Năm rồng - Khám phá bất ngờ về loài rồng cổ đại còn tồn tại đến ngày nay
Loài rồng này đã tồn tại hàng triệu năm, là chủ đề nghiên cứu lý thú của nhiều nhà khoa học, mới đây, họ đã phát hiện ra thêm điều bất ngờ, đó là răng của nó khá giống răng của khủng long.
Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất và nặng nhất trên Trái đất. Con trưởng thành có thể dài tới 3 mét và nặng hơn 140 kg.
Những loài bò sát khổng lồ có nguy cơ tuyệt chủng này đã tồn tại hàng triệu năm, nhưng các nhà khoa học đã không nghiên cứu chúng cho đến khoảng một trăm năm trước. Hiện nay rồng Komodo hoang dã chỉ được tìm thấy trên vài đảo của Indonesia.
Chúng là loài bò sát có vẻ ngoài mạnh mẽ với đầu rộng, phẳng, mõm tròn, chân cong và chiếc đuôi to, cơ bắp mạnh mẽ. Chúng có bước đi vụng về, tới lui và cái lưỡi màu vàng thè ra thụt vào liên tục.
Là loài săn mồi thống trị trên các hòn đảo nơi chúng sinh sống, rồng Komodo sẽ ăn hầu hết mọi thứ chúng tìm thấy, bao gồm cả động vật đã chết, hươu, trâu nước, lợn, rồng Komodo nhỏ hơn và đôi khi là con người!
Khi săn mồi, rồng Komodo dựa vào khả năng ngụy trang và tính kiên nhẫn, nằm trong bụi rậm hoặc bãi cỏ cao cho đến khi nạn nhân đi ngang qua. Chúng vồ lấy con mồi bằng đôi chân khỏe và móng vuốt sắc nhọn, sau đó cắm những chiếc răng lởm chởm giống như cá mập vào chúng.
Một con vật thoát khỏi hàm Komodo sẽ không cảm thấy may mắn được lâu. Nước bọt của rồng chứa một lượng lớn vi khuẩn có thể đầu độc con mồi của chúng, thường trong vòng 24 giờ. Rồng sẽ bình tĩnh đi theo con mồi bị cắn hàng dặm, sử dụng khứu giác nhạy bén để tìm ra xác chết. Chúng có cảm giác thèm ăn rất lớn và được biết là có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể trong một lần cho ăn.
Rồng Komodo cái đẻ tới 30 quả trứng và chúng sẽ bảo vệ chúng trong vài tháng. Con non có màu xanh lục với các dải màu vàng và đen nhưng chuyển sang màu xám đặc đến nâu đỏ khi lớn lên. Những con rồng non sẽ ở trên cây cho đến khi chúng được khoảng 8 tháng tuổi để tránh những kẻ săn mồi, bao gồm cả những con rồng lớn hơn.
Năm 1980, Indonesia thành lập Vườn quốc gia Komodo để bảo vệ rồng Komodo và môi trường sống của nó. Nơi trú ẩn rộng 700 dặm vuông này cũng là nơi sinh sống của các loài như gà bụi chân cam và hươu Timor, cũng như môi trường biển phong phú hỗ trợ cá voi, cá heo, rùa biển, cá mập, san hô, bọt biển, cá đuối, ... hơn một ngàn loài cá.
Hiện là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, Vườn Quốc gia Komodo đã thành lập các đội tuần tra để ngăn chặn nạn săn trộm. Họ cũng làm việc với cộng đồng địa phương để nâng cao nhận thức về loài này và tầm quan trọng của việc bảo vệ nó.
Mới đây, các nhàk hoa học đã phát hiện ra rằng răng Komodo trưởng thành giống một cách đáng ngạc nhiên với răng của khủng long chân thú.
Rồng Komodo, giống như hầu hết các loài bò sát khác, bao gồm cả loài khủng long đã tuyệt chủng, thay răng liên tục trong suốt đời của nó. Mô học - một kỹ thuật phổ biến để nghiên cứu cấu trúc vi mô của răng - và chụp X-quang CT của đầu rồng Komodo cho thấy rồng Komodo duy trì tới 5 chiếc răng thay thế cho mỗi vị trí răng trong hàm của nó.
Như Ngọc