Năm thăng trầm của các tỷ phú Trung Quốc: Kẻ lụi bại, người lên đời
2021 được xem là một năm đại thành công với một số nhà tài phiệt Trung Quốc nhưng cũng là nốt trầm buồn trong sự nghiệp của hàng loạt tỷ phú địa ốc, công nghệ.
Giữa năm 2021, cái tên Evergrande và chủ tịch của tập đoàn Xu Jiayin trám đầy các trang báo Trung Quốc và quốc tế.
Trước cuộc khủng hoảng khó có thể cứu vãn của tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc, ông Xu, người gần 1 năm trước vẫn là một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc phải chật vật tìm cách xử lý số nợ khổng lồ 301,6 tỷ USD của Evergrande.
Theo China Business News, ông Xu đã bơm hơn 1 tỷ USD vào công ty nhằm tăng thanh khoản cho Evergrande. Số tiền trên được huy động từ việc bán tài sản cá nhân của ông này.
Từng là người giàu nhì châu Á với 42 tỷ USD, Xu nay chỉ còn trong tay khối tài sản trị giá 6,1 tỷ USD.
Nhưng Xu không phải là tỷ phú địa ốc duy nhất "gặp hạn" trong năm nay.
Người lụi bại
Theo Bloomberg, các doanh nhân bất động sản Trung Quốc vừa trải qua năm tồi tệ nhất nhất kể từ năm 2012 sau khi chính quyền trung ương triển khai chiến dịch mạnh tay nhằm kiểm soát hoạt động vay nợ của doanh nghiệp địa ốc. 2021 cũng là năm đầu tiên không có doanh nhân nào thuộc lĩnh vực bất động sản lọt vào top 10 tỷ phú Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định tuyên bố về "thịnh vượng chung", phân bố lại tài sản trong xã hội của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần nguyên nhân khiến các công ty địa ốc lâm vào thế khó trong năm qua.
Theo Bloomberg Billionaires Index, các tài phiệt bất động sản Trung Quốc đã mất tổng cộng 46 tỷ USD năm nay. Hứa là người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mất 17,2 tỷ USD.
Một số doanh nhân địa ốc Trung Quốc thậm chí còn bị đá bay khỏi danh sách tỷ phú.
Anh em nhà Kwok, đứng sau Kaisa Group Holdings – một công ty địa ốc khác bị mất gần 90% tài sản năm nay. Tài sản của họ hiện chỉ còn 160 triệu USD.
Chủ tịch Zhang Yuanlin của Sinic Holdings Group thậm chí còn thảm hơn khi chứng kiến cảnh 75% cổ phần trong công ty bốc hơi chỉ trong 1 ngày.
Không chỉ có các tài phiệt ngành bất động sản, các tỷ phú công nghệ cũng có một năm đáng quên.
Sau khi Trung Quốc siết chặt quy định chống độc quyền, hàng loạt các ông lớn công nghệ của nước này phải gánh các án phạt kỷ lục.
Thanh domino đầu tiên bị đổ là Alibaba với án phạt cao chưa từng có 2,75 tỷ USD hồi tháng 4 vì vi phạm chống độc quyền. Các nền tảng Pinduoduo, Didi Chuxing, Meituan sau đó cũng bị phạt với lý do tương tự.
Tài sản của chủ các tập đoàn này do đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo Bloomberg Billionaires Index, tổng tài sản của 10 đại gia công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã bay hơi 80 tỷ USD từ đầu năm 2021.
Trong đó, tỷ phú Colin Huang - nhà sáng lập Pinduoduo là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất 2/3 tài sản, tương đương 40,2 tỷ USD.
Jack Ma - người thẳng thừng chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc hồi tháng 10/2020 và phải ở ấn trong gần như cả năm 2021 và mất khoảng 21,4 tỷ USD giá trị tài sản.
Khối tài sản của Cheng Wei, nhà sáng lập Didi bị thu hẹp còn 1,7 tỷ USD không lâu sau khi các quan chức Bắc Kinh công bố cuộc điều tra nhắm vào Didi và yêu cầu công ty hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York
“Thời kỳ đỉnh cao của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc đã ở lại phía sau”, ông Chen Zhiwu - Giám đốc Viện toàn cầu châu Á tại Đại học Hong Kong bình luận.
Các tỷ phú trong lĩnh vực giáo dục Trung Quốc cũng vừa trải một năm thăng trầm sau khi Bắc Kinh thắt chặt hoạt động dạy thêm từ tháng 7.
Yu Minhong, người sáng lập hệ thống luyện thi New Oriental và được mệnh danh là "giáo viên giàu nhất Trung Quốc" với khối tài sản lên tới 1,1 tỷ USD tuyên bố đóng cửa 1.500 cơ sở đào tạo.
Tháng trước, Yu thông báo rằng công ty chuyển đổi hình thức kinh doanh, quay sang bán các sản phẩm nông nghiệp để bù đắp cho khoản lỗ do đóng cửa các trung tâm dạy thêm. Theo đó, những người trước đây là giáo viên ôn thi và giờ là người livestream bán hàng.
Đồng cảnh ngộ với Yu, Larry Chen - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Gaotu Techedu chứng kiến cảnh tài sản lao dốc năm qua. Trong khi đó, khối tài sản ròng của Zhang Bangxin - nhà sáng lập dịch vụ gia sư TAL Education Group giảm từ 11,3 tỷ USD xuống còn 1,2 tỷ USD vào cuối tháng 7.
Kẻ lên hương
Trái với bức tranh u tối của các tỷ phú công nghệ, giáo dục, bất động sản, các tỷ phú trong một số lĩnh vực như sản xuất, bán lẻ và giải trí lại có một năm "ăn nên làm ra".
Theo bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc được tạp chí Hurun công bố hồi tháng 10, Zhong Shanshan - chủ công ty nước khoáng Nongfu Spring sở hữu khối tài sản 60,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Con số này giúp ông trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Nước đóng chai không phải là nguồn thu duy nhất của Zhong. Ông còn là chủ tịch công ty dược phẩm có tên Wantai. Công ty này niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải hồi tháng 4/2020.
Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, Wantai tận dụng nhu cầu lớn về kit xét nghiệm COVID-19 để mang về khoản thu lớn, góp phần giúp tài sản của Zhong tăng mạnh.
Giá cổ phiếu của công ty BYD sản xuất ôtô và pin sạc tăng mạnh trong năm qua đẩy khối tài sản của Wang Zhuanfu - nhà sáng lập công ty này tăng lên 23,5 tỷ USD.
Trong khi đó, với khối tài sản tăng thêm 62,5%, Li Xiang - chủ doanh nghiệp ô tô Li Auto nhảy lên vị trí 67 trong bảng xếp hạng người giàu tại Trung Quốc.
Với sự phát triển như vũ bão của Tiktok trên toàn thế giới, Zhang Yinming - nhà sáng lập của ByteDance, công ty chủ quản mạng xã hội TikTok có một năm cực kỳ thành công. Tính đến giữa tháng 9, tài sản của vị tỷ phú 38 tuổi này tăng lên 53 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Zhang hiện đứng đầu bảng xếp hạng tỷ phú giàu nhất Trung Quốc dưới 40 tuổi và được dự đoán có thể soán ngôi của ông Zhong thời gian tới.