Nam thanh niên bị ngưng tim, ngưng thở sống sót nhờ được 'ngủ đông'

Nam thanh niên 26 tuổi bị ngưng tim, ngưng thở thoát 'cửa tử' nhờ được áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt hay còn gọi là 'ngủ đông'.

Ngày 4/11, đại diện bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, các bác sĩ khoa Nội tim mạch ở bệnh viện này vừa cứu sống một trường hợp bị điện giật dẫn đến ngưng tim, ngưng thở bằng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy.

Anh T. được cứu sống sau khi bị ngưng tim, ngưng thở. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Anh T. được cứu sống sau khi bị ngưng tim, ngưng thở. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước đó, ngày 28/10, anh N.H.T, 26 tuổi đang hàn xì ở nhà tại huyện Bình Chánh, TP.HCM thì bị điện giật ngã xuống đất khiến ngưng tim, ngưng thở. Phát hiện sự việc, người thân nhanh chóng tiến hành sơ cứu và đưa nạn nhân đến bệnh viện huyện Bình Chánh. Tại đây, anh T. được hồi sức liên tục trong vòng khoảng 45 phút rồi được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy.

Khi nhập viện, bệnh nhân T. trong tình trạng hôn mê hoàn toàn, không đáp ứng kích thích đau vào giờ thứ 8 sau tai nạn. Lúc này các bác sĩ khoa Nội tim mạch quyết định áp dụng một kỹ thuật khá mới là hạ thân nhiệt chỉ huy, giúp người bệnh giảm thiểu tổn thương lên não, tim và các cơ quan nội tạng.

Hiện nam thanh niên đã gần như bình phục hoàn toàn.

Hiện nam thanh niên đã gần như bình phục hoàn toàn.

Bệnh nhân được hạ và duy trì thân nhiệt ở 36 độ C trong khoảng 48 tiếng. Song song với quá trình kiểm soát thân nhiệt, các bác sĩ dùng thuốc hỗ trợ sức co bóp cơ tim, cải thiện huyết động và tuần hoàn bệnh nhân. Sau 24 tiếng, anh T. dần hồi tỉnh và chỉ sau 2 ngày, anh đã hồi phục hoàn toàn về ý thức, tri giác, trí nhớ được hồi phục. Bệnh nhân không có di chứng tổn thương não, có thể sinh hoạt, lao động như trước tai nạn.

Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, người bị ngưng tim ngưng thở ngoại viện chỉ có từ 2-9% sống để xuất viện, trong đó có 1/3 bệnh nhân bị rối loạn ý thức. Còn bệnh nhân nội viện bị ngưng tim ngưng thở, tỷ lệ được cứu sống và xuất viện khoảng 18%.

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Quý Đức, Phó khoa Nội Tim mạch, bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo, khi phát hiện người đột ngột ngưng tim, ngưng thở, người xung quanh phải nhanh chóng sơ cứu để có thể bảo tồn lưu lượng máu nuôi tim, não và các cơ quan nội tạng quan trọng. Trong thời gian ngắn nhất phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, nếu hạ được thân nhiệt thì tốt còn không phải làm hồi sức ngưng tim, ngưng thở cao cấp hơn. Sau đó chuyển tới bệnh viện có thể thực hiện phương pháp hạ thân nhiệt hoặc kỹ thuật cao hơn nữa để giúp bệnh nhân có thể trở về cuộc sống bình thường như trước kia.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nam-thanh-nien-bi-ngung-tim-ngung-tho-song-sot-nho-duoc-ngu-dong-a495455.html