Nam Sách củng cố tiêu chí tổ chức sản xuất

Xác định tổ chức sản xuất (TCSX) là tiêu chí tạo ra nền tảng nội lực trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nên những năm qua huyện Nam Sách luôn quan tâm củng cố tiêu chí này.

Nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân (Nam Sách) cho hiệu quả kinh tế cao

Nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân (Nam Sách) cho hiệu quả kinh tế cao

Nhiều đổi mới

Là địa phương thuần nông nên ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã Nam Tân xác định phải khai thác lợi thế từ sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lực thực hiện phong trào. Xã đã định hướng nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong quá trình triển khai, các mô hình đều được tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, những mô hình hiệu quả sẽ được nhân rộng. Đến nay, Nam Tân trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của huyện với nhiều mô hình hay như nuôi cá lồng, nuôi gà thương phẩm chất lượng cao, sản xuất cà chua hàng hóa... Giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương không ngừng được nâng cao, năm 2020 đạt 170 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng/ha so với năm trước đó. Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Vì TCSX tốt nên địa phương đã phát huy được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Thu nhập tăng cao, người dân không tiếc công, tiếc của xây dựng NTM. Xã đã sớm hoàn thành các tiêu chí và là 1 trong 2 địa phương về đích NTM nâng cao đầu tiên của huyện".

Vẫn là đồng đất ấy song với cách TCSX mới, xã An Lâm đã gia tăng được hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trước đây, nông dân canh tác manh mún, mạnh ai nấy làm còn hiện tại thì sản xuất bài bản, theo vùng tập trung. Địa phương có tới hơn 70% diện tích gieo cấy lúa được quy vùng sản xuất hàng hóa có liên kết bao tiêu sản phẩm. Sản xuất vụ đông cũng là điểm nhấn nổi bật trong phát triển nông nghiệp của xã. Hằng năm, địa phương duy trì trồng 225 ha hành vụ đông. Tại đây, hành được trồng sớm, cho thu hoạch sớm nên giá bán thường cao hơn những nơi khác. Những khu vực có cốt đất cao, gặp khó khăn về nguồn nước tưới cũng được địa phương linh hoạt chuyển sang trồng rau màu, cây ăn quả. Theo ông Mạc Đức Tăng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, TCSX nông nghiệp tại địa phương ngày một quy củ. Người dân dần tiếp cận được kỹ thuật sản xuất hiện đại. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất của nông dân, HTX phải vận động để thay đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động. Điều này góp phần giúp xã nhanh chóng đạt được tiêu chí TCSX trong xây dựng NTM.

Tăng nội lực

Những năm qua, Nam Sách thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Việc TCSX được đặt lên hàng đầu trên cơ sở quy hoạch vùng để biến lợi thế thành hiệu quả kinh tế thực tế. Căn cứ vào tình hình sản xuất nông nghiệp hằng năm, huyện xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể. Huyện hỗ trợ sản xuất lúa, rau màu hàng hóa tập trung; hỗ trợ phát triển nhà màng, nhà lưới; sản xuất thử giống cây trồng mới để thay thế những giống cũ không còn phù hợp. Trong chăn nuôi, thủy sản, huyện chú trọng phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn, áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn sinh học, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Đến nay, Nam Sách có khoảng 35.000 m2 nhà màng, nhà lưới phục vụ sản xuất các loại cây trồng giá trị cao như hoa, nấm, dưa lưới, rau sạch... Hằng năm, huyện duy trì 700 ha lúa, 70 ha rau màu chuyên canh tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm. Trong vụ đông, huyện đã hình thành vùng sản xuất hành tỏi với diện tích 1.200 ha ở các xã An Lâm, An Bình, Nam Trung, Hợp Tiến... Vùng cà rốt rộng 400 ha ở các xã Thái Tân, Minh Tân, Cộng Hòa cũng phát triển ổn định, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 170 triệu đồng/ha, tăng 8 triệu đồng/ha so với năm 2019 và cao hơn 6 triệu đồng/ha so với trung bình của tỉnh.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, TCSX tốt vừa góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, vừa giúp Nam Sách đạt được mục tiêu trong xây dựng NTM. Năm 2019, huyện Nam Sách được công nhận đạt chuẩn NTM và có 2 xã là Nam Tân, Nam Hồng về đích NTM nâng cao. Năm 2020, 2 xã Hồng Phong và Phú Điền cũng đã hoàn thành 18 tiêu chí NTM nâng cao, đang chờ tỉnh thẩm định công nhận. Mặc dù ít được hỗ trợ trong chặng đường xây dựng NTM tiếp theo nhưng các xã vẫn chủ động phát huy nguồn lực để thực hiện phong trào. Đây chính là kết quả của việc xây dựng tiềm lực kinh tế nội lực mà trong đó TCSX là yếu tố quyết định. Năm 2021, các xã Thái Tân, An Lâm phấn đấu về đích NTM nâng cao. Huyện định hướng các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bền vững theo hướng khai thác có hiệu quả thế mạnh vốn có bằng cách TCSX hợp lý, hiệu quả chứ không dựa dẫm, trông chờ vào hỗ trợ từ trên.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/nam-sach-cung-co-tieu-chi-to-chuc-san-xuat-157346