Nam sinh ĐH Bách Khoa trồng 'nấm ma túy' từng là học sinh giỏi nhưng bị stress nặng
Từng học giỏi nhưng bị stress nặng, nam sinh đã tìm đến 'nấm thức thần' để giảm stress. Không dừng lại ở đó, cậu sinh viên 19 tuổi đã vướng lao lý sau khi tự nghiên cứu trồng ra loại nấm này để bán và sử dụng.
Chiều 1/7, Công an quận Cầu Giấy cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam với Nguyễn Trần Tuấn Phương (19 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ sinh học của Đại học Bách khoa Hà Nội) để điều tra tội sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Chiều 7/6 khi Phương mang "nấm thức thần" đến giao cho khách trên đường Vũ Phạm Hàm (phường Yên Hòa) thì bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Cầu Giấy bắt quả tang.
Trước khi bị bắt tạm giam, Phương là sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Phương chưa từng vướng lao lý hay có tiền án, tiền sự.
Theo tìm hiểu của PV, Phương từng nhiều năm là học sinh giỏi của một trường cấp ba có tiếng ở Hà Nội. Tuy nhiên, vào năm 2018, Phương bị stress nặng đã tìm đến "nấm thức thần" để giải khuây. Sau đó, nam sinh này đã nảy sinh ý định tự nghiên cứu trồng để sử dụng và bán.
Nhờ thành thạo ngoại ngữ, Phương đã tìm tài liệu tiếng Anh hướng dẫn công thức, quy trình trồng nấm này. Phương mua phôi nấm qua mạng và thu mẻ nấm thành phẩm đầu tiên sau hai tháng nuôi cấy. Tháng 5, Phương phơi khô và thu được thành phẩm còn khoảng 300gr và rao bán với giá 5 triệu đồng. Phương bị bắt vào chiều 7/6 khi đang giao hàng.
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, nấm thức thần từng xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2018, nhưng đây là lần đầu tiên "nấm thức thần" phát hiện ở Hà Nội. Loại nấm này có nhiều tên gọi khác nhau như: Nấm ma túy, nấm ảo giác, nấm ma thuật...
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần Bệnh viện 103 cho biết, khi sử dụng nấm thức thần, người dùng sẽ bị kiệt sức, thể trạng yếu dần, không thể tỉnh dậy nếu không có sự đánh thức của người khác. Hiện các nhà khoa học chưa thể giải thích được cơ chế kỳ lạ mà các hoạt chất có trong nấm gây ra với cơ thể con người.
Trao đổi với PV Infonet, TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: Điều đáng ngạị là cũng giống như các loại chất gây nghiện khác, lớp trẻ tìm đến những loại mới như "nấm thức thần" hầu hết để thể hiện sự "sành điệu" mà ít khi nghĩ đến hậu quả xảy ra. "Nấm thức thần" có thể không gây nghiện nhưng gây ra triệu chứng của bệnh tâm thần.
"Mặc dù, bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp nào sử dụng loại nấm thức thần này nhưng rõ ràng đây là thú vui mạo hiểm, kỳ quặc, liều lĩnh và thiếu hiểu biết. Chỉ có những người mắc tâm thần nặng mới bị ảo giác và thời điểm này diễn biến bệnh xấu có thể trở thành người vô dụng, gánh nặng cho gia đình và xã hội", TS.BS Hồng Thu nhấn mạnh.
M.H (th)