Nam sinh chuyên Pháp trúng tuyển đại học hàng đầu thế giới

trúng tuyển Đại học Stanford, Đại học Mỹ,

"Sáng 30/3, khi nhận được thư trúng tuyển từ Đại học Stanford - ngôi trường có tỷ lệ chấp nhận chỉ 4% em không dám tin, vì trước đó 30 phút từng bị từ chối bởi ngôi trường có xếp hạng thấp hơn", Tùng kể.

Tự nhận điểm số của bản thân không thấp nhưng cũng không quá cao (GPA 9.4/10, IELTS 8.5/9.0, SAT 1540/1600), Đức Tùng cho rằng, điểm số không phải là yếu tố quan trọng nhất giúp cậu được trường trao tấm vé nhập học.

Nguyễn Đức Tùng chụp kỷ yếu tại THPT chuyên Ngoại ngữ vào cuối tháng 1/2024. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Đức Tùng chụp kỷ yếu tại THPT chuyên Ngoại ngữ vào cuối tháng 1/2024. (Ảnh: NVCC)

Theo Tùng, điểm cốt lõi nằm ở việc hội đồng tuyển sinh nhìn con người thật của mỗi thí sinh qua bài luận. “Em không dùng bài luận để liệt kê điểm số mà cố gắng thể hiện những điều thật nhất về bản thân, gồm đam mê, tính cách, năng lực, chí hướng”, Tùng nói và cho biết nộp hồ sơ ứng tuyển vào hơn 30 trường.

Có ông ngoại là chuyên gia luyện kim và môi trường nổi tiếng nên ngay từ nhỏ, Tùng được học hỏi tinh thần làm việc tâm huyết.

Có lần Tùng hỏi ông “sao ông có tuổi nhưng vẫn làm việc nhiều như vậy?". Ông đáp, "ông vẫn còn có thể cống hiến vì hiện trạng môi trường luôn nảy sinh những vấn đề nhức nhối”.

Tinh thần làm việc không ngừng của ông đã gợi mở, truyền cảm hứng cho Tùng tìm hiểu các khía cạnh liên quan đến môi trường. Chính nam sinh cũng nhận ra môi trường không chỉ là lĩnh vực khoa học mà nó tác động đến cả kinh tế, xã hội và đặc biệt là chất lượng cuộc sống người dân.

“Striped Project” là dự án nâng cao nhận thức đầu tiên về môi trường Tùng tham gia. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, dự án tập trung tận dụng chai nhựa, túi nilon, giấy để tái chế. Nhóm đem các sản phẩm này đi bán tại các hội chợ, có lợi nhuận dùng làm kinh phí cho chuyến đi thiện nguyện tại các trường học ở Hòa Bình, Tuyên Quang.

Đọc những thông tin về tình trạng cá chết hàng loạt ở Nghệ An hay ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Tùng tìm thêm các bài nghiên cứu về ô nhiễm không khí hoặc phát triển đô thị trên Google Scholar để nghiên cứu.

Tháng 6/2023, Tùng viết bài về giải pháp chống ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của một nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford. Từ đó, 10x đề xuất giải pháp trồng cây xanh, áp dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại ở châu Âu thay vì đốt rác như hiện tại.

Ông ngoại cũng chính là người hỗ trợ Tùng tìm tài liệu, giải thích thuật ngữ khó và đưa ra nhận xét hoàn thiện bài viết. Đầu năm 2024, bài viết “Tổng quan về ô nhiễm không khí ở Hà Nội và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các công thức cơ sở dựa trên chiến lược phát triển vững chắc phù hợp” của Tùng được đăng tải trên tạp chí Môi trường.

Nam sinh còn tham gia một số cuộc thi quốc tế về môi trường như lọt vào bán kết (top 5%) cuộc thi Olympic Khoa học Khí hậu hướng đến giải quyết vấn đề quốc tế tập trung vào môi trường dành cho thanh thiếu niên với hơn 50.000 thí sinh. Tùng và nhóm cũng lọt top 12 chung kết thử thách cuộc thi môi trường quốc tế Sáng tạo Thanh niên 2023 (YIC).

