn bắn của ông Ramaphosa tại Phala Phala, tỉnh Limpopo vào đầu năm 2020. Số tiền này dường như không được khai báo theo các quy định nghiêm ngặt về rửa tiền và thuế ngoại tệ của địa phương. Hành vi trộm cắp cũng không được báo cáo với cảnh sát. Thay vào đó, một vệ sĩ của tổng thống được giao nhiệm vụ truy tìm số tiền bị trộm và cho tiền thủ phạm. Truyền thông địa phương gọi vụ bê bối là Farmgate.
Ông Cyril Ramaphosa lên làm Tổng thống Nam Phi vào năm 2018 và lãnh đạo đảng ANC cầm quyền giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 1 năm sau đó. Ông đã vận động tranh cử trên cương lĩnh chống tham nhũng, thu hút được nhiều sự ủng hộ sau 9 năm cầm quyền đầy sóng gió của người tiền nhiệm Jacob Zuma, người đã bị buộc phải từ chức vì loạt bê bối. Kể từ đó, ông Ramaphosa chật vật thúc đẩy cải cách đất nước và vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ những người trung thành với ông Zuma.
Từng là nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động và từng được lãnh tụ Nelson Mandela ủng hộ làm Tổng thống Nam Phi, ông Ramaphosa đã kiếm được khá nhiều tiền với tư cách là một doanh nhân khi ông tạm rời khỏi chính trường. Ông thích chăn nuôi các loài động vật có giá trị. Những lợi ích thương mại này hiện đang đe dọa kết thúc sớm sự nghiệp chính trị của ông.
Ngày 2/12, Bộ trưởng Tài chính Enoch Godongwana cho biết ông nghĩ Tổng thống Ramaphosa khó có thể từ chức. Còn ông Gwede Mantashe, Chủ tịch đảng ANC, phủ nhận việc tổng thống đang cân nhắc từ chức và nói rằng tổng thống đang dành thời gian để thẩm vấn và kiểm tra các báo cáo. Ông Mantashe nói với đài truyền hình địa phương Newzroom Afrika: “Quan điểm của riêng tôi là sẽ quá sớm nếu tổng thống từ chức mà không có thủ tục hợp pháp”.
Hầu hết các quan chức của ANC đều nhận ra rằng đảng này sẽ chịu tổn thất lớn nếu ông Ramaphosa, người được cử tri yêu mến, không tiếp tục dẫn dắt chiến dịch tranh cử của đảng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024.
Nhưng, hai bộ trưởng khác trong nội các của ông Ramaphosa là Nkosazana Dlamini-Zuma, người từng thua ông Ramaphosa trong cuộc tranh cử chức vụ lãnh đạo đảng ANC năm 2017 và Bộ trưởng Du lịch Lindiwe Sisulu, người đang vận động tranh chức lãnh đạo đảng ANC, đã kêu gọi tổng thống từ chức. Một loạt nhân vật được cho là thân cận với cái gọi là phe Chuyển đổi kinh tế cấp tiến (RET), bao gồm nhiều người ủng hộ cựu Tổng thống Jacob Zuma, cũng như Hiệp hội Cựu quân nhân của ANC có liên hệ với cựu Tổng thống Zuma, đều đồng loạt kêu gọi ông Ramaphosa từ chức.
Ông Zuma buộc phải thoái vị vào năm 2018 trong bối cảnh bị hàng loạt cáo buộc tham nhũng và quản lý kém, nhiều cáo buộc sau đó đã được chứng minh bằng một cuộc điều tra tư pháp. Các quan chức đã đổ lỗi cho những người ủng hộ ông đã xúi giục các cuộc biểu tình bạo lực và cướp bóc vào năm ngoái để chống đối ông Ramaphosa, gây ra một trong những vụ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ ở Nam Phi.
Phe cánh của cựu Tổng thống Zuma đã phản đối quyết liệt việc ông Ramaphosa làm Tổng thống Nam Phi, cáo buộc ông xuôi theo chủ nghĩa tư bản quốc tế và thiểu số da trắng giàu có ở Nam Phi. Các nhà phân tích cho rằng vụ việc ông Ramaphosa vị điều tra, luận tội là cơ hội tốt nhất để họ nắm quyền kiểm soát đảng ANC kể từ khi ông Zuma thoái vị.
Hơn 80 quan chức của Ủy ban điều hành quốc gia của ANC (NEC) đã không thể đi đến quyết định về việc có ủng hộ tổng thống hay không sau nhiều giờ thảo luận tại một địa điểm hội nghị ở phía Nam Johannesburg hôm 2/12. Quốc hội cũng sẽ bỏ phiếu về việc luận tội có được tiến hành hay không. Đây là một bước đi chưa từng có kể từ khi một hiến pháp mới được thông qua ở Nam Phi sau sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc và đàn áp 28 năm trước. Theo hiến pháp, động thái này cần khoảng 70% số nghị sĩ tham gia bỏ phiếu, có nghĩa là khoảng một nửa số thành viên của ANC sẽ phải bỏ phiếu cùng với các đảng đối lập. Điều này khó xảy ra vì ông Ramaphosa từ lâu đã được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào năm 2024. Nhưng, điều này cũng có thể xảy ra và ngay cả khi cuộc luận tội được tiến hành thì quy trình cũng sẽ kéo dài. Vì ANC chiếm ưu thế trong quốc hội, các đảng đối lập không thể đạt được 2/3 đa số cần thiết, vì vậy quyết định sẽ phụ thuộc vào cán cân quyền lực trong đảng ANC.
Ngay cả khi vượt qua cuộc bỏ phiếu luận tội, vụ bê bối sẽ làm uy tín của ông Ramaphosa suy giảm đáng kể. Khi lên nắm quyền, ông đã thề là “sẽ dọn sạch nạn tham nhũng” trong ANC; rằng bất kỳ quan chức đảng phái nào đang bị cáo buộc tham nhũng đều phải rời nhiệm sở trong khi chờ điều tra”. Những người phản đối ông Ramaphosa cho rằng ông cũng nên làm như vậy.
Ủy ban gồm 3 thành viên điều tra các cáo buộc “Farmgate” cho biết ông Ramaphosa sẽ phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng hơn về khả năng tại vị của mình. Báo cáo của ủy ban viết: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi nghĩ rằng bằng chứng được trình bày trước hội đồng, thoạt nhìn, xác định rằng tổng thống có thể phạm tội vi phạm nghiêm trọng một số điều khoản của hiến pháp”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/nam-phi-tong-thong-doi-mat-nguy-co-luan-toi-i676803/