Năm phút cuối trên quê hương
Lưỡi lê đâm thụp, thụp xuống thùng trấu, mẹ tôi nhảy vào giẫm lên chỗ tôi nằm bẩm xin tên lính Pháp. Chúng khua khoắng xung quanh một lúc rồi rút đi, giải theo anh Vang - người bạn nối khố của tôi
Năm 1949, giặc Pháp càn quét các ngôi làng ở Bắc Bộ để tuyển lính xây dựng ngụy quân. Ban đầu, chúng hiệu triệu nhân danh chính thể quốc gia Việt Nam gọi công dân nhập ngũ. Tuy vậy, hầu hết thanh niên đều hiểu bản chất của đội quân đánh thuê chúng dựng lên nên chẳng mấy ai đăng lính. Chúng buộc dùng đến vũ lực, bắt bớ, đốt làng, tịch thu tài sản… để bắt thanh niên nhập ngũ. Tôi năm đó tròn 18 tuổi, là một số ít thanh niên thoát khỏi các trận càn của giặc Pháp qua làng trước khi miền Bắc giải phóng năm 1954.
Nín thở dưới thùng trấu
Chúng tôi lúc đó là những thanh niên mười tám đôi mươi, cùng lớn lên trên quê hương bằng con cá, con tép, củ khoai, củ sắn…, cuộc sống nhiều đói khổ, lầm than.
Buổi chiều muộn hôm đó, tôi cùng anh Vang mới đi đánh dậm về, đang chia cá ở sân nhà tôi. Bỗng mẹ tôi tá hỏa chạy vào, ra hiệu trốn nhanh vì có một toán lính Pháp đi lùng bắt thanh niên sung lính. Biết chúng đang đến gần và thường đã có lính gác ở các lối ra của làng nên không thể chạy ra ngoài, tôi nhảy vào thùng trấu sâu hơn 1 m, anh Vang chạy ra phía đống rơm sau vườn ẩn nấp. Mẹ tôi bới trấu và đắp một chiếc khăn màn lên mặt để tôi thở rồi vùi trấu vào, sau đó vội chạy ra tiếp chúng.
Toán lính Pháp ập đến, đi theo chúng còn có lý trưởng, mõ làng, ngay lập tức chia đi các hướng lục tung nhà tôi lên. Tên chỉ huy quát tháo bằng tiếng Pháp, đại ý là "bà giấu con của bà ở đâu, lôi hết chúng ra đây". Mẹ tôi không biết tiếng Pháp nhưng cũng thừa hiểu ý chúng, bà bảo: "Con tôi nó bỏ đi nay đây mai đó tìm công ăn việc làm, lâu rồi nó có về nhà đâu ạ! Tôi cũng không biết nó ở đâu mà tìm". "Lùi ra, lục soát toàn bộ!" - tên chỉ huy quát.
Một tên lính Pháp có lẽ có nhiều kinh nghiệm, đi vào chỗ thùng trấu và đâm lưỡi lê liên tiếp. Mẹ tôi nhảy vào theo, giẫm lên mặt tôi để tránh hắn đâm trúng. Chân tên lính giẫm thẳng lên chỗ đùi tôi, cảm giác căng và đau nhưng tôi vẫn phải nín thở. Lưỡi lê đâm liên tiếp xuống, may là nó không đâm sâu, có phát tôi cảm tưởng như lưỡi lê đã sát rạt bụng. Rồi nó nhảy ra ngoài.
Hai tên lính ra sau vườn đã bắt được anh Vang ẩn nấp trong đống rơm. Tên chỉ huy vỗ tay, cười khoái trá. Hắn mắng mẹ tôi bằng tiếng Pháp rồi giải anh Vang đi. Tôi vẫn nằm im dưới thùng trấu đề phòng chúng quay lại. Lúc đó, tôi biết có thể là lần cuối tôi còn nghe thấy tiếng anh Vang trên quê hương.
Nỗi buồn chiến tranh
Anh Vang là một người hiền lành, chất phác, ở tuổi đó, chúng tôi chưa có nhiều xu hướng chính trị, chỉ mong không có chiến tranh, muốn có ruộng đất để làm ăn sinh sống và đặc biệt không muốn nghe lời giặc Pháp chĩa súng vào người Việt Nam. Anh Vang bị chúng đưa đi huấn luyện chỉ một tuần rồi bắt đi đàn áp các nơi kháng chiến. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của quân ta, lực lượng ngụy quân bị Pháp đưa vào miền Nam theo Hiệp định Genève, chỉ một số ít đào ngũ thoát được và anh Vang không nằm trong số đó.
Khi đó, chúng tôi đã nghĩ đến một ngày tổng tuyển cử diễn ra năm 1956 theo Hiệp định Genève, không còn chiến tranh, thống nhất hai miền Nam - Bắc, những người lính ngụy được giải ngũ sẽ trở về quê hương. Nhưng rồi, đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam khiến cho cơ hội trở về của họ gần như không còn.
