Nam thanh niên gãy xương cánh tay sau khi chơi trò chơi quen thuộc với giới trẻ

Mới đây, các bác sĩ khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, Bệnh viện E, đã tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên 24 tuổi ở Hà Nội bị gãy xương cánh tay phải do tham gia trò chơi vật tay với bạn.

Nam thanh niên gãy xương cánh tay phải khi vật tay với bạn đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Nam thanh niên gãy xương cánh tay phải khi vật tay với bạn đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC

Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng cánh tay biến dạng nghiêm trọng, khuỷu tay bị hạn chế vận động. Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị gãy 1/3 dưới xương cánh tay phải – một tổn thương nghiêm trọng với nguy cơ ảnh hưởng lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.

ThS.BSNT Đặng Văn Hiếu - Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, cho biết bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật kết hợp xương bằng nẹp vít hiện đại để đưa các mảnh xương gãy trở lại đúng vị trí giải phẫu, đảm bảo khả năng hoạt động bình thường của tay trong tương lai. May mắn, bệnh nhân không có tổn thương thần kinh đi kèm – một biến chứng thường gặp trong các trường hợp gãy xương phức tạp.

Bác sĩ Đặng Văn Hiếu giải thích, cơ chế gây gãy xương khi chơi vật tay thường xuất phát từ lực xoắn vặn lớn tác động lên vùng 1/3 dưới của xương cánh tay – nơi dễ tổn thương do đặc điểm cấu trúc xương. Khi người chơi cố định khuỷu tay trong tư thế gấp, lực đối kháng lớn dồn lên xương, gây gãy phức tạp kèm mảnh rời. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các phẫu thuật viên trong việc tái lập giải phẫu, mà còn làm tăng nguy cơ tổn thương các dây thần kinh và mạch máu gần đó. Những tổn thương này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, cứng khớp, hoặc mất chức năng vận động.

Bác sĩ cũng cảnh báo về nguy cơ gãy xương khi người chơi cố gắng thay đổi lực hoặc xoắn vặn mạnh trong lúc vật tay. Đặc biệt, dù cơ bắp vùng cánh tay phát triển, cấu trúc xương lại không thay đổi nhiều, khiến nguy cơ gãy xương càng cao. Tuy nhiên, với lợi thế sinh lý và khả năng phục hồi tốt của người trẻ, bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ được hướng dẫn các bài tập phục hồi chức năng để tăng cường cơ bắp, cải thiện biên độ vận động, và hạn chế biến chứng như cứng khớp hay yếu cơ.

Trường hợp này là lời cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các môn thể thao đối kháng như vật tay. Bác sĩ khuyến cáo, trước khi chơi, người tham gia cần nắm rõ kỹ thuật và hiểu rõ giới hạn sức lực của bản thân để tránh các chấn thương nghiêm trọng. Việc kiểm soát lực, tránh các động tác xoắn vặn mạnh hoặc thay đổi lực đột ngột là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Nếu xuất hiện đau bất thường, người chơi nên dừng lại ngay và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng lâu dài.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nam-thanh-nien-gay-xuong-canh-tay-sau-khi-choi-tro-choi-quen-thuoc-voi-gioi-tre-407307.html