Nậm Pồ - Miền nước đổ (3)
Bài 1: Những ngày đầu gian khóBài 2: Những 'sợi chỉ đỏ'Bài cuối: An cư, lạc nghiệpĐBP - Nậm Pồ vẫn còn rất khó khăn, nhưng với những gì mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã vượt qua trong gần một thập kỷ, với bước khởi đầu đầy cam go… đã qua. Những gì người dân cần giờ đây là sự ổn định về chính trị, sự đầu tư về hạ tầng để an cư và thực hiện khát khao vươn lên.
Bản Pắc A 1 hôm nay (ảnh lớn) đang ngày một phát triển với màu xanh của cây lá, khác biệt so với bản Pắc A 1 ngày mới thành lập (ảnh nhỏ).
Pắc A 1 hết khát
Vẫn là Na Cô Sa - vùng đất xa xôi với cái tên đọc chệch từ tiếng Thái “nạ co sa” tạm dịch là “ruộng rau hoang”. Ðây là xã từng bị đánh giá khó khăn, cách trở, phức tạp bậc nhất về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại huyện Nậm Pồ ngày mới thành lập; 100% dân số là người di cư từ nơi khác đến; tỷ lệ hộ nghèo luôn xấp xỉ 90%, thậm chí có năm số hộ nghèo năm sau còn tăng hơn năm trước. Ðến thời điểm này, có thể khẳng định, khu “ruộng hoang” Na Cô Sa năm nào đã có sự đổi thay tích cực.
Bản Pắc A 1 - bản tái định cư sau khi Na Cô Sa sáp nhập vào huyện Nậm Pồ. Trước đây, mỗi lần chúng tôi vào Pắc A 1 là một lần ám ảnh bởi sự khô cằn, hoang vu… Dân cư với 74 hộ, hơn 300 con người sống trên đỉnh núi chênh vênh đều nghèo (khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo ở Pắc A 1 là 100%), đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt khi cả bản chỉ trông chờ vào một mó nước nhỏ, vẩn đục, lay lắt chảy ở chân bản (vị trí thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng trung tâm bản Pắc A 1). Nhưng đến thời điểm này, theo ông Sùng A Ký, trưởng bản Pắc A 1: Bản đã xóa được hơn 30 hộ nghèo (trên 50%). Nguồn nước sinh hoạt - nỗi niềm thường trực của dân bản đã được giải quyết khi nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền, trong đó cụ thể là Ðoàn Ðại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh đến, lắng nghe, khảo sát và kêu gọi đầu tư. Giờ dân Pắc A 1 đã có công trình nước sinh hoạt kiên cố với nguồn nước đảm bảo ổn định, hợp vệ sinh quanh năm.
Trở lại bản Pắc A 1 sau khoảng 5 năm, nhiều điều nơi đây khiến chúng tôi ngạc nhiên. Trong đó trực quan nhất là sự bao phủ của cây lá thay vì màu đỏ quạch của đất, sỏi trước đây. Màu xanh không chỉ hiện hữu bên từng nếp nhà, khoảng vườn của người dân mà còn lan tỏa ra cả những vạt núi quanh bản. Chỉ lên khe núi với khoảnh rừng tái sinh xanh tốt, trưởng bản Sùng A Ký bảo: Chỗ đó trước đây là đất nương của dân bản, nhưng giờ bà con không canh tác nữa mà dành để “nuôi” rừng. Bởi dù Nhà nước đã làm công trình cho rồi nhưng muốn có nước lâu dài thì phải có rừng ở thượng nguồn, khe núi có rừng đó chính nơi cấp nước sạch cho bản. Mình “nuôi” rừng thì rừng “nuôi” lại thôi. Nghe A Ký nói vậy, tôi bỗng liên tưởng: 5 năm - khoảng thời gian không chỉ vừa đủ cho một cánh rừng tái sinh mà còn làm thay đổi tích cực tư tưởng những con người!
Vẫn là Sùng A Ký - trưởng bản, đảng viên đầu tiên ở bản Pắc A 1, trong cuộc gặp gỡ hôm nay, điều ấn tượng tiếp theo của chúng tôi là sự phát triển về điều kiện kinh tế và những dự định tương lai của ông. Sùng A Ký chia sẻ: Kinh tế gia đình tôi hiện ngoài ruộng, nương (3 sào ruộng, 2ha nương) đàn gia súc (8 con trâu) cùng gia cầm thì đang phát triển thêm nghề may mặc. Với những bộ quần áo truyền thống của dân tộc Mông (Mông đen, Mông hoa, Mông đỏ) được may, thêu thủ công, trước đây chỉ bán cho dân bản nhưng giờ tôi muốn mở rộng mô hình. Muốn mở rộng thì phải liên kết nên vừa qua tôi đã vận động một số hộ trong bản cùng nhau sản xuất và góp kinh phí mua một khu đất ở trung tâm xã (cách bản Pắc A 1 khoảng 7km) để mở 3 gian hàng (rộng 15m mặt tiền, sâu 20m). Trong đó, hàng hóa kinh doanh chủ yếu vẫn là đồ may mặc truyền thống, kèm thêm là hàng tạp hóa. “Phi thương bất phú” mà! Và mình giàu lên thì mới giúp người khác được. Với sự phát triển của mặt bằng kinh tế chung của xã, nhất là khu vực trung tâm, nơi chúng tôi đầu tư, hi vọng rằng hướng đi này là đúng. Khi được hỏi: Anh có định thành lập hợp tác xã kiểu mới? A Ký bảo: Chưa khẳng định trước điều gì nhưng đó là mục tiêu chúng tôi muốn hướng tới.
