Nam thanh niên không dám có người yêu vì bệnh khó nói
Chỉ có một bên tinh hoàn từ nhỏ, thoát vị bẹn, chàng trai trẻ hay mặc cảm, tự ti, không dám có bạn gái.
Anh N.T.T. (36 tuổi, sống ở Hà Nội) chưa lập gia đình. Từ lúc sinh ra, anh chỉ có một bên tinh hoàn nên thường xuyên mặc cảm, không tự tin vào bản thân. Anh từng phẫu thuật thoát vị bẹn hai bên ở một bệnh viện tuyến dưới nhưng không được xử lý triệt để phần ẩn tinh hoàn.
Đặc biệt, xung quanh dương vật của anh N.T.T. có sẹo xấu do cơ địa và tình trạng nhiễm trùng sau lần phẫu thuật trước. Hoang mang, lo lắng bản thân sau này khó có người yêu, qua tìm hiểu trên Internet, N.T.T. đã tìm đến các bác sĩ của Bệnh viện E (Hà Nội) để được khám, tư vấn điều trị.
Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Thận tiết niệu và Nam học, cho biết nam thanh niên có ngoại hình ưa nhìn, đẹp trai, cao to, trí thức đến gặp bác sĩ trong trạng thái tinh thần khá bất ổn vì lo tương lai không có bạn gái hoặc người yêu phát hiện anh chỉ có một tinh hoàn sẽ chia tay.
Sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ chẩn đoán anh bị ẩn tinh hoàn bẩm sinh kèm thoát vị bẹn. Để điều trị dứt điểm, người bệnh cần được phẫu thuật sớm. Nếu tinh hoàn teo nhỏ, có biểu hiện ung thư, bệnh nhân phải cắt bỏ, đặt tinh hoàn nhân tạo do chức năng sinh sản của anh T. vẫn hoạt động tốt, bên tinh hoàn còn lại phát triển bình thường.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Liên, nếu chàng trai không phẫu thuật sớm, áp lực tinh thần sẽ gia tăng, lo âu kéo dài, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển. Sau khi nghe lời tư vấn, anh N.T.T. quyết định phẫu thuật sớm để ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư.
“Tôi hy vọng bác sĩ mổ sớm để về có thể tìm kiếm bạn gái", anh nói.
Thực tế, tinh hoàn ẩn thường được phát hiện ở những bé trai khi vừa chào đời, một số ít nam giới trưởng thành có tình trạng này. Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện, điều trị sớm, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, khả năng sinh sản.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn ẩn gồm:
Rối loạn trục hạ đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục, tình trạng suy tuyến yên làm thiếu gonadotropin, gây tinh hoàn ẩn và chứng dương vật nhỏ.
Sự sai lệch tổng hợp testosterone do thiếu men 17α-hydroxylase, 5α-reductase… khiến tinh hoàn không phát triển bình thường.
Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của những thụ thể androgen gây giảm khả năng cảm nhận của thụ thể androgen nên dù là bé trai, sự phát triển của chức năng sinh dục nam bị ảnh hưởng, bao gồm cả sự di chuyển của tinh hoàn.
Estrogen ảnh hưởng tới sự di chuyển của tinh hoàn xuống bìu. Thai phụ mang thai nhi nam nếu sử dụng diethylstilbestrol nhiều hoặc thuốc kháng androgen, thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh.
Sự bất thường trong quá trình phát triển của dây chằng tinh hoàn, bìu khiến tinh hoàn nằm lơ lửng trên đường di chuyển, không xuống đến bìu.
Những yếu tố cơ học gây cản trở trong quá trình di chuyển của tinh hoàn như cuống mạch tinh hoàn ngắn, xơ hóa vùng ống bẹn…
Tinh hoàn ẩn được phân thành hai dạng gồm dạng sờ được và không sờ được. Khoảng 80% tinh hoàn ẩn không thể sờ thấy được.
Thông thường, người bệnh có thể phát hiện khi quan sát thấy túi bìu không cân đối (ví dụ như một bên bình thường, trong khi bên còn lại bị nhỏ, xẹp lép). Nếu tinh hoàn bị ẩn một bên hoặc cả hai bên, túi bìu nhỏ và xẹp.
Cách điều trị
Với trẻ nhỏ, tình trạng tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị cho trẻ trước 18 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn ẩn được phát hiện, điều trị sớm trước 2 tuổi, chức năng sinh sản của trẻ sẽ hồi phục tốt.
Do đó, bác sĩ Liên khuyến cáo cha mẹ nên lưu ý kiểm tra vùng bìu của trẻ nếu không sờ thấy tinh hoàn một hoặc hai bên hay 2 bên, đưa con đi khám ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa ngoại về tiết niệu, nam học, nhi khoa.
Người lớn cần đưa tinh hoàn về đúng chỗ, tránh nguy cơ mắc ung thư. Ung thư tinh hoàn là bệnh ít gặp, chiếm khoảng 1% ung thư ở nam giới. Tuy nhiên, đây là bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất ở nam giới lứa tuổi 25-35.
Cách điều trị duy nhất đối với cả hai đối tượng trên là phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu.
Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ quan sát, đánh giá các tạng trong ổ bụng nhằm tìm, xác định người bệnh có hay không có tinh hoàn, vị trí, kích thước của tinh hoàn, đồng thời đánh giá lỗ bẹn đã bịt kín hay vẫn mở.
Sau đó, bác sĩ cắt bỏ dây treo xa tinh hoàn, giải phóng tinh hoàn ra khỏi thành bụng, bó mạch tinh, ống dẫn tinh tối đa, tạo đường hầm cho tinh hoàn đi xuống bìu, mở cơ bìu tạo khoang, kéo tinh hoàn khỏi ổ bụng để di chuyển xuống bìu, kiểm tra lại ổ bụng, lau rửa ổ cầm máu.