Nam thanh niên gãy xương vì chơi vật tay

Nam thanh niên 24 tuổi nhập viện trong tình trạng biến dạng cánh tay do bị gãy xương khi chơi vật tay với bạn.

Ngày 16-1, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một nam thanh niên 24 tuổi bị gãy xương vì chơi vật tay với bạn.

Bác sĩ Đặng Văn Hiếu, khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, cho biết nam thanh niên nhập viện trong tình trạng bị biến dạng cánh tay và hạn chế vận động khuỷu tay phải.

Kết quả chụp X-quang cho thấy người bệnh bị gãy 1/3 dưới xương cánh tay phải. Đây là tổn thương nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến chức năng tay phải nếu không được điều trị kịp thời.

"May mắn là người bệnh không có dấu hiệu tổn thương thần kinh đi kèm - một biến chứng thường gặp trong các trường hợp gãy xương cánh tay phức tạp", bác sĩ Hiếu nói.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nhằm đưa xương gãy trở lại đúng vị trí, đồng thời đảm bảo khả năng hoạt động bình thường của tay phải trong tương lai.

Sau phẫu thuật, người bệnh được các chuyên gia hướng dẫn thực hiện các bài tập vận động phù hợp, nhằm tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện biên độ cử động của tay và hạn chế biến chứng.

 Thanh niên 24 tuổi gãy xương vì chơi vật tay. Ảnh: BVCC

Thanh niên 24 tuổi gãy xương vì chơi vật tay. Ảnh: BVCC

Cũng theo bác sĩ Hiếu, xương cánh tay là một xương lớn của chi trên, có nguy cơ gãy nếu chịu tác động lực mạnh. Trong các hoạt động đối kháng như chơi vật tay, tình trạng gãy xương xảy ra do cơ chế xoắn vặn.

Người chơi vật tay thường dùng một lực rất lớn lên cánh tay khi khuỷu cố định trong tư thế gấp, dẫn tới một lực rất lớn dồn vào vùng 1/3 dưới xương cánh tay là vùng chuyển tiếp giữa thiết diện tròn và tam giác của xương, đồng thời trên thân xương có một số rãnh tự nhiên, khiến ổ gãy thường có dạng chéo vát phức tạp và có thể kèm theo mảnh rời.

Tình trạng nham nhở của xương gãy gây khó khăn cho các phẫu thuật viên trong việc đưa các mảnh xương về đúng vị trí, gia tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh quay, dây thần kinh trụ và mạch máu lân cận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chức năng vận động tay phải trong lâu dài, mà còn gia tăng nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng hoặc cứng khớp sau phẫu thuật.

Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh những chấn thương đáng tiếc, việc chơi thể thao cần được thực hiện một cách an toàn, hợp lý và luôn chú trọng đến khả năng chịu lực của cơ thể.

Trước khi tham gia các môn thể thao có tính đối kháng mạnh như vật tay, người chơi cần nắm rõ kỹ thuật và hiểu rõ giới hạn sức lực của cơ thể để tránh các chấn thương nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn, người chơi nên chú ý kiểm soát lực và tránh các động tác gây áp lực lớn lên xương cánh tay. Tránh thực hiện động tác xoắn vặn mạnh hoặc thay đổi lực đột ngột trong khi chơi vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng như gãy xương hoặc ảnh hưởng đến khớp và cơ.

Trong trường hợp có dấu hiệu đau bất thường, cần dừng ngay để tránh tổn thương nặng hơn và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-thanh-nien-gay-xuong-vi-choi-vat-tay-post830418.html