Nam sinh đặc biệt mùa thi năm nay: Đi thi giữa hai đợt truyền hóa chất

Thí sinh 18 tuổi Lê Tiến Quang Minh, học sinh lớp 12D4 trường THPT Mỹ Đức A, huyện Mỹ Đức, Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 như bao bạn bè khác. Nhưng điều khác lạ là Minh đi thi với một mái đầu đã rụng hết tóc vì đang trong quá trình điều trị ung thư.

Vừa điều trị ung thư vừa ôn thi đại học

“Em vẫn còn hơi mệt. Em điều trị được 5 lần rồi. Tóc em rụng hết. Gần đây nhất em đi trị xạ là vào ngày 30/7 và mồng 2/8 em được về. Chiều nay em đi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT”- Minh, cậu học trò của trường THPT Mỹ Đức A kể câu chuyện của mình như vậy.

Minh cho biết, em quay cuồng, đứng như trời trồng, mồ hôi túa ra vào một ngày đầu tháng 3 khi tình cờ đi khám ở bệnh viện Việt Đức và có kết luận em bị ung thư phần mềm cẳng chân.

“Em còn trẻ mà, sao lại ung thư được chứ. Như vậy, em phải lên bàn mổ và sau đó điều trị. Mẹ em khóc như mưa” - Quang Minh, thí sinh đặc biệt ấy, kể câu chuyện của mình.

Lê Tiến Quang Minh, học sinh lớp 12D4 trường THPT Mỹ Đức A, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (đứng thứ 2 từ trái sang)

Lê Tiến Quang Minh, học sinh lớp 12D4 trường THPT Mỹ Đức A, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (đứng thứ 2 từ trái sang)

Minh chia sẻ, những ngày sau đó, là những ngày liên tục ở viện. Sau ca mổ, em đã phải ra viện một tháng 2 lần, mỗi lần 1 tuần để điều trị. Những cọng tóc có ngày cũng trụị hẳn, trở lên trọc lóc.

“Em thậm chí còn không nghĩ đến tóc mình nữa. Những đợt trị xạ ở viện làm người em mệt lả. Sau mỗi đợt về em phải nghỉ đến 2-3 ngày xong lại cố cầm sách học”- Minh cho biết.

Gia đình là hộ cận nghèo, bố sức khỏe yếu, thu nhập chính dựa vào mẹ của Minh vốn là nông dân với 2 sào ruộng ở vùng thôn quê chưa đủ cho nhà ăn lấy đâu thừa để có thể bán lấy tiền mua thuốc. Vậy những đợt điều trị liên miên nhà em lấy tiền đâu cho em chữa bệnh?

“Mẹ em sau ca mổ và điều trị vay bao nhiêu rồi của anh em, làng xóm em không biết đã bao nhiêu nữa. Mẹ không nói cho em biết. Nhưng mẹ bảo phải chữa cho em khỏi bệnh. Đó là động lực để em phải sống, để em cố gắng học tập”- Minh nghẹn lời nói.

Minh những ngày điều trị ở bệnh viện K Tân Triều. Ảnh: NVCC

Minh những ngày điều trị ở bệnh viện K Tân Triều. Ảnh: NVCC

Em mong mình được sống và đỗ đại học

Những đợt trị liệu liên miên đã lấy đi sức khỏe của Minh rất nhiều. Đến cả việc đăng ký xét tuyển vào đại học Minh cũng không có thời gian suy nghĩ kĩ, làm vội làm vàng.

“Em yêu thích ngành Công nghệ thông tin. Ở viện về còn vẻn vẹn 1 ngày, em chỉ dám đăng ký nguyện vọng vào khoa này ở trường ĐH Mỏ Địa chất. Ước mơ thì có mà sức khỏe thì yếu quá. Em đã có nhưng suy nghĩ tiêu cực, có buồn, có khóc rất nhiều. Nhưng, khi mà em nhìn vào gia đình mình, nhìn bố mẹ em đang gồng gánh từng ngày một để chữa bệnh cho em. Em không cho phép mình được gục ngã”- Minh chia sẻ.

Bằng sự lạc quan, ý chí vươn lên nghịch cảnh, Minh đã đã vừa tuân thủ lịch điều trị, vừa học tập. Dù kết quả không phải là học sinh giỏi, nhưng với học lực khá đã là một thành quả đáng kể với em.

“Thời gian đáng ra cần ôn thi cật lực thì em phải truyền hóa chất liên tục nên có chút mệt mỏi do tác dụng phụ của mỗi đợt truyền mang lại. Tuy vậy, em phải sắp xếp, cân bằng giữa các buổi truyền hóa chất với việc ôn tập các môn để có kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”- Minh nói.

Hỏi về mơ ước nhất của Minh lúc này, em chia sẻ, là muốn được sống để có cơ hội thực hiện được những dự định, những ước mơ: “Năm nay, em học được ít, em chỉ sợ không đỗ được trường đại học như mơ ước. Nếu không đỗ, em tiếp tục sẽ cố gắng để có thể thực hiện bằng được mong muốn của mình. Như trước tiên, em mong mình được khỏi bệnh”- Minh chia sẻ.

Sáng nay, Minh cùng 900.000 thí sinh trong cả nước bước vào kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Khi hỏi, em có cảm thấy hồi hộp không, thí sinh đặc biệt này chia sẻ, em không thấy lo lắng lắm, nhất là môn Toán, mong sẽ có thể đạt điểm cao.

Lê Tiến Quang Minh chia sẻ, VIDEO Nguyên Anh .

Đỗ Hợp - Nguyên Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nam-sinh-dac-biet-mua-thi-nam-nay-di-thi-giua-hai-dot-truyen-hoa-chat-1702426.tpo