Nậm Pồ chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi
ĐBP - Huyện Nậm Pồ có tổng đàn gia súc 61.244 con (trâu 22.360 con; bò 5.126 con; lợn 33.758 con) gia súc khác 4.985 con (ngựa 321 con; dê 4.804 con) đàn gia cầm 166.724 con. Ðể chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng... UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại; tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng định kỳ, kế hoạch đã đề ra.
Người chăn nuôi trên địa bàn huyện Nậm Pồ chủ động thực hiện phun khử trùng vệ sinh chuồng trại định kỳ, đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Với phương châm phòng bệnh, đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện phát triển ổn định; UBND huyện đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020. Theo đó, kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai từ tháng 4 - 5/2020; đợt 2 vào quý IV/2020. Phấn đấu trên 80% tổng đàn gia súc được tiêm các loại vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán cho trâu, bò và vắc xin dịch tả lợn cổ điển đối với đàn lợn; tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt trên 70% tổng đàn. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng huyện, UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cũng chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi và người tiêu dùng; rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đủ liều theo quy định. Chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, các điểm giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; chỉ đạo các chủ chăn nuôi khi có dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh trên đàn vật nuôi phải báo ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để lây lan trên diện rộng.
Chị Giàng Thị Hoa, bản Ðề Tinh 2, xã Phìn Hồ là một trong những hộ chăn nuôi lớn với tổng đàn gia súc lên tới 95 con (25 con trâu, 60 con bò và 10 con ngựa). Chị Hoa chia sẻ: Tự ý thức là rất quan trọng, gia đình tôi luôn làm đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc. Ðể gia súc, gia cầm có thể chống chọi, chịu đựng thời tiết bất lợi, tôi vệ sinh kỹ chuồng trại bằng cách: phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột; ngoài ra bổ sung thức ăn tinh, muối khoáng để tăng sức đề kháng cho gia súc. Nhờ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh mà đàn gia súc của gia đình phát triển tốt, không bị dịch bệnh.
Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 16 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng và ung khí thán (Si Pa Phìn 3 con, Phìn Hồ 13 con). Ðể đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thì ý thức của người chăn nuôi là yếu tố quan trọng. Người chăn nuôi phải tuân thủ theo nguyên tắc phòng trước, chống sau. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở; ở đâu chính quyền địa phương vào cuộc mạnh ở đó công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ tốt hơn.
Hiện nay, thời tiết mưa, nắng thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm sức đề kháng của vật nuôi. Vì vậy, hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; khơi thông cống rãnh, không để nước tù, đọng; tổ chức phun thuốc sát trùng định kỳ. Khi đàn gia súc có dấu hiệu của bệnh, tuyệt đối không được vận chuyển, mua bán, giết mổ và phải báo ngay cán bộ thú y, chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Với sự chủ động của các hộ chăn nuôi, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang được thực hiện kịp thời, đảm bảo việc duy trì, phát triển tổng đàn vật nuôi; góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trên địa bàn.