Nam tính biến mất ở Trung Quốc

Nhiều đàn ông ở đất nước tỷ dân bị cho là ẻo lả khi chải chuốt ngoại hình, cư xử nhẹ nhàng và chiều chuộng bạn gái.

"Đàn ông lên!", đó là câu mà ông Chen (60 tuổi, người Thượng Hải) từng nghe không biết bao nhiêu lần từ khi còn nhỏ.

Vốn là một cậu bé có giọng "nữ cao" và vóc dáng nhỏ bé, ông Chen bị bạn bè thời cấp hai chế giễu không ngừng. Năm ngoái, trong một buổi họp lớp, dù đã ở tuổi lục tuần, ông vẫn bị trêu chọc về "sự yếu đuối" của mình.

"Cô bé ngày xưa giờ đã là một người đàn ông rồi", một người phụ nữ trong nhóm nói, nghĩ rằng điều đó sẽ làm Chen vui lên.

Nhưng Chen, người phải nghe mọi lời xúc phạm, vẫn giữ im lặng từ đầu đến cuối.

Giờ đây khi đã là một người ông, Chen thường nói với đứa cháu 5 tuổi của mình rằng thằng bé phải "mạnh mẽ lên" để tránh bị bắt nạt. Thế nhưng bản thân ông cũng nói rằng nam thanh niên ngày nay có vẻ ít nam tính hơn do được cưng chiều khi là con một.

 Quan điểm đàn ông đang ngày càng bị "nữ tính hóa" là chủ đề thu hút sự tranh luận lớn tại Trung Quốc.

Quan điểm đàn ông đang ngày càng bị "nữ tính hóa" là chủ đề thu hút sự tranh luận lớn tại Trung Quốc.

Khi nữ tính mang hàm ý tiêu cực

Ông Chen nói rất ngạc nhiên khi biết đến cuộc tranh luận của dân mạng về nam tính và ẻo lả. Có một thuật ngữ ở Trung Quốc gọi những người thiếu nam tính là "niangniangqiang".

Cuộc tranh luận gay gắt trên mạng diễn ra sau đề xuất của Si Zefu, một thành viên của Hội nghị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, kêu gọi "ngăn chặn sự nữ tính hóa của nam giới trẻ tuổi". Người này nói rằng thực trạng này là "mối đe dọa đối với sự phát triển và tồn tại của quốc gia".

Bộ Giáo dục đã ủng hộ bằng cách cam kết tuyển dụng nhiều hơn và tốt hơn các giáo viên thể dục để rèn luyện cho các học sinh nam.

Nhiều người tự hỏi tại sao khái niệm "nữ tính" lại trở nên tiêu cực như thế. Một bài viết có hashtag liên quan đến vấn đề này cũng thu hút 1 tỷ lượt xem trên Weibo.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi ifeng.com với khoảng 2 triệu người tham gia cho thấy hơn một nửa phản đối ý kiến “con trai phải nam tính".

Theo một cuộc khảo sát khác với 120.000 người tham gia, một nửa số ý kiến cho rằng cần phải trau dồi tinh thần "nam tính" đó, miễn là nó không bị đóng khung trong những từ ngữ liên quan đến "nữ tính hóa".

 Nhiều người phản đối quan điểm cần dạy học sinh nam cách trở nên mạnh mẽ.

Nhiều người phản đối quan điểm cần dạy học sinh nam cách trở nên mạnh mẽ.

Đài Phát thanh Trung ương Trung Quốc đề cập trong một bản tin: "Giáo dục không phải là để đào tạo 'đàn ông' hay 'phụ nữ', mà là dạy trẻ em chủ động và có trách nhiệm, tinh thần văn minh và cứng cáp về mặt ngoại hình. Điều cốt yếu là sự phát triển lành mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần".

Shen Yifei, giáo sư xã hội học tại Đại học Phục Đán, cũng có bài viết về chủ đề này. Cô nói: "Nhiều người có vẻ ngoài bị nhận xét là yếu đuối vì vóc dáng nhỏ bé. Nhưng đó không phải lỗi của họ. Đó là do gen. Điều đó có gì xấu?".

