Nam thanh niên mất 7 chiếc răng do ăn bánh ngọt từ nhỏ
Bệnh nhân 26 tuổi được xác định mất 2 răng cửa, 5 chiếc bị sâu nặng và phải đeo hàm nhân tạo hỗ trợ nhai.
Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Vũ, chuyên khoa điều trị các bệnh răng miệng tại TP.HCM, cho biết mới đây, ông tiếp nhận bệnh nhân Q.T. (26 tuổi, huấn luyện viên thể hình, ngụ tại TP.HCM) trong tình trạng toàn bộ hàm răng bị hỏng nghiêm trọng, phải đeo hàm tháo lắp hỗ trợ ăn nhai từ năm 16 tuổi.
Bệnh nhân cho biết từ nhỏ đã có sở thích ăn bánh ngọt nhưng lại không biết cách chăm sóc răng miệng. Sâu răng diễn ra âm thầm và phá hủy phần răng cửa của anh nặng nề, các răng hư lần lượt phải nhổ bỏ.
Bác sĩ Vũ cho biết bệnh nhân T. được chỉ định phương án tốt nhất là trồng răng mới. Tuy nhiên, T. phải trải qua tối thiểu 3-6 tháng mới có thể phục hình hàm răng hoàn toàn.
"Một trong những yếu tố dẫn đến bệnh sâu răng của người trẻ là sử dụng nhiều đồ ăn, thức uống chứa đường. Trong khi đường là chất để vi khuẩn tiêu hóa, tạo axit ăn mòn men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu", bác sĩ Vũ nói.
Chuyên gia này cho biết hiện nay, sâu răng trở thành vấn đề răng miệng đáng báo động ở người trẻ. Theo thống kê của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương (Hà Nội), trên 90% dân số Việt Nam có bệnh vùng quanh răng, trên 60% trong số này bị sâu răng.
Trung bình, mỗi người từ 18 trở lên bị mất một cái răng. Sâu răng là bệnh lý nha khoa không nên xem nhẹ. Bệnh tiến triển gây sâu răng nặng, viêm nhiễm lan rộng, nguy cơ phải nhổ bỏ.
Hiện nay, năng lượng từ đường đang chiếm 10% trên tổng năng lượng ăn vào của người Việt. Các bác sĩ khuyến cáo nên giảm xuống 5% để đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, người dân nên hạn chế sử dụng nước ngọt có ga và những thức ăn chứa nhiều đường. Sau khi sử dụng, bạn nên súc miệng thật sạch và uống thêm nước lọc để bảo vệ răng miệng.