Mấy chục năm chiến tranh, không ai biết anh Vang đang còn ở thế giới bên này hay đã về với tổ tiên. Khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt khoảng năm 1968, 3 người cháu ruột của anh Vang ở quê nhà đều khoác áo lính vào miền Nam chiến đấu. Một tin tức không nắm chắc của người cháu cho biết anh Vang đã lên chức tiểu đoàn trưởng, cấp bậc trung tá của quân đội Sài Gòn và đã có vợ con.
Sau này, 3 người cháu anh Vang vào Nam chiến đấu thì 2 người đã hy sinh, 1 người trở về là thương binh. Năm 1975, cả nước hân hoan trong niềm vui thống nhất. Tuy vậy, vẫn có không ít gia đình còn ôm nỗi buồn vời vợi vì người thân bên kia giới tuyến chưa trở về. Có thể họ đã hy sinh nằm lại với đất mẹ, cũng có thể họ đã ra nước ngoài. Tuy vậy, chúng tôi biết chắc chắn trong lòng họ vẫn luôn muốn trở về nơi chôn nhau cắt rốn.
Bờ vai sũng nước mắt
Mấy chục năm im lìm thông tin. Tưởng chừng như anh Vang đã không còn, con cháu ở quê nhà đã lập bàn thờ thì bất chợt, vào một ngày mùa thu năm 2008, một chiếc ôtô lạ dừng đỗ ở đầu làng tôi, ông lão mặc quần áo comple kẻ xanh bước xuống hỏi thăm quán thợ rèn gần đó: "Anh cho tôi hỏi thăm nhà ông Kinh ở đâu với?". Người thương binh kẹp nạng đi ra, nhìn khuôn mặt ông lão rất giống với bố mình, ông khá bất ngờ hỏi lại:
- "Ông hỏi nhà ông Kinh làm gì vậy?".
- "Đó là anh trai tôi!".
Ông thương binh nghẹn ngào, thì ra đây là chú ruột mình, người bên kia chiến tuyến với mình hồi trước năm 1975 mà bố vẫn kể. Người thương binh tên Nguyễn Xuân Vẫy (nay đã mất) vội vã ôm lấy người chú lần đầu tiên gặp mặt và sau đó cũng là lần cuối cùng.
Ông Vẫy vội vàng dẫn chú về thăm bố. Cuộc gặp gỡ diễn ra chóng vánh vì điều kiện lúc đó không cho phép. Ông Vang chỉ có 5 phút để gặp gia đình.
Về đến nhà, hai anh em nay đã là hai ông lão tóc bạc trắng, khuôn mặt nhăn nheo, nhìn thấy nhau đã lao ngay vào nhau mà òa khóc như hai đứa trẻ. Ông Nguyễn Xuân Kinh lúc đó sức khỏe đã khá yếu, ông không thể ngờ rằng mình vẫn gặp được em trai dù chỉ một lần trong chốc lát trước khi về với tổ tiên. Ông Vang nói rằng nhiều lần muốn giải ngũ, trốn về nhưng đều không được. Năm 1975, ông cùng gia đình di tản sang Canada. Hai anh em xúc động sụt sùi khóc. Ông Vang thắp vội cho cha mẹ, tổ tiên nén nhang, gửi các cháu một ít tiền để chăm sóc mồ mả ông bà cụ kỵ và ghi chép vội vài dòng địa chỉ, số điện thoại bên xứ người để có thể tiện liên lạc.
Năm phút trôi qua quá nhanh, tuy vậy đủ để cảm xúc cho hai chữ quê hương lên đến đỉnh điểm. Hai bờ vai của hai anh em ướt sũng nước mắt, còn gì đau lòng hơn khi muốn trở về quê hương lúc cuối đời mà không được, muốn gửi lại cát bụi nơi mình sinh ra một đống tro tàn không thể thỏa ước.
Ông Vang đứng dậy và vái lạy tổ tiên rồi đi. Ông lão gần 80 tuổi vừa đi vừa lau nước mắt, vẫy tay chào anh trai và các cháu. Chỉ một thời gian không lâu sau đó, cả ông Kinh và ông Vang đều qua đời.
Tôi về sau có trách ông Vẫy hôm đó sao không báo tin cho mình để đến gặp lại người bạn nối khố ngày xưa, người đã không may mắn như tôi trong ngày lính Pháp đi càn thanh niên làng… Nhưng ông Vẫy nói mọi thứ diễn ra quá nhanh và bất ngờ.
Tôi chắc chắn rằng những người cựu binh bên kia chiến tuyến như ông Vang vẫn hằng ngày mong được trở lại quê hương mà không bị kỳ thị. Họ hầu hết bị bắt đi lính, bắt cầm súng và chiến đấu, họ chán ghét chiến tranh và như bao người, họ cũng muốn có một gia đình nho nhỏ trong một đất nước hòa bình.
Tôi tin rằng 5 người con trai của anh Vang ở Canada một ngày nào đó cũng sẽ tìm về làng quê yêu dấu này để thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên. Vì người Việt Nam không bao giờ quên cội, quên nguồn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nam-phut-cuoi-tren-que-huong-20200815203713037.htm