Nậm Pồ nâng cao chất lượng tổ hòa giải cơ sở

ĐBP - Nậm Pồ là huyện biên giới vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều. Xác định việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ngay từ cơ sở là điều rất quan trọng; những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã quan tâm củng cố kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Đến nay, 121/121 bản trên địa bàn huyện có tổ hòa giải cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Tổ hòa giải bản Nậm Tin, xã Nậm Tin (huyện Nậm Pồ) họp, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ hòa giải 1 lần/tháng.

Hàng năm, UBND huyện Nậm Pồ đều rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các tổ hòa giải thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; lồng ghép với tuyên truyền văn bản pháp luật khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng... từ đó giúp cán bộ, nhân dân hiểu thêm về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải, tạo ý thức tôn trọng pháp luật, tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở cho những người thực hiện quản lý Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Trung bình mỗi năm huyện tổ chức từ 2 - 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải cho trên 300 lượt hòa giải viên. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các xã kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải và các tổ hòa giải tại 121 thôn, bản. Hiện nay, toàn huyện có 121 tổ hòa giải với 626 hòa giải viên. Số vụ hòa giải thành tại cơ sở ngày càng tăng. Tính riêng năm 2020, trên địa bàn huyện tiếp nhận 98 vụ (trong đó hòa giải thành 81). Một số xã, như: Nậm Tin, Nà Khoa... tỷ lệ hòa giải thành công đạt 100%.

Việc phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là yếu tố tiên quyết giúp hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ tại cộng đồng dân cư, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự (hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...); hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Bản Nậm Tin, xã Nậm Tin là một trong những địa phương có tổ hòa giải, thực hiện tốt công tác hóa giải những mâu thuẫn, xích mích ngay tại địa bàn. Anh Thào A Chí, Trưởng bản, Tổ phó tổ hòa giải cho biết: Bản hiện có 108 hộ với 644 khẩu, 100% người Mông; số hộ tương đối đông nên hay có những mâu thuẫn, xích mích nhỏ xảy ra trong bản như: Tranh chấp đất đai, tranh chấp nguồn nước và một số xích mích dân sự khác. Tổ hòa giải của bàn gồm có 6 thành viên. Bám sát đặc thù địa bàn, tổ hòa giải đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động bà con ứng xử có văn hóa trong trong cuộc sống thường ngày. Phối hợp các hội đoàn thể, lồng ghép tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình, Luật Đất đai, Luật An toàn giao thông đến toàn thể người dân thông qua các cuộc họp bản, họp hội đoàn thể. Đồng thời, mỗi hòa giải viên trong tổ luôn có ý thức học hỏi nâng cao nghiệp vụ, hiểu biết pháp luật. Ngoài các đợt tập huấn về Luật, nghiệp vụ hòa giải của xã, huyện. 1 tháng tổ hòa giải cơ sở bản Nậm Tin tổ chức họp trao đổi kinh nghiệm, cập nhật những vấn đề thời sự mới, nóng để tuyên truyền đến bà con. Nhờ đó, số vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong bản năm sau giảm hơn năm trước; tỷ lệ hòa giải thành công đạt cao. Năm 2020 địa bàn xảy ra 6 vụ mâu thuẫn, tổ hòa giải của bản đã hòa giải thành công 6/6 vụ (trong đó, 5 vụ tự hòa giải, 1 vụ phối hợp với UBND xã).

Bà Phạm Thị Ngân, Trưởng phòng Tư pháp huyện Nậm Pồ cho biết: Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn trong những năm qua từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả. Tỷ lệ số vụ hòa giải thành công hàng năm đạt trên 80%. Có được kết quả đó là nhờ vào sự nhiệt tình năng nổ của các hòa giải viên tuyến cơ sở; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tập huấn, bồi dưỡng về Luật, nghiệp vụ cho các hòa giải viên tuyến cơ sở. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, phòng chú trọng kiện toàn đội ngũ hòa giải viên theo hướng nâng cao chất lượng; mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/186644/nam-po-nang-cao-chat-luong-to-hoa-giai-co-so