Nam sinh USTH giành học bổng Thạc sĩ Erasmus Mundus: Bước ra thế giới từ đam mê khám phá Vũ trụ

Vượt qua hàng ngàn ứng viên ưu tú từ khắp nơi trên thế giới, Nguyễn Phú Huy - nam sinh ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đã xuất sắc giành học bổng Chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus về Vật lý thiên văn và Khoa học Vũ trụ (viết tắt là MASS).

Erasmus Mundus - Tấm vé thông hành khắp châu Âu

Với nhiều sinh viên quốc tế, học bổng Erasmus Mundus không chỉ là một cơ hội học tập, mà còn là tấm vé thông hành quý giá để khám phá châu Âu – cái nôi của nền văn minh phương Tây. Không những miễn toàn bộ học phí và bảo hiểm, chương trình còn hỗ trợ khoản sinh hoạt phí 1.400 EUR mỗi tháng – một sự hậu thuẫn đáng kể giúp sinh viên an tâm học tập, nghiên cứu và hòa mình vào nhịp sống đa sắc màu nơi trời Âu.

Với Phú Huy, hành trình ấy là bước khởi đầu cho giấc mơ lớn hơn – giấc mơ giải mã những bí ẩn của vũ trụ. Huy chọn theo đuổi hướng Vũ trụ học, cụ thể là Vũ trụ học quan sát, một lĩnh vực kết hợp giữa lý thuyết vật lý sâu sắc và phân tích dữ liệu từ các khảo sát thiên văn quy mô lớn. “Mình chọn hướng nghiên cứu này vì nó là sự kết hợp hài hòa giữa chiều sâu lý thuyết và kỹ năng thực hành phân tích dữ liệu. Các tổ chức lớn như NASA hay ESA liên tục triển khai những dự án phục vụ cho mảng này. Mình mong muốn được đóng góp vào nỗ lực chung đó qua các nghiên cứu của mình trong tương lai”, Huy chia sẻ.

Trong hai năm tới, Phú Huy sẽ theo học tại Đại học Rome “Tor Vergata” (Ý) và Đại học Belgrade (Serbia) – hai cơ sở đào tạo hàng đầu với các nhóm nghiên cứu chuyên sâu về Vũ trụ học. Đối với Huy, Erasmus Mundus không chỉ là một học bổng, mà là cánh cửa đưa cậu đến gần hơn với khát vọng chạm tay vào những điều kỳ vĩ, vượt ngoài bầu trời mà ta vẫn nhìn thấy mỗi đêm.

Bốn năm, ba chuyến “xuất ngoại” - học để hiểu, đi để lớn

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Huy “xuất ngoại”. Trước đó, trong 3 năm Đại học tại USTH, Huy đã 2 lần thực tập tại nước ngoài. Đó là những tháng ngày học tập tại Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn Academia Sinica (Đài Loan), nơi Huy lần đầu tiếp xúc với nghiên cứu thiên văn chuyên nghiệp. Rồi tiếp đó là phòng thí nghiệm Vật lý hạt thiên văn và Vũ trụ học tại Đại học Paris Cité (Pháp), nơi Huy tiếp cận những đề tài vũ trụ học hiện đại.

Nhớ về lần xuất ngoại đầu tiên, Huy kể: “Đó là lần đầu tiên mình rời Việt Nam, sống và học tập ở một đất nước xa lạ. Những ngày đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ – từ ngôn ngữ, văn hóa đến cách làm việc trong phòng lab. Tuy nhiên, chính môi trường này đã dạy mình cách thích nghi, vượt qua lo âu và mở lòng với bạn bè quốc tế. Những buổi làm việc nhóm, giờ lab kéo dài, bữa cơm canteen nói chuyện bằng tiếng Anh, tiếng Trung, xen lẫn tiếng cười,… đã trở thành một phần đáng nhớ trong hành trang trưởng thành”.

Phú Huy (hàng sau, đứng thứ năm từ trái sang) thực tập sinh năm 2 tại Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn Academia Sinica (Đài Loan).

Phú Huy (hàng sau, đứng thứ năm từ trái sang) thực tập sinh năm 2 tại Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn Academia Sinica (Đài Loan).

Tại Đài Bắc, Huy tìm thấy một môi trường học tập nghiêm túc và đầy cảm hứng. Giá thuê nhà và thực phẩm ở mức vừa phải – chỉ nhỉnh hơn Hà Nội một chút, cùng hệ thống giao thông công cộng tiện lợi khiến cuộc sống sinh viên nơi đây trở nên “dễ chịu”. Điều Huy trân quý nhất nằm ở tinh thần học thuật nghiêm túc, sự cởi mở và tận tình hướng dẫn của các thầy cô, anh chị nghiên cứu sinh. Đó chính là những yếu tố đầu tiên giúp Huy làm quen với thế giới nghiên cứu thiên văn chuyên nghiệp.

