Nam Trực: Giao thông phát huy vai trò kết nối, tạo sức bật phát triển

Huyện Nam Trực có vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần trung tâm TP Nam Định và được bao bọc bởi các trục giao thông quan trọng. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Nâng cấp hạ tầng đồng bộ

Nam Trực là một huyện nông thôn nằm ở phía nam tỉnh Nam Định, đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ thông qua các kế hoạch quy hoạch và phát triển đồng bộ.

Với mục tiêu trở thành một huyện phát triển toàn diện và bền vững, các dự án quy hoạch tại Nam Trực tập trung vào nâng cao cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.

Huyện Nam Trực tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Huyện Nam Trực tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nam Trực cho biết, Nam Trực có hệ thống giao thông thủy, bộ, kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh với 1 bến xe khách, 2 tuyến quốc lộ (QL21, QL21B) chiều dài 22,78km; 4 tuyến đường tỉnh (ĐT490C, ĐT485B, ĐT487, ĐT487B) dài 44,99km.

Cùng với đó, có 12 tuyến đường trục huyện dài 68,5km (Hoa Lợi Hải, Tiến Thái, Bình Sơn, Thanh Khê, Nam Ninh Hải, Mỹ Điền, An Thắng) được nhựa hóa đạt 100% đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng.

Hệ thống đường liên xã gồm 11 tuyến với tổng chiều dài 40,1km qua địa bàn 12 xã đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ giao thương hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân thuận tiện.

Ngoài ra, hệ thống đường trục xã 160,2km, đường nội bộ qua các khu dân cư, đường trục chính nội đồng đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn giao thông nông thôn và đang được huyện tiếp tục quy hoạch mở rộng, cải tạo, nâng cấp; trên 50% các tuyến đường trục thôn, đường dong ngõ, xóm đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

"Nam Trực là huyện có vai trò kết nối TP Nam Định với 6 huyện phía Nam của tỉnh, là địa bàn có các trục giao thông quan trọng của tỉnh chạy qua như: QL21, QL21B, TL490C, TL487, TL487B, TL485B đã hoàn thành, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển đang triển khai. Hệ thống đường giao thông của huyện Nam Trực đã và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp đảm bảo kết nối giao thông, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh", ông Hà cho biết.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện vẫn cần được đầu tư cải tạo, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đặc biệt là thực hiện và hoàn thành các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Do đó, huyện Nam Trực đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phải hoàn thành đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường trục huyện đạt quy mô cấp IV, V đồng bằng; các tuyến đường liên xã theo quy mô cấp V đồng bằng và nâng cấp một số tuyến đường liên xã đưa vào danh sách các tuyến đường trục do huyện quản lý để thuận lợi huy động các nguồn lực cải tạo, nâng cấp.

Đồng thời, đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường trục xã, đường thôn xóm và tối thiểu 80% đường trục chính nội đồng đạt tiêu chí nông thôn mới; thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện.

Ưu tiên mở rộng giao thông kết nối

Ông Lưu Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cho biết, xác định giao thông đi trước mở đường, huyện đã chú trọng đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường huyết mạch, đảm bảo kết nối thuận lợi giữa các khu vực trong huyện và với các vùng lân cận được huyện chú trọng, ưu tiên hàng đầu.

Cùng với đó, cải thiện các tuyến đường chính, đường liên xã, liên huyện và hệ thống giao thông nông thôn êm thuận đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Nhà thầu thi công đường An Quang, huyện Nam Trực.

Nhà thầu thi công đường An Quang, huyện Nam Trực.

Theo ông Dũng, năm 2020, công trình cải tạo, nâng cấp đường An Thắng được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, giao UBND huyện Nam Trực là chủ đầu tư.

Đây là tuyến đường trục ngang huyện kết nối các khu vực tập trung đông dân cư, đê sông Đào và hệ thống giao thông huyết mạch của Trung ương, của tỉnh là QL21, TL490C.

Dự án đi qua địa bàn các xã Nghĩa An, Nam Toàn, Hồng Quang, Nam Thắng, có tổng chiều dài trên 14,4km, gồm 1 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, quy mô đường cấp V đồng bằng.

Cùng với đường An Thắng, các tuyến đường liên xã cần đầu tư nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn đường huyện quản lý là: Tuyến đường An Quang dài khoảng 6,9km có điểm đầu tại đê tả sông Đào, xã Nghĩa An, điểm cuối là QL21B qua các xã Nghĩa An, Nam Cường, Hồng Quang.

Đường Phong Quang dài khoảng 4km, điểm đầu giáp xã Nam Phong (TP Nam Định) điểm cuối QL21 thuộc xã Hồng Quang; tuyến đường cơ bản bám theo bờ phải sông Châu Thành đảm bảo kết nối các xã Nam Phong, Nam Mỹ, Hồng Quang.

Đường Nguyễn Hiền dài khoảng 5,4km có điểm đầu ở đê hữu sông Hồng qua đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, điểm cuối tại QL21 qua địa bàn 3 xã Điền Xá, Nam Thắng, Tân Thịnh. Đường Giang Tiến dài khoảng 5km, điểm đầu tại vị trí TL485B giao với TL487B, điểm cuối tại TL487 kết nối 4 xã, thị trấn: Nam Giang, Nam Dương, Bình Minh, Nam Tiến.

Đường Thái Hải dài khoảng 6,2km điểm đầu tại QL21B, điểm cuối tại TL490C qua địa bàn các xã Nam Hải, Nam Thái, trong đó có đoạn tuyến mới dài khoảng 1,2km thuộc địa bàn xã Nam Thái.

Huyện đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu trong đó nêu rõ, hệ thống giao thông trên địa bàn 5 xã Nam Mỹ, Nam Toàn, Nghĩa An, Điền Xá, Hồng Quang tổ chức thực hiện theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với nhóm giải pháp, huyện tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung hệ thống giao thông của huyện phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đã được UBND tỉnh phê duyệt và gắn với quy hoạch xây dựng các xã, thị trấn đảm bảo sự đồng bộ, kết nối giữa hệ thống giao thông nông thôn và các tuyến đường quốc gia, đường tỉnh qua địa bàn.

Hoàn thiện và công khai quy định về phân cấp quản lý đầu tư, phân bổ nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thuộc huyện quản lý.

"Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích phát triển các tuyến xe buýt nội huyện và liên tỉnh, tập trung phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030, tỷ lệ đường bộ được nhựa hóa hoặc bê tông hóa dự kiến đạt 100%, với các tuyến đường huyết mạch được mở rộng và nâng cấp để đảm bảo kết nối thông suốt", ông Dũng cho biết.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nam-truc-giao-thong-phat-huy-vai-tro-ket-noi-tao-suc-bat-phat-trien-192240801104000613.htm