Nam sinh miền núi xứ Nghệ đạt thủ khoa thi đánh giá tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội

Với 94,22/100 điểm, Lê Viết Khang – nam sinh đến từ trường miền núi Nghệ An đã giành vị trí thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội.

Lê Viết Khang (học sinh Trường THPT Thái Hòa, Nghệ An) giành thủ khoa thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ 4 năm 2024. Ảnh: NVCC

Lê Viết Khang (học sinh Trường THPT Thái Hòa, Nghệ An) giành thủ khoa thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ 4 năm 2024. Ảnh: NVCC

Thủ khoa đến từ trường miền núi

Lê Viết Khang (học sinh Trường THPT Thái Hòa, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) nhận kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội vào đúng ngày tổng kết năm học 2023-2024. Với điểm số 94,22, cậu học trò đến từ trường miền núi xứ Nghệ đã vượt qua gần 6.000 thí sinh giành vị trí thủ khoa đợt thi thứ 4 năm 2024. Đây cũng là kỳ thi mà nam sinh này đã chuẩn bị từ đầu năm lớp 12, và chờ đến cuối tháng 5 vừa qua mới chính thức tham dự. Kết quả báo về khiến cậu học trò vỡ òa cảm xúc và nhận được nhiều lời chúc mừng từ thầy cô, bạn bè trong ngày đặc biệt sau 12 năm học.

Nam sinh chia sẻ mình tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy đợt thứ 4 của Đại học Bách khoa Hà Nội, vì đợt cuối cùng cận kề ngày thi tốt nghiệp THPT. Em muốn sau khi thi xong vẫn còn thời gian để tập trung ôn tập chuẩn cho kỳ thi tốt nghiệp.

Lê Viết Khang và thầy chủ nhiệm Đậu Huy Lâm (giáo viên môn Toán, Trường THPT Thái Hòa, Nghệ An). Ảnh: NVCC

Lê Viết Khang và thầy chủ nhiệm Đậu Huy Lâm (giáo viên môn Toán, Trường THPT Thái Hòa, Nghệ An). Ảnh: NVCC

“Bài thi đánh giá tư duy tập trung chính vào 4 môn Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Với môn Toán, câu hỏi trong đề ở mức độ từ vừa đến khó, có nhiều câu phải tư duy sâu. Trong khi đó, các môn còn lại thì có liên hệ ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Sau khi thi xong, tâm lý em cũng thoải mái, nhẹ nhõm vì mình đã cố gắng hết sức, không có gì phải hối tiếc. Nhưng việc đạt điểm cao nhất vẫn khiến em bất ngờ, vì đây là kỳ thi quy tụ nhiều học sinh giỏi đến từ cả nước”, Lê Viết Khang chia sẻ.

Với kết quả này, chặng đường 12 năm học của Khang đã có nhiều thành tích nổi bật. Trước đó, trong 3 năm THPT, em đều đạt học sinh giỏi toàn diện, và giành giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh cả 2 môn Toán, Vật lý.

Theo nam sinh chia sẻ, đạt kết quả học sinh giỏi tỉnh là một lợi thế để ưu tiên xét tuyển vào nhiều trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, Khang cho hay, mục tiêu của em là ngành IT1 – của Đại học Bách khoa Hà Nội, và ngành này lấy phần lớn chỉ tiêu từ kết quả bài thi đánh giá tư duy. Trong khi chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít. Vì vậy, bước sang năm lớp 12, em song song vừa ôn thi tốt nghiệp THPT, vừa tham khảo và ôn thêm các môn để phục vụ kỳ thi đánh giá tư duy.

Nỗ lực không ngừng

Theo Khang chia sẻ, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa nói riêng, và các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học hiện nay vẫn còn khá mới mẻ với học sinh. Em cũng đã từng thử đăng ký tham gia một số kỳ thi thử tổ chức trực tuyến, nhưng kết quả không cao. “Khác với xét tuyển đại học truyền thống, thường theo tổ hợp 3 môn chính, tương ứng với các khối như A, A1, B, D… thì bài thi đánh giá tư duy lại có kiến thức tổng hợp. Dù số lượng câu hỏi khó, nâng cao trong đề không nhiều, nhưng phạm vi kiến thức rộng, phong phú. Thí sinh làm bài thi trên máy tính và chỉ thi 1 buổi, không chia ra mỗi buổi một môn tách biệt. Các trung tâm luyện thi đánh giá tư duy ở địa phương cũng không có, nên chủ yếu là em tự mày mò, tìm hiểu và nhờ sự giúp đỡ của thầy cô”.

Lớp 12A0 của Lê Viết Khang là lớp chọn định hướng khối A của Trường THPT Thái Hòa, vì vậy số học sinh đăng ký xét tuyển đại học chiếm hầu hết. Trong đó có tới 2/3 bạn tham gia kỳ thi đánh giá tư duy.

Thời gian này Lê Viết Khang đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NVCC

Thời gian này Lê Viết Khang đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NVCC

Chủ nhiệm lớp 12A0, thầy giáo Đậu Huy Lâm (giáo viên môn Toán) cho biết: Với nhiều học sinh, nhất là với học sinh ở khu vực miền núi, xa trung tâm, việc học sinh tiếp cận với kỳ thi đánh giá tư duy còn khá mới mẻ. Về mức độ đề Cái khó của bài thi đánh giá tư duy đó là cần lượng kiến thức tổng hợp của nhiều năm học, nhiều bộ môn khác nhau. Thực tế đây là kỳ thi riêng của các đại học, nên việc tổ chức ôn thi cũng không chưa được tổ chức bài bản ở trong trường phổ thông.

Tuy nhiên, để hỗ trợ tối đa cho học trò, thầy và các giáo viên bộ môn cũng tự nghiên cứu các đề thi đánh giá tư duy, năng lực, lồng ghép vào trong dạy học, ôn tập. Theo đó, các thầy cô tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, cung cấp nền tảng kiến thức bộ môn, mở rộng liên hệ kiến thức giữa các năm học và ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn. “Kỳ thi nào cũng đều kiểm tra, đánh giá kiến thức theo chương trình học chứ không nằm ngoài nội dung đã học. Tôi và đồng nghiệp cũng rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm, tìm hiểu đề thi đánh giá năng lực các năm trước và đề minh họa để hỗ trợ, tư vấn thêm cho học sinh trong cách làm bài”, thầy Huy Lâm chia sẻ.

Giáo viên Trường THPT Thái Hòa cũng chia sẻ thêm, lớp 12 năm nay là khóa học đặc biệt, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng theo chương trình 2006. Với mục tiêu xét tuyển đại học, nhiều em tham gia thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển cho bản thân. Nhưng đổi lại việc ôn tập cho cả 2 kỳ thi quan trọng cũng rất áp lực, nên giáo viên cũng đồng hành, trợ giúp tối đa cho trò.

Một số em có đăng ký các khóa học trực tuyến. Việc vừa ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, vừa tham gia thi đánh giá năng lực khiến học sinh phải nắm khối lượng kiến thức khá rộng lớn, nhiều lĩnh vực. Các em cần chăm chỉ, kiên trì, sắp xếp thời gian biểu khoa học, hợp lý.

Đánh giá về cá nhân em Lê Viết Khang, thầy Lâm cho biết em là một học sinh có tố chất thông minh, ham học hỏi, cầu thị. Trong quá trình học tập ở trường, em đặt ra mục tiêu và có kế hoạch rõ ràng để đạt được, sắp xếp thời gian biểu khoa học, hợp lý. Em cũng rất chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập, kể cả tham gia các buổi học ôn môn khoa học xã hội để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Vì vậy, khi biết tin Khang đạt thủ khoa kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi cũng rất vui mừng, tự hào và thấy em hoàn toàn xứng đáng”, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A0 chia sẻ.

Hoàn thành kỳ thi đánh giá tư duy với kết quả xuất sắc, nam sinh đến từ trường miền núi Nghệ An vẫn chưa tự cho mình nghỉ ngơi. Hiện em đang tiếp tục nỗ lực ôn tập để đạt kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Với Khang, đây cũng là kỳ thi quan trọng sau 12 năm học, và là dấu mốc đặc biệt của đời học sinh. Em muốn giành kết quả tốt nhất như một sự đền đáp công ơn của bố mẹ, thầy cô giáo và sự đồng hành ủng hộ của bạn bè trong thời gian qua.

Kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức từ năm 2020. Kết quả kỳ thi này là 1 trong 3 phương thức xét tuyển vào trường. Hiện trường đại học khác trên cả nước cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển sinh đầu vào.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nam-sinh-mien-nui-xu-nghe-dat-thu-khoa-thi-danh-gia-tu-duy-dh-bach-khoa-ha-noi-post687322.html