An cư rồi, vươn lên thôi
Năm 2020, từ lời kêu gọi của Bộ Công an, huyện Nậm Pồ nhận được sự hỗ trợ với kinh phí 30 tỷ đồng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam để sửa chữa, làm nhà mới cho 615 hộ nghèo trên địa bàn. Nguồn kinh phí được tài trợ; chủ trương, kế hoạch, tiến độ, chất lượng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm sát sao; trong quá trình làm nhà, huyện được các lực lượng như: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ðoàn Kinh tế quốc phòng 379 (Quân khu 2) huy động lực lượng, phối hợp chặt chẽ để dựng lên những ngôi nhà vững chãi cho nhân dân. Theo đánh giá của ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ: Những ngôi nhà được xây lên có sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”, ngoài sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, chúng tôi đánh giá cao tính cộng đồng trong thực hiện của nhiều tập thể, cá nhân. Có thể nói, quá trình thực hiện làm nhà cho hộ nghèo vừa qua, ngoài việc những hộ nghèo có nhà kiên cố để ổn định cuộc sống, điều đọng lại là tinh thần nhân văn, nhân ái cao cả; củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước.
Ðến tận nơi, chứng kiến quá trình làm, hoàn thiện và bàn giao “những ngôi nhà nhân văn” theo lời Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa, cụ thể là tại 5 xã huyện Nậm Pồ được giao thực hiện là: Nậm Tin, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, với tổng số 171 hộ nghèo được hỗ trợ (162 làm nhà mới; 9 nhà cải tạo, sửa chữa) chúng tôi được biết: Mặc dù thời gian làm nhà vào giữa mùa mưa lũ, điều kiện giao thông phức tạp, khiến quá trình vận chuyển vật liệu, thi công gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn, những ngôi nhà mới của người nghèo Nậm Pồ đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, khánh thành đúng vào dịp Quốc khánh 2/9. Ấn tượng nhất là quá trình làm nhà của 12 hộ nghèo bản Huổi Quang, xã Pa Tần. Ðây là bản ở xa trung tâm nhất của xã (24km), vào mùa mưa, muốn vào bản chỉ còn cách đi bộ. Ngày 17/7, quá trình làm nhà của bản Huổi Quang được khởi động. Ðể đáp ứng tiến độ, Ðảng ủy, UBND xã Pa Tần đã huy động 27 người gồm: Bí thư Ðảng ủy xã Lò Văn Nọi, Chủ tịch UBND xã Vàng Thị Vân cùng các lực lượng công chức, viên chức, công an, quân sự. Trong đó phân công: Phụ nữ thì vác vật liệu nhẹ, nam giới khênh kèo, cột, trụ, mái… hành quân bộ vào Huổi Quang. Theo lời Thượng sĩ Giàng A Vàng, cán bộ Công an xã Pa Tần, khi vào đến nơi, nhìn thấy Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã lấm lem bùn đất, vác từng thanh kèo, tấm tôn vào làm nhà cho dân, nhiều người ở Huổi Quang đã rưng rưng nước mắt vì xúc động. Và giống như một hiệu ứng, nhiều người ở Huổi Quang dù không được làm nhà mới cũng sẵn sàng gác việc gia đình, cùng với cán bộ, người nghèo chung tay san nền, dựng khung.
Những ngôi nhà thấm đẫm tình người, bền chặt mối đoàn kết Dân - Ðảng được xây lên với niềm vui khó diễn tả. Ðối với những người nghèo được hỗ trợ làm nhà ở Nậm Pồ, chứng kiến điều này, họ cũng hiểu rằng: Ðây không phải những ngôi nhà họ được “cho” theo nghĩa thông thường, mà gửi gắm vào đó là niềm tin, niềm hi vọng của cả một hệ thống chính trị ở cơ sở, của Ðảng, Nhà nước, rằng: “An cư” rồi, đồng bào mình phải vươn lên, “lạc nghiệp” thôi!
Nậm Pồ - “miền nước đổ” đã qua những giông bão ban đầu; đã có nhiều nhân tố là “sợi chỉ đỏ” kết nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; đã có nhưng ngôi nhà đoàn kết, nhân văn để người dân an cư, lạc nghiệp, sẵn sàng bước vào nhiệm kỳ mới khi toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân đang hướng đến Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng với vận hội, khí thế và động lực mới.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/181751/nam-po---mien-nuoc-do-3