Nam thanh nữ tú TP.HCM xúng xính áo dài khoe dáng đón xuân
Hàng nghìn người dân thành phố và du khách khoe áo dài, xem vẽ chữ Việt, tạo dáng tại Đường mai vàng Phạm Ngọc Thạch ngày cuối tuần.
Trong 2 ngày cuối tuần, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - nơi diễn ra Lễ hội Tết Việt, hàng nghìn du khách và người dân ghé đến vui chơi, chụp ảnh kỷ niệm bên không gian gợi nhớ về Tết cổ truyền Việt Nam, như đường hoa mai, hoa đào, sạp vẽ chữ...
Theo ông Nguyễn Hồng Phúc - giám đốc Nhà Văn hóa Thanh Niên, kỳ vọng năm nay lễ hội Tết Việt sẽ thu hút lượng khách đến tham quan, vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn sau thời gian dài dịch bệnh. Các năm trước, trung bình có khoảng 200.000 lượt khách đến lễ hội.
"So với năm ngoái, năm nay, đơn vị đầu tư cho lễ hội chỉn chu hơn, đẹp hơn, để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố và du khách. Khi khách tới tham quan sẽ cảm nhận được sự tươi mới của vùng quê miền Nam ngày Tết qua chủ đề Thành phố tôi yêu", ông Phúc cho hay.
Cùng với đó, tại các khu vực trung tâm TP như hồ Con Rùa, Nhà thờ Đức Bà, Công viên Thống nhất, Đường sách Nguyễn Văn Bình, Bưu điện Thành phố, Bến Bạch Đằng... cũng được trang trí ngập tràn sắc xuân để người dân đến vui chơi, giải trí dịp Tết Nguyên đán - Xuân Quý Mão 2023.
Tại không gian Lễ hội Tết Việt bên trong Nhà văn hóa Thanh niên, du khách tham quan tha hồ "check in" nhiều góc chụp khác nhau, từ bụi lúa trĩu cành, nhành mai đào rực rỡ, cho đến mái lá đơn sơ bên cửa sổ bắp ngô vàng ươm…
Lucy Liu - vị khách người Đài Loan (Trung Quốc) đã 5 năm ăn Tết Việt - đang lúi húi mua phong bao đỏ lì xì. Chị nói 5 năm trước hồi mới lấy chồng Việt ở Hà Nội, chị khá bất ngờ với một số phong tục và những điều kiêng kị ngày xuân tại nơi này.
Tuy nhiên, có cùng nền văn hóa Á Đông nên cũng có nhiều phong tục tương đồng với đất nước chị, như lì xì cho trẻ em và mừng thọ người lớn tuổi. Nhưng điều chị rất thích và cảm thấy yêu mến đó là hình ảnh người Việt dù ở xa hay gần, đều trở về bên gia đình ngày Tết. Cùng quây quần bên nhau, chúc Tết ông bà, người lớn tuổi sau lễ đón giao thừa…
Cũng như quê nhà chị, ẩm thực trong ngày Tết Việt Nam vô cùng đa dạng với bánh mứt đủ loại. Bên cạnh đó, mâm cổ cúng ngày Tết cũng thịnh soạn, ngon lành và bắt mắt.
William (đến từ Vương quốc Anh) cho hay: "Đứng nhìn các nghệ nhân làm nãy giờ, tôi không nghĩ rằng họ lại khéo léo đến vậy. Các chú tò he từ mèo Doremon, Pokemon, cho đến các nhân vật hoạt hình khác đều trông rất thật và sinh động".
Đánh giá cảnh quan đường hoa năm nay trang trí khá đẹp mắt, tuy nhiên người thợ ảnh lớn tuổi phàn nàn: "Bị vướng cái sân khấu nên không gian trưng bày hoa mai và tiểu cảnh - đại cảnh thu hẹp hơn mấy năm trước. Ngoài ra, du khách bây giờ tự chụp là chính nên tụi này thu nhập cũng giảm nhiều".
Năm nay, không gian Lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh Niên diễn ra với nhiều hoạt động dân gian ngày Tết như: Nặn tò he, làm tranh nghệ thuật xoắn giấy, giấy handmade tạo hình 3D, khắc thủ công mỹ nghệ, vẽ tranh truyền thần, góc ẩm thực đèn dầu, gian hàng áo dài…
Tất cả tạo nên một không khí "quê nhà ngày Tết" với bếp nhà, mảnh sân, cánh đồng mênh mang hương sắc Tết, rộn ràng tiếng xuân. Trong đó, các ruộng lúa được cách điệu nhiều tầng để gợi liên tưởng đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh của đồng bằng Nam bộ...
Lễ hội sẽ kéo dài đến hết mùng 5 Tết, tuy nhiên các hoạt động diễn ra chủ yếu trong vòng 15 ngày (từ ngày 14-29 tháng Chạp), sau đó chỉ còn lại không gian Đường mai, Phố ông đồ… để mọi người đến thưởng lãm và chụp hình.
Hữu Long