Chuyến đi thứ hai, lần này đến Paris là một trải nghiệm giúp bản thân trưởng thành hơn, chủ động hơn. Nhờ những gì đã tích lũy từ trước, Huy nhanh chóng hòa nhập vào nhịp làm việc của nhóm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Vật lý hạt thiên văn và Vũ trụ học. Chi phí sinh hoạt cao gấp đôi Đài Bắc không làm Huy chùn bước, bởi đổi lại là một hệ sinh thái nghiên cứu hiện đại, nơi sinh viên quốc tế như cậu được tiếp cận với công nghệ tiên tiến và phương pháp đào tạo hàng đầu châu Âu.

Phú Huy (hàng trên cùng bên phải) tại hội thảo về thiên văn học tại Paris.

Phú Huy (hàng trên cùng bên phải) tại hội thảo về thiên văn học tại Paris.

Một điều rất tuyệt vời là cậu đã gặp được nhiều anh chị, bạn bè là sinh viên và cựu sinh viên USTH đang học tập, làm việc tại đây. Các bạn không chỉ trao đổi kiến thức chuyên môn, mà còn rủ nhau đi chơi, khám phá thành phố, chia sẻ về cuộc sống du học và cả những lần nhớ nhà. Đó là một cộng đồng gắn kết, ấm áp giữa lòng châu Âu.

Phú Huy cùng với các cựu sinh viên ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh (USTH) tại phòng thí nghiệm Vật lý hạt thiên văn và Vũ trụ học - Đại học Paris Cité (Pháp).

Phú Huy cùng với các cựu sinh viên ngành Khoa học vũ trụ và Công nghệ vệ tinh (USTH) tại phòng thí nghiệm Vật lý hạt thiên văn và Vũ trụ học - Đại học Paris Cité (Pháp).

Phú Huy chia sẻ: “Chính những chuyến đi ấy đã giúp mình nhận ra rằng thiên văn học không chỉ là những giấc mơ lãng mạn dưới bầu trời sao, mà là một hành trình đòi hỏi sự nghiêm túc, kiên trì và kỹ năng làm việc khoa học thực sự”.

Đồng hành cùng Huy trong các kỳ thực tập quốc tế là chính sách học bổng hỗ trợ thực tập từ USTH – một nguồn động lực thiết thực giúp cậu có thể toàn tâm theo đuổi đam mê nghiên cứu mà không quá bận tâm về gánh nặng tài chính.

Chia sẻ về mục tiêu dài hạn sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ hay xa hơn là Tiến sĩ, Huy muốn quay trở về Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực thiên văn – vũ trụ trong nước.

“Mình tin rằng lĩnh vực Vật lý thiên văn nói chung ở Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc trong 10–20 năm tới nhờ vào sự hội nhập quốc tế, sự đầu tư ngày càng tăng vào khoa học cơ bản của nhà nước, cũng như sự phát triển về cả số lượng và chất lượng của đội ngũ nghiên cứu trong nước. Mình mong muốn được góp phần vào hành trình đó, vừa với vai trò là một nhà nghiên cứu, vừa là người truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp, tiếp bước những người thầy, những anh chị sinh viên khóa trước của mình” - Huy bày tỏ.

Phú Huy tham gia Hội thảo về phân cực bụi trong vật lý thiên văn ở Quy Nhơn.

Phú Huy tham gia Hội thảo về phân cực bụi trong vật lý thiên văn ở Quy Nhơn.

Đôi nét về học bổng Chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus về Vật lý thiên văn và Khoa học Vũ trụ (MASS)

MASS là một trong những chương trình Thạc sĩ liên ngành danh giá nhất châu Âu trong lĩnh vực Vật lý thiên văn và Khoa học vũ trụ. Điểm đặc biệt của MASS là mô hình học tập luân chuyển – cho phép sinh viên học và nghiên cứu tại bốn trường đại học hàng đầu: Đại học Rome “Tor Vergata” (Ý), Đại học Belgrade (Serbia), Đại học Bremen (Đức) và Đại học Côte d’Azur (Pháp). Chính sự kết hợp giữa nội dung học thuật chuyên sâu, mạng lưới giảng viên uy tín quốc tế và trải nghiệm học tập xuyên biên giới đã khiến MASS trở thành một “mục tiêu vàng” được đông đảo sinh viên ngành Vũ trụ trên toàn thế giới theo đuổi.

Trước Nguyễn Phú Huy, đã có nhiều thế hệ sinh viên chinh phục thành công học bổng danh giá này, biến ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh của USTH trở thành một “lò luyện Erasmus Mundus” thực thụ. Điều đó cho thấy sự nghiêm túc trong đào tạo, định hướng quốc tế rõ ràng, và khả năng ươm mầm những tài năng nghiên cứu trẻ vươn tầm thế giới của nhà trường.

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-usth-gianh-hoc-bong-thac-si-erasmus-mundus-buoc-ra-the-gioi-tu-dam-me-kham-pha-vu-tru-post1757811.tpo