Nam sinh trường Nguyễn Siêu vượt qua khủng hoảng, 'ẵm' học bổng hơn 6 tỷ đồng
Đinh Tiến Đạt hiện đang là thành viên của lớp 12A1 - theo học chương trình Cambridge A Level tại trường Nguyễn Siêu (Hà Nội). Cậu bạn từng là học sinh nổi bật của trường nhiều năm liên tiếp với các thành tích học thuật trước khi trải qua một biến cố tinh thần ảnh hưởng tới học tập và rồi đứng dậy làm lại, lần lượt chạm tới từng mục tiêu đề ra.
Hành trình của cậu học trò bản lĩnh
Mới đây, bạn Đinh Tiến Đạt nhận được thư mời nhập học chương trình danh dự và Học bổng 80% từ trường Brandeis University (bang Masachuset, Mỹ) - trường đại học tư thục được xếp hạng 60 trên toàn nước Mỹ, theo đuổi song ngành: Khoa học Máy tính và Tài chính - Quản trị Kinh doanh. Tổng gói học bổng Tiến Đạt nhận được là 260.000 đôla (tương đương hơn 6 tỉ đồng).
Nhìn lại hành trình học tập tại trường Nguyễn Siêu, Tiến Đạt tự hào hơn cả khi nhớ về giải Quốc gia đầu tiên vào năm học lớp 6. Đó là giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng trẻ thơ 2017” do Bộ GD&ĐT tổ chức, với ý tưởng máy hút rác vũ trụ để tái tạo chúng thành hạt mầm sự sống, hoạt động không ngừng nghỉ nhờ năng lượng mặt trời.
Vào năm 2018, Tiến Đạt xuất hiện trên kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7, trong 2 tập của chương trình Thử thách khoa học, với chủ đề Máy tạo Lốc xoáy (Tornado Maker), sau khi vượt qua vòng casting để trở thành trợ lý chương trình. Vai trò của Tiến Đạt là giúp các bạn đồng lứa tiếp nhận các kiến thức khoa học dễ dàng hơn, thú vị hơn.
Từ sở thích vẽ kỹ thuật số khi học lớp 6, càng lớn, tình yêu với nghệ thuật của Đạt lớn dần. Được mua một chiếc máy tính bảng vẽ kỹ thuật số, Đạt đã tự học photoshop và bắt đầu những bức tranh đầy màu sắc rồi đa dạng hóa các kỹ năng của mình, bao gồm cả coding. Lớp 9, Đạt nhận vai trò thiết kế cho ấn phẩm nội san tiếng Anh của trường (huma.NS: Student Magazine of Nguyen Sieu School).
Lên lớp 10, Đạt giành giải Ba cấp Cụm Thanh Xuân - Cầu Giấy trong kỳ thi Học sinh Giỏi với môn Tiếng Anh. Lớp 11, Đạt ở trong đội tuyển thi Tin học cấp Thành phố và đạt giải Khuyến khích. Lớp 12, bên cạnh việc tập trung vào học thuật, Đạt đã thi chứng chỉ IELTS đạt 8.0 và SAT đạt 1500/1600, tiến hành nộp hồ sơ xin học và Học bổng vào các trường đại học trên thế giới.
Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện, Tiến Đạt cũng đã bắt đầu tự kiếm tiền bằng khả năng thiết kế, phát triển giao diện, đồ họa cho những hot YouTuber từ đầu năm lớp 10. "Khách hàng" của Đạt đến từ Mỹ, Canada, Úc và các nước châu Á. Tuy nhiên, hiểu rằng sức hút của việc kiếm tiền sớm có thể ảnh hưởng tới việc học tập, Đạt đã chủ động tiết giảm, cân bằng.
Vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất
Nói về thời kỳ khủng hoảng của Đạt, năm lớp 11, gặp phải nỗi đau khi mất đi người thân, Đạt rơi vào trầm cảm, học hành sa sút. Trước kia, mọi điểm số và điểm đánh giá của Đạt đều là A* thì trong năm học này, đã có lúc Đạt phải nhận về điểm B, C và thậm chí tệ hơn. Lúc này, Đạt đã phải nhờ tới sự can thiệp của các thầy cô ở bộ phận Tâm lý học đường của trường.
Giờ đây, khi đã học hết kỳ I lớp 12 và đã bước qua giai đoạn khó khăn, đưa bảng điểm trở lại hạng A/A*, Tiến Đạt bày tỏ sự biết ơn tới cô Thu Huyền - chuyên viên Tâm lý - đã dành thời gian trò chuyện, chia sẻ và giao cho bạn các bài tập để nhìn nhận lại giá trị bản thân, quan sát cảm xúc để bớt cực đoan, biết hiểu và thương chính mình hơn, lập lại cân bằng trong lối sống.
Tiến Đạt thích mèo và thấy lối sống của mèo rất hợp với bản thân. Ngoài chơi với mèo, xem meme mèo, chơi piano, những sở thích giúp Đạt vừa thư giãn, cân bằng cuộc sống, vừa phát triển trí não chính là đọc sách và giải rubik. Trong khi đó, sở thích giải Rubik cũng đã từng đưa Đạt đến với giải Nhất trong Ngày hội Thể thao của trường Nguyễn Siêu (NSS Sports Day) tại sân vận động Mỹ Đình (11/2020).
Cô giáo Tô Lan Hương, chủ nhiệm lớp 12A1 của Đinh Tiến Đạt, chia sẻ: “Từ cảm nhận của một giáo viên chủ nhiệm thì cô thấy Tiến Đạt là một học sinh lịch sự, lễ phép, có ý kiến và quan điểm cá nhân độc lập. Thông qua kế hoạch tuần của Đạt, cô thấy Đạt không chỉ biết học, mà còn quan tâm đến người thân và gia đình. Hằng tuần, con có kế hoạch thăm hỏi hay nấu món gì đó đem cho ông bà, giúp chú dì dọn nhà, đi mua cát cho mèo... Ngoài tài thiết kế, con cũng rất hiểu chuyện, biết lắng nghe. Cô thấy những điều này rất đáng quý, còn quý hơn những Học bổng mà con giành được".