Bài luận về đam mê môi trường bằng tiếng Anh giúp Tùng chinh phục ngôi trường top 2 thế giới. Trong đó, Tùng viết về hành trình từ không quá hứng thú với các hoạt động môi trường cho đến đam mê.

Ban đầu, Tùng nghĩ những hoạt động, phong trào về môi trường sẽ không đủ tạo ra sự thay đổi lớn, nhưng sau khi tham gia, nhìn thấy những con người trong dự án thực sự hết mình và nhiệt huyết, cậu nhận thấy những thay đổi tích cực của cộng đồng từng ngày. Quá trình thay đổi từ suy nghĩ đến hành động được Tùng chia sẻ chân thành, giản dị trong bài luận.

Stanford yêu cầu ứng viên viết 9 bài luận. Ngoài bài luận chính, Tùng viết 8 bài luận phụ (50-250 từ). Nam sinh nhìn nhận đề bài khó nhất là viết thư cho bạn cùng phòng tương lai. Trong bức thư này, Tùng kể về đam mê chụp ảnh và quay video, kể về ước mơ chụp nhiều bức ảnh đẹp lúc mặt trời lặn hay những điều thú vị ở giảng đường Đại học Stanford.

Ngoài ra, trong một bài luận phụ yêu cầu liệt kê 5 thứ quan trọng chỉ trong 50 từ, Tùng nhắc đến: Gia đình và mèo; cộng đồng và các mối quan hệ; dung lượng bộ nhớ; ngắm mặt trời lặn và Google Sheet. "Ban tuyển sinh có 7 bài luận khác để đánh giá em nên bài này em thể hiện khía cạnh con người gần gũi, hoạt ngôn và hài hước", Tùng chia sẻ.

Đức Tùng (giữa) trong một buổi gặp mặt thành viên dự án Striped Project vào tháng 7/2023.

Đức Tùng (giữa) trong một buổi gặp mặt thành viên dự án Striped Project vào tháng 7/2023.

Trước khi vào lớp 10, Tùng đặt mục tiêu sẽ học đại học ở Việt Nam, rồi mới học thạc sĩ ở nước ngoài. Thế nhưng, sau đó Tùng được gặp gỡ nhiều cựu học sinh của trường đi trước và được truyền động lực, quyết định du học từ bậc đại học.

Bắt đầu làm hồ sơ khá muộn vào giữa năm lớp 11, Tùng cố gắng sắp xếp thời gian biểu. Hè lớp 11, em vừa ôn thi chứng chỉ B1 tiếng Pháp, vừa cải thiện điểm bài thi SAT, IELTS, tham gia các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu và từ thiện.

Dự kiến tháng 8 này, Đức Tùng sẽ lên đường tới Đại học Stanford nhập học ngành Khoa học và Môi trường, ngôi trường xếp hạng 2 thế giới năm 2024 (theo Times Higher Education), học phí 1,6 tỷ đồng/ năm học.

"Em dự định học lên thạc sĩ và trở về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt về chính sách và tầm nhìn", Tùng chia sẻ.

TS Đặng Ngọc Khương, giáo viên chủ nhiệm 12C, trường THPT chuyên Ngoại Ngữ (trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Được sinh ra trong gia đình có ông ngoại là chuyên gia ở lĩnh vực môi trường, nên Tùng sớm quan tâm và có những hiểu biết tốt ở lĩnh vực này. Đây là tiền đề để em hoàn thành xuất sắc các dự án, bài luận liên quan đến chủ đề bảo vệ môi trường”.

Thầy Khương đánh giá, Đức Tùng là học sinh thông minh, hoạt bát, có ý chí cầu tiến và rất quyết tâm để đạt được mục tiêu đề ra.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nam-sinh-chuyen-phap-trung-tuyen-dai-hoc-hang-dau-the-gioi-ar862400.html