Năm Rồng trò chuyện cùng Phó Giáo sư trẻ 'tuổi rồng'
Tiến sĩ Lê Thanh Long (SN 1988)-Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) vừa được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ở tuổi 35.
Thời gian qua, câu chuyện của cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai) Lê Thanh Long vẫn luôn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh của trường cũng như các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học tỉnh nhà.
Trong ngày đầu tiên của Xuân Giáp Thìn 2024, PGS.TS. Lê Thanh Long đã dành thời gian trò chuyện cùng Báo Gia Lai điện tử để chia sẻ về hành trình chạm đến thành công cùng những dự định của anh trong năm mới.
*P.V: Chào PGS.TS. Lê Thanh Long. Anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Tôi sinh ra và lớn lên ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương, năm 2006, tôi đã thi đỗ vào Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Đến năm 2011, tôi hoàn thành chương trình đại học và tiếp tục có thời gian khoảng 5 năm ở Đài Loan để hoàn thành chương trình Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí. Hiện tại, tôi đang là giảng viên Khoa Cơ khí kiêm Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Bách khoa-nơi trước đây tôi từng theo học.
* P.V: Cơ duyên đưa anh đến với nghiên cứu khoa học? Trên hành trình chinh phục đam mê ấy, anh đã trải qua những bước ngoặt quan trọng nào?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Con đường nghiên cứu khoa học của tôi là một hành trình dài và đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ. Tôi may mắn được học tập tại một ngôi trường có truyền thống lâu đời và danh tiếng ở Việt Nam, được các thầy, cô giáo có chuyên môn giỏi giảng dạy và truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho mình.
Dấu ấn đầu tiên vun đắp đam mê nghiên cứu khoa học trong tôi đó là đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên. Lần đầu tiên đối mặt với thử thách, tự tìm tòi, nghiên cứu, đôi khi cảm thấy hơi nản vì nhiều kiến thức mình chưa được tiếp cận, không biết giải quyết vấn đề như thế nào… Thế nhưng, nhờ sự hướng dẫn tận tình và động viên kịp thời của PGS.TS. Đặng Văn Nghìn-giảng viên hướng dẫn của tôi lúc bấy giờ-đã giúp tôi hoàn thành đề tài. Kể từ đó tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú với việc nghiên cứu khoa học.
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi cùng thành tích huy chương bạc của khóa, được sự động viên của gia đình và thầy, cô giáo, tôi đã nộp học bổng để học chương trình thạc sĩ và sau đó chuyển tiếp lên chương trình tiến sĩ tại Khoa Cơ khí, Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (NCU, Taiwan). Tại đây, tôi đã được GS. Chen Jyh-Chen hướng dẫn và “truyền lửa” đam mê nghiên cứu khoa học. Năm 2016, tôi tốt nghiệp tiến sĩ và có một khoảng thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ cũng tại NCU để tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu. Đến đầu năm 2017, tôi trở về nước và quyết định chọn ngôi trường gắn bó với tôi từ thời sinh viên để công tác đến bây giờ.
* P.V: Lý do anh quyết định quay về quê hương và ngôi trường mình đã từng theo học để công tác mà không phải là môi trường tiềm năng ở nước ngoài?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Với những thành tích và năng lực học tập, nghiên cứu tốt khi làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan, có thời điểm tôi phải đắn đo, suy nghĩ giữa việc ở lại Đài Loan làm việc, đi định cư ở các nước phát triển khác hay là quay về Việt Nam công tác. Nhưng sau tất cả, tôi quyết định trở về vì tình yêu với quê hương. Tôi mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của đất nước và quan trọng hơn là được sống gần gia đình, hỗ trợ gia đình nhiều hơn.
Tôi dễ dàng chọn trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) là nơi công tác, bởi ở đây không chỉ có môi trường tốt để tôi thỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giảng dạy mà còn là ngôi nhà thứ hai của mình với nhiều kỷ niệm đẹp khi còn là sinh viên. Hơn nữa, tôi cũng muốn chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mà mình đã lĩnh hội được với thế hệ tương lai của đất nước.
* P.V: Trong số những dự án nghiên cứu của mình, anh tâm huyết nhất với đề tài nào? Anh có thể thông tin khái quát về tính thực tiễn của đề tài đó?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã chủ nhiệm 5 đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu đạt yêu cầu, gồm: 1 đề tài cấp quốc gia (NAFOSTED), 1 đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia (tương đương cấp Bộ) và 2 đề tài cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, tôi sở hữu 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích; đã công bố 52 bài báo khoa học (36 bài trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín và hội thảo quốc tế; 16 bài trên tạp chí khoa học và hội thảo trong nước); đồng tác giả 1 sách chuyên khảo được nhà xuất bản uy tín phát hành.
Trong các dự án nghiên cứu của mình, tôi tâm đắc nhất là sản phẩm Phòng áp lực âm. Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến” thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, được phê duyệt năm 2020. Sản phẩm là một phần trong giải pháp tổng thể của nhóm nghiên cứu dùng để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tôi và nhóm nghiên cứu của mình đã thực hiện đề tài này trong giai đoạn cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Và sản phẩm Phòng áp lực âm đã mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng.
* P.V: Năm 2023 có thể nói là một năm đáng nhớ đối với anh khi đón nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý. Cảm xúc của anh sau một năm nhìn lại, đặc biệt là việc được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ở tuổi 35?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Quả đúng như vậy! Năm 2023 thật sự là một năm tuyệt vời đối với tôi khi vinh dự được nhận các giải thưởng: Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh; Cán bộ trẻ tiêu biểu điển hình Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” của Liên Đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh; đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền…; đồng thời, hướng dẫn sinh viên tham gia Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc đạt giải cao (1 giải nhì, 2 giải ba) và giải nhất Cuộc thi Phát triển Ứng dụng AioT Developer InnoWorks 2022 do Tập đoàn Advantech (Đài Loan) tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, năm 2023, tôi đã được hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư ở độ tuổi khá trẻ. Trước đó, tôi cũng vinh dự được trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng và Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2022; vinh danh nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương lần thứ II năm 2020; giải nhất lĩnh vực Cơ khí tại Cuộc thi nhà nghiên cứu Khoa học Việt Nam xuất sắc tại Đài Loan năm 2016…
Tôi rất vui mừng và tự hào vì những nỗ lực, đóng góp của tôi trong thời gian qua đã được các cấp lãnh đạo, nhà trường và xã hội ghi nhận. Điều này cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn trong thời gian tới để có nhiều đóng góp thiết thực cho xã hội.
* P.V: Bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, anh đã đặt ra mục tiêu và hoạch định cho bản thân như thế nào?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những hướng nghiên cứu của bản thân, thực hiện các đề tài, dự án; áp dụng các công nghệ hiện đại AI, IoT… vào các sản phẩm có tính ứng dụng thực tế; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong đội ngũ cán bộ giảng viên và sinh viên của trường. Cùng với đó, mở rộng nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã hội đang cần, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
* P.V: Là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, anh hiện là một trong những tấm gương truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh tỉnh nhà. Nhân đây, anh có lời nhắn nhủ nào đến các em học sinh, nhất là những em có niềm đam mê nghiên cứu và muốn trở thành nhà khoa học trong tương lai?
- PGS.TS. LÊ THANH LONG: Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai nên tôi có rất nhiều kỷ niệm với nơi đây. Trong thời gian còn đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn thanh niên Khoa Cơ khí, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trường Đại học Bách khoa, tôi đã phối hợp với Tỉnh Đoàn Gia Lai để thực hiện các chương trình “Chuyến xe yêu thương” ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) năm 2020; Chiến dịch Xuân tình nguyện năm 2021 ở xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện).
Qua tìm hiểu, tôi được biết, học sinh Gia Lai đã có nhiều thành công trong phong trào nghiên cứu khoa học thông qua cuộc thi Khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia. Đáng chú ý có 2 năm liên tiếp (2018 và 2019), học sinh của tỉnh đã có dự án được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn cử đi tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế INTEL ISEF tại Hoa Kỳ.
Tôi rất vui vì điều đó và mong rằng, các em hãy luôn cố gắng trong học tập; thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ; duy trì tinh thần nhiệt huyết, đam mê không chỉ với nghiên cứu khoa học mà trong tất cả lĩnh vực mà các em yêu thích để sau này có thể đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Một điều nữa tôi muốn nhắn nhủ thêm là các em nên nâng cao khả năng ngoại ngữ để có thể đọc, tham khảo tài liệu nước ngoài. Điều này sẽ giúp các em thuận lợi hơn trong quá trình nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, nếu muốn trở thành một nhà nghiên cứu khoa học chân chính và giỏi chuyên môn trong tương lai, các em cũng cần phải có trách nhiệm với lựa chọn của chính mình, tự đặt ra mục tiêu và tự tạo ra áp lực hoàn thành mục tiêu đó.
* P.V: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này. Chúc anh cùng gia đình một năm mới hạnh phúc, thành công!