Cô nói thêm điều quan trọng với đàn ông là họ có thể bộc lộ cảm xúc, thậm chí là khóc. "Có điều gì tệ khi khiến đàn ông bỏ nắm đấm xuống và trở nên ôn hòa hơn? Có gì xấu nếu một người đàn ông chu đáo, nhân ái và biết quan tâm?".

Shen cho biết nhiều quan niệm đương đại về đàn ông bắt nguồn từ vai trò săn bắt và người bảo vệ của họ trong thời kỳ đồ đá - những thuộc tính hơi lỗi thời trong cuộc sống hiện đại. Đồng thời, phụ nữ ngày nay không còn cần tuân theo định kiến giới của những người chăm sóc và giữ gìn nhà cửa.

Định kiến giới lỗi thời

Đây không phải lần đầu tiên chuẩn mực giới tính được đưa ra bàn luận ở đất nước tỷ dân.

Năm 2018, từ khóa "tiểu thịt tươi" - thường để chỉ các nghệ sĩ giải trí đẹp trai đã nhận về nhiều chỉ trích từ truyền thông, giới học thuật, cư dân mạng, diễn viên và đạo diễn. Các nghệ sĩ "tiểu thịt tươi" thường bị chế giễu là "niangniangqiang" vì trang điểm đậm, xỏ lỗ tai và kiểu tóc thời thượng.

Nhật báo Nhân dân, CCTV và các đài truyền hình địa phương khác nhau chỉ trích sự phổ biến của thuật ngữ “tiểu thịt tươi” và tác động độc hại của nó đối với người hâm mộ tuổi teen.

 Hình tượng "tiểu thịt tươi" từng bị truyền thông, công chúng chỉ trích.

Hình tượng "tiểu thịt tươi" từng bị truyền thông, công chúng chỉ trích.

Nhưng tờ Tin tức Phụ nữ Trung Quốc lại có lập trường khác. Trong một bài báo có tựa đề “Tôn trọng thẩm mỹ đa dạng, xây dựng tinh thần tươi sáng”, ấn phẩm cho biết thẩm mỹ đa dạng là sản phẩm phụ của một xã hội an toàn, ổn định và thịnh vượng.

Theo đó, xã hội khá giả nên xây dựng một nền văn minh dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng và hòa nhập. Thay vì kêu gọi nam tính, nó kêu gọi một “tinh thần tươi sáng” lạc quan và lành mạnh cho tất cả các giới tính.

Yang Jia (25 tuổi, người Thượng Hải) làm việc trong ngành trang điểm, vốn thường được coi là một công việc “nữ tính”. Anh làm việc với các studio nhiếp ảnh, giúp mọi người có được phong cách họ muốn.

Các khách hàng nam thường yêu cầu Yang sử dụng trang điểm và hiệu ứng bóng để làm giả hoặc làm nổi bật cơ bắp. Những người khác muốn trông "văn minh và thành thị".

Yang nói: "Đàn ông Thượng Hải thường bị những người vùng khác của Trung Quốc coi là kém nam tính. Chúng tôi nấu ăn ở nhà và chúng tôi thường chiều chuộng bạn gái hoặc vợ. Tôi có tất cả đặc điểm trên và tôi tự hào về điều đó".

Yang có 4 chiếc khuyên tai, tạo dáng lông mày, sơn móng tay và vẫn tự nhận xét mình nam tính. Một số bạn bè, cả nam và nữ, trêu chọc anh ấy là một kẻ si tình. Những người khác coi anh ta là "metrosex" - thuật ngữ được đặt ra vào năm 1994 để mô tả những người đàn ông tỉ mỉ trong việc chải chuốt và để tâm ngoại hình.

"Không phải ở vẻ ngoài hay cách cư xử. Chúng tôi hòa nhập và đa dạng hơn so với các thế hệ trước. Tôi cho rằng bây giờ chúng tôi là một người đàn ông tốt hơn với một số đặc điểm của phụ nữ", Yang lập luận.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-tinh-bien-mat-o-trung-quoc-post